Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất đạt đỉnh, cuộc chiến chống lạm phát liệu có sớm kết thúc?

Ngân Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chu kỳ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đã chậm lại trong bối cảnh áp lực lạm phát đang dần hạ nhiệt tại nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lạm phát liệu có sớm kết thúc?

Chu kỳ tăng lãi suất dần đi đến hồi kết

Suốt hai năm qua, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã không ngừng nâng lãi suất trong cuộc chiến kiểm lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3 năm ngoái, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thực hiện 14 đợt tăng liên tiếp kể từ cuối năm 2021. Và giờ đây, nhiều người tin rằng, mức lãi suất của các ngân hàng trung ương thực sự đã đạt đỉnh.

Hôm thứ Năm tuần trước, BOE cho biết sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất dài nhất trong hơn một thế kỷ, qua đó giữ lãi suất cơ bản ở mức cao nhất trong 15 năm là 5,25%.

Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đưa ra động thái tương tự. Trước đó một ngày, Fed cũng đã quyết định giữ lãi suất trong phạm vi từ 5,25 – 5,5%. Nhìn rộng hơn, trong số 12 ngân hàng trung ương công bố các quyết định chính sách trong tuần trước, có tới 8 ngân hàng quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang dần đạt được những kết quả đáng khích lệ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn

Thế nhưng, đà tăng lãi suất dừng lại không đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống lạm phát có thể sớm kết thúc.

Bất chấp những tiến bộ trong việc kiềm chế lạm phát, giới chức các ngân hàng trung ương đã cảnh báo rằng cuộc chiến của họ vẫn sẽ còn tiếp diễn và ngay cả khi không cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, lãi suất vẫn cần phải được duy trì ở mức cao trong năm tới.

Trong một đoạn video đăng tải trên trang web của BOE hôm thứ Năm tuần trước, Thống đốc BOE - Andrew Bailey đã lên tiếng cảnh báo: “Hoàn toàn không có chỗ cho sự tự mãn. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu có cần tăng lãi suất thêm nữa hay không. Và chúng ta sẽ cần giữ lãi suất đủ cao trong thời gian đủ lâu để đảm bảo hoàn thành mục tiêu chống lạm phát”.

Tại Mỹ, nơi nền kinh tế vẫn đang duy trì được mức tăng trưởng mạnh mẽ, “sẽ có rất ít không gian để Fed nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới”, Seema Shah, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Principal Asset Management, nhận xét trong một ghi chú.

Biểu đồ dự báo dot-plot cho thấy hầu hết các quan chức Fed đều kỳ vọng lãi suất cho vay chủ chốt của Mỹ sẽ đạt mức đỉnh trong khoảng từ 5,63% đến 5,87% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm trong những tháng tới. Bên cạnh đó, các quan chức hiện cũng kỳ vọng sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn vào năm 2024.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại châu Âu khi các nhà phân tích của J.P. Morgan dự báo ECB đã thực hiện đợt tăng lãi suất cuối cùng trong chu kỳ và hiện đã bước vào giai đoạn “giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn”.

“Các yếu tố giảm phát gần đây dường như đang cạn kiệt... Và có nguy cơ là, nếu không có xu hướng giảm giá thuyết phục hơn, ECB sẽ coi cuộc chiến chống lạm phát của mình vẫn chưa kết thúc, kéo theo khả năng tăng lãi suất hơn nữa trong thời gian tới”, Raphael Thuin, người đứng đầu chiến lược thị trường vốn tại Tikehau Capital, cho biết trong một ghi chú.

Rủi ro kinh tế có thể thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương đã phát đi tín hiệu khó có thể cắt giảm lãi suất chủ chốt trước năm 2024, hoặc thậm chí muộn hơn thế, tình hình vẫn có khả năng thay đổi nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại nhiều hơn so với dự kiến. Mức độ suy yếu của thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xem các ngân hàng trung ương sẽ phải đợi bao lâu trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại.

Các số liệu thống kê cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đã hạ nhiệt trong quí 2 năm nay, và có rất ít dấu hiệu phục hồi. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy yếu đáng kể. Eurozone chỉ vừa mới vượt qua được tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine khi chi phí năng lượng và thực phẩm dần hạ nhiệt, nhưng cơn gió ngược từ môi trường lãi suất cao có thể là một thách thức quá lớn.

Các kết quả khảo sát vừa được công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất tại châu Âu trong tháng 9 tiếp tục ghi nhận thêm một tháng suy giảm. Điều này là dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế Eurozone nhiều khả năng đã rơi vào suy thoái trong quí 3.

Ngân hàng Thương mại Hamburg, đơn vị tài trợ cho cuộc khảo sát PMI, đã dự báo mức suy giảm tổng sản phẩm quốc nội hàng năm khoảng 1,6% đối với kinh tế châu Âu. Trước đó, hồi đầu tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của EU trong năm nay và năm tới, với lý do lạm phát vẫn ở mức cao và chi phí đi vay tăng. Các quan chức dự báo, kinh tế EU sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 1% đưa ra hồi đầu năm.

Bert Colijn, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ING, cho biết: “Hoạt động sản xuất đã suy yếu trong một thời gian dài, nhưng trên thực tế, dịch vụ mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Điều này cho thấy tình trạng nhu cầu suy yếu ở khu vực Eurozone đang ngày càng lan rộng”.

Tại Vương quốc Anh, các cuộc khảo sát PMI do S&P Global thực hiện cũng đã chỉ ra sự sụt giảm hoạt động lớn nhất kể từ tháng 3-2009, nếu loại trừ những tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Các số liệu khác cũng cho thấy, GDP của xứ sở sương mù đã giảm 0,5% trong tháng 7 sau khi chỉ tăng nhẹ trong quí 2. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và số lượng cơ hội việc làm giảm xuống dưới mốc 1 triệu lần đầu tiên trong vòng hai năm qua.

Tại Mỹ, cuộc khảo sát PMI của S&P Global đã cho thấy thị trường lao động vẫn vững vàng, nhưng nền kinh tế nói chung đang hạ nhiệt sau mức tăng trưởng mạnh mẽ trong mùa hè này. Thành phần việc làm của cuộc khảo sát PMI ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng Năm. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới đối với cả hàng hóa và dịch vụ đều giảm. Sản lượng rơi vào tình trạng trì trệ do các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ đối mặt với nhu cầu yếu, trong khi niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong chín tháng.

Theo CNN Business, giữa nỗi đau do lạm phát gây ra, các tin tức xấu ở một góc độ nào đó cũng mang lại tín hiệu tích cực. Những số liệu yếu kém của nền kinh tế, đặc biệt là tại Anh và EU đang cho thấy rằng áp lực lạm phát có thể giảm hơn nữa, khiến việc tăng lãi suất hơn nữa là không còn cần thiết.

Nguồn: CNN Business, WSJ, CNBC, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới