(KTSG Online) - Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Tại Hội nghị hoạt động ngân hàng năm 2024 và nhiệm vụ năm 2025 diễn ra sáng nay (14-12), lãnh đạo Ngân hàng nhà nước cho biết, tính đến ngày 13-12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, TTXVN đưa tin.
Năm 2024, Ngân hàng nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của tổ chức. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước tiếp tục chỉ đạo về thúc đẩy các chương trình tín dụng như chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành ngân hàng đã kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Về nhiệm vụ, định hướng thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ sao cho chủ động, kịp thời, phối hợp với chính sách tài khóa, ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Phía ngân hàng tiếp tục kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế "tín dụng đen".