Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để ‘giải vây’ người dân khỏi tín dụng đen?

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Người dân và doanh nghiệp nên tìm kiếm các nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính và các website tin cậy, đồng thời tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay tiền.

Tín dụng đen lãi suất 1.700% một năm

Tại hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 2-12, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - cho biết tình trạng các đối tượng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện thoại, đe dọa sử dụng thông tin cá nhân, mạng điện thoại của người đi vay để xâm phạm quyền cá nhân, đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè đồng nghiệp còn phức tạp, dù các ngành nghề kinh doanh đòi nợ ở Việt Nam đã bị cấm hoạt động từ đầu năm 2021.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự thuộc Bộ Công an chia sẻ tại hội thảo.

Theo đó, lực lượng công an đã phát hiện 1.047 vụ với 1.718 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen chỉ sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/2019 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Kết quả, lực lượng công an đã khởi tố 554 vụ với 990 đối tượng, gồm các tội danh liên quan đến giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Mới tuần vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự triệt phá nhóm đối tượng gốc Hải Phòng hoạt động ở TPHCM, lãi suất 1.700% một năm. Trong đó chỉ một bị hại vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỉ đồng, đã trả cho nhóm đối tượng này trên 20 tỉ, đến nay còn nợ hơn 11 tỉ đồng nữa”, ông Hà cho biết.

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Ngọc Hà cho rằng nguồn thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay tín dụng đen rất cao. Ngoài ra, một số người dân có tâm lý nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật về các giao dịch dân sự nên đã tìm đến tín dụng đen vào mục đích bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập chưa đủ sức mạnh, đủ sức răn đe để phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển do những vấn đề từ phía khách hàng và tổ chức tín dụng (TCTD).

Với khách hàng, bà cho rằng các khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường gặp khó khăn trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát thì việc thẩm định cho vay càng khó khăn hơn.

Ngoài ra, quá trình thẩm định cấp tín dụng cũng gặp khó khăn do nguồn thông tin khách hàng cung cấp còn thiếu minh bạch, không đầy đủ trong bối cảnh chế tài về trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng chưa hoàn thiện.

Bên cạnh đó, khách hàng có nhiều loại giấy tờ cá nhân với hiệu lực không đồng nhất. Còn cơ sở dữ liệu chuẩn về dân cư, định danh khách hàng hiện chưa có sự liên thông với hệ thống ngân hàng.

Việc thu thập thông tin về thu nhập của khách hàng từ các cơ quan quản lý nhà nước về thuế, bảo hiểm xã hội cũng gặp nhiều khó khăn.

Đáng lưu ý, có một số khách hàng tìm đến “tín dụng đen” để phục vụ nhu cầu không hợp pháp như cờ bạc, ma tuý.

Với các TCTD, bà Thanh Tùng cho biết áp lực phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống khiến thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng “tín dụng đen”. Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và chất lượng nợ của các công ty tài chính tiêu dùng.

Tăng nặng hình phạt tù với tội phạm tín dụng đen

Để giải quyết vấn đề tín dụng đen, đại diện Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi quy định Điều 201 Bộ Luật Hình sự năm 2015 theo hướng bỏ hình phạt tiền và tăng hình phạt tù tại khoản 1 với mức 1-5 năm và tại khoản 2 với mức 5-15 năm do do tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này.

Ngoài ra, liên ngành tư pháp trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 cách tính tiền thu lợi bất chính theo hướng toàn bộ số tiền lãi thu được của tất cả các hợp đồng cho vay trừ số tiền lãi suất theo quy định của Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đại diện Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, kiến nghị Chính phủ thực hiện 6 giải pháp liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thứ hai, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính ngân hàng.

Thứ tư, chú trọng khâu thực thi cơ chế, chính sách, trong đó tập trung xóa điểm nghẽn phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính, các hiệp hội ngành nghề và dân sự như hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen. Bên cạnh các văn bản hiện có như Luật Dân sự và Luật Hình sự (tội cho vay nặng lãi), các nghị định, thông tư, các cơ quan quản lý cần rà soát và bổ sung chỉnh sửa quy định để phù hợp với việc xử lý hoạt động tín dụng đen ngày càng tinh vi. Đặc biệt, cần lưu ý đến hình thức tín dụng đen sử dụng công nghệ như các app vay tiền biến tướng.

Thứ sáu, nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng, chống tín dụng đen. Theo đó, người dân, doanh nghiệp cần tránh xa những quảng cáo, kêu gọi hỗ trợ vay vốn, không cần chứng minh thu nhập tại các tờ quảng cáo, tờ rơi, tin nhắn.

"Mỗi khi có nhu cầu tín dụng thực sự, người dân hay doanh nghiệp nên tìm kiếm các nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, từ các website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định”, ông Lực nói.

Về phía doanh nghiệp, đại diện FE Credit đề xuất cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn, đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng chính xác hơn.

Doanh nghiệp cũng đề xuất phân phân loại tỷ lệ nợ xấu theo định hướng riêng của từng nhóm công ty tài chính với mục tiêu hỗ trợ công tác cung ứng vốn cho người dân hậu Covid-19. Đồng thời, xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng hoặc nới lỏng hạn mức tín dụng và có cơ chế hỗ trợ vốn để các công ty tài chính thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ cho người dân.

Đề xuất của các chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý được đưa ra trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng các cơ sở do cá nhân, doanh nghiệp hoạt động tín dụng đen núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh, hỗ trợ tài chính có đăng ký kinh doanh hoặc không đăng ký kinh doanh, tổ chức rải tờ rơi, dán quảng cáo tại các điểm công cộng, đăng thông tin trên các trang mạng xã hội, xây dựng app vay tiền trên điện thoại thông minh... thu hút người dân vay tiền; huy động góp tiền chơi “họ”, “hụi”, “phường” của người dân tại nhiều địa bàn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cần nhìn nhận vấn đề từ hai phía. Chúng ta biết rõ người tổ chức điều hành mạng lưới tín dụng đen, cả thực và “ảo” (trên mạng), nhưng việc truy quét và xử lý chưa đến nơi đến chốn, vẫn còn rất nhiều cạm bẫy vây quanh những con người bất hạnh hoặc bất lương. Mặt khác cũng phải nhận diện cho rõ ai là nạn nhân chủ yếu của tín dụng đen ? Nếu là phần tử bất lương thì cũng không nên nương tay và cần áp dụng hình phạt thích đáng. Nhưng nếu là những thành phần yếm thế trong xã hội thì cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ họ. Đây là trách nhiệm của chính quyền vi mô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới