Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm du lịch trong rừng cần hiểu rừng

Phan Thị Ngọc Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng hấp dẫn khách hàng mong muốn tìm về thiên nhiên. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong rừng đứng trước cơ hội làm ăn hiệu quả nếu hiểu rừng, thiên nhiên và khách hàng.

Cả ba loại rừng - rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất - đều có thể cung cấp dịch vụ du lịch trong rừng, thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng, miễn là đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và phù hợp với đề án về du lịch đã được phê duyệt.

Hoạt động du lịch trong rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ thể kinh doanh và cả ngân sách nhà nước. Du lịch trong rừng cũng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương, khi du lịch gắn với rừng cần kinh nghiệm và văn hóa của người bản địa. Một vấn đề gián tiếp được giải quyết là hạn chế người dân địa phương săn bắn, chặt phá rừng trái pháp luật do mưu sinh.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong rừng không mất quá nhiều vốn đầu tư do lợi thế cảnh quan, môi trường rừng có sẵn. Có thể nói, ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, sự thấu hiểu rừng, thiên nhiên, khách hàng mới là nguồn đầu tư lâu dài và quan trọng trong lĩnh vực này. Nguồn lao động địa phương cũng giúp cho doanh nghiệp giảm bớt một phần chi phí quản lý nhân sự đáng kể.

Khó khăn trong tiếp cận

Mặc dù cho thuê môi trường rừng mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia nhưng vẫn chưa phải là miếng bánh hấp dẫn trong ngành du lịch. Tờ trình sửa đổi Nghị định 156/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp ghi nhận khó khăn về mặt pháp luật là chưa có quy định cụ thể về xây dựng dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Bản dự thảo của nghị định sửa đổi Nghị định 156 đã có hướng giải quyết khó khăn trên. Theo đó, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án được quy định cụ thể hơn. Phần quy hoạch yêu cầu bản đồ quy hoạch chi tiết đi kèm thuyết minh. Về công trình xây dựng, phải tuân thủ tỷ lệ xây dựng tối đa và được thể hiện chi tiết trên bản vẽ thiết kế, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong rừng không mất quá nhiều vốn đầu tư do lợi thế cảnh quan, môi trường rừng có sẵn. Có thể nói, ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, sự thấu hiểu rừng, thiên nhiên, khách hàng mới là nguồn đầu tư lâu dài và quan trọng trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp còn gặp khó khăn vì các quy định về công trình xây dựng còn chung chung. Theo Nghị định 156, công trình xây dựng đảm bảo không làm ảnh hưởng cảnh quan tự nhiên của khu rừng; phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt; không chặt phá rừng; phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường. Ngoài ra công trình xây dựng còn đảm bảo chức năng đặc trưng của từng loại rừng như: không làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ và không phá vỡ cảnh quan môi trường đối với rừng phòng hộ; không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và mục tiêu bảo tồn đối với rừng đặc dụng.

Với dịch vụ du lịch trong rừng, nếu chỉ căn ke vào các quy định pháp luật để cầm cân nảy mực thì có lẽ là một sự thách đố lẫn nhau. Bởi vì những quy định về công trình xây dựng là dự trù, tính toán trên các dữ liệu, logic của những người có chuyên môn. Trong khi đó, rừng lại là một thực thể sống trong tự nhiên, gắn liền với dòng chảy thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Mọi con số, giới hạn sẽ không thể đúng với mọi cánh rừng và trong điều kiện tự nhiên.

Hiểu rừng để kinh doanh bền vững

Để kinh doanh dịch vụ du lịch trong rừng thành công và bền vững, cần nhất cái tâm biết tôn trọng, yêu quý rừng, lựa chọn đúng đối tượng khách hàng, đối tượng thuê rừng. Rừng là một thực thể sống quý giá đã tồn tại lâu đời và minh chứng cho sự phù hợp với quy luật tự nhiên. Mọi sinh vật, thực vật trong rừng từ loài nhỏ nhất đến lớn nhất đều tuân thủ quy luật tự nhiên. Ở đó luật sinh tồn áp dụng cho mọi loài trong hành trình tồn tại, phát triển và diệt vong. Chúng hiện diện để làm đúng vai trò của mình khiến các loài khác phải tôn trọng và kiêng dè.

Con người khai thác lợi ích ở rừng mà không thuận theo quy luật tự nhiên của muôn loài thì khó lòng tồn tại và phát triển được. Vì thế, khi đặt một công trình xây dựng vào lòng rừng thì con người phải thật lòng cảm nhận được rằng nó được thiên nhiên chấp nhận chứ không đơn thuần chỉ là tuân thủ con số.

Sự phát triển dịch vụ du lịch trong rừng bền vững do rừng nơi đó quyết định. Điều quan trọng là doanh nghiệp đem mảnh ghép dịch vụ du lịch vào rừng có tạo ra bức tranh hài hòa trong thiên nhiên hay không. Con người và thiên nhiên hòa hợp, nương tựa vào nhau để cùng tận hưởng, phát huy những giá trị của nhau, hướng đến một lợi ích, tương lai lâu dài.

Một điểm lưu ý quan trọng khác là dịch vụ du lịch trong rừng rất kén khách. Đối tượng khách hàng tiềm năng là những người mong muốn tận hưởng giá trị nguyên thủy của rừng. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì cần phải nhắm đúng khách hàng và thấu hiểu nhu cầu của họ.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trong rừng thành công là làm thỏa mãn đúng nhu cầu du khách, đưa họ hòa mình với thiên nhiên và chung tay bảo vệ những điều hiện diện nơi họ đến. Để thành công và bền vững, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong rừng cần thấu hiểu rừng, trân trọng mẹ thiên nhiên trong từng việc làm dù là nhỏ nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới