Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để hình thành được đội ngũ làm nông chuyên nghiệp?

Huỳnh Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Làm gì để hình thành được đội ngũ làm nông chuyên nghiệp? là tên của cuộc hội thảo do KTSG phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức vào cuối tuần qua tại thành phố Cần Thơ. KTSG xin lược ghi một số ý kiến tại hội thảo.

Hội thảo “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp?” tại trường ĐHCT ngày 23-9-2022. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: “Không có tri thức, không có sự chuyên nghiệp”

– Nghị quyết 19 của trung ương về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vừa ban hành, có nêu giải pháp đầu tiên là “Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”. Năng lực của mỗi người, trong đó có nông dân, thì ngoài kiến thức, kỹ năng còn bao gồm cả thái độ đối với cuộc sống, với công việc và nghề nghiệp.

Để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, nông dân cần có môi trường, không gian để có thể hấp thụ tri thức. Không có tri thức sẽ không chuyên nghiệp. Trong hàng chục triệu nông dân hiện nay, tỷ lệ được thông qua đào tạo còn rất nhỏ. Ngược lại, đa phần chỉ làm theo thói quen, theo kinh nghiệm, theo cách thức hàng xóm, láng giềng bỏ nhỏ cho nhau.

Tính chuyên nghiệp được hình thành từ học tập, trang bị kiến thức. Tuy nhiên, không phải một sớm một chiều mà có thể hoàn chỉnh, chuẩn hóa giáo trình đào tạo sao cho đồng bộ, đa dạng mà phù hợp cho tất cả. Cần tính đến việc tổ chức trường lớp, khóa học chính quy cho một số đối tượng có nhu cầu cũng như tổ chức linh hoạt các hoạt động đào tạo, kết hợp và lồng ghép các nội dung kiến thức để người nông dân thấy rõ lợi ích của tính chuyên nghiệp trong công việc, từ đó chọn làm theo.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND thanh phố Cần Thơ: “Giảm lao động nông nghiệp, tăng chất lượng sản phẩm”

– Thành phố Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.000 héc ta, chiếm khoảng 80% diện tích đất tự nhiên. Ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung phát triển theo hướng hiện đại hóa, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nông nghiệp đô thị và lực lượng lao động trong nông nghiệp đã giảm mạnh, từ 258.000 lao động năm 2015 đến 2021 chỉ còn hơn 151.000 lao động (chiếm 26,85% tổng số lao động của thành phố).

Tuy số lượng lao động giảm nhiều nhưng sản lượng, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố luôn giữ được mức tăng trưởng dương trong những năm qua. Sở dĩ đạt được kết quả đó là nhờ vào tiến trình cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp trên địa bàn diễn ra mạnh mẽ cùng với nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp được quan tâm đào tạo, phát triển.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐHCT: “Ngành kinh doanh nông nghiệp của ĐHCT sẽ đồng hành”

– Trong đào tạo của ĐHCT, riêng ở khoa Phát triển nông thôn, còn có ngành Kinh doanh nông nghiệp. Cử nhân kinh doanh nông nghiệp có khả năng phân tích, đánh giá và hoạch định các chiến lược phát triển thương mại nông nghiệp nội địa và quốc tế; tự chủ và sáng tạo trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp; chủ động và thích ứng tốt với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ra trường, họ có thể là nhân viên, chuyên viên, quản lý hoặc tư vấn trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh nông nghiệp, tìm kiếm thị trường và xuất nhập khẩu. Họ có thể là chủ doanh nghiệp hoặc công ty sản xuất, kinh doanh, tư vấn và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc làm cán bộ nghiên cứu và giảng dạy ở các viện, trường và các cơ sở nghiên cứu đào tạo.

GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ: “Nên nghiên cứu mô hình hợp tác xã ở Nhật Bản”

– Để xây dựng được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp là cả một quá trình. Khi nông dân làm ăn cá thể càng nhiều, thì không thể nào ép nông dân vào quy trình kỹ thuật. Vì vậy phải có đội ngũ nông dân gắn bó với những kỹ thuật mới, sản xuất ra các sản phẩm an toàn, hạ giá thành để làm lực lượng nòng cốt.

Cho đến khi đạt được mục tiêu đó, nên nghiên cứu hình mô hình hợp tác xã (HTX) ở Nhật Bản. HTX huấn luyện bà con nông dân tại chỗ, trong đó doanh nghiệp đi đầu phối hợp với chính quyền địa phương tìm ra HTX, thậm chí liên hiệp các HTX cùng tham gia liên kết sản xuất. Bà con xã viên sẽ áp dụng theo quy trình kỹ thuật mà doanh nghiệp đưa ra. Đây là cách đào tạo hiệu quả.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: “Phải liên kết với nông dân theo yêu cầu của thị trường”

Năm 2011, Trung An ký hợp đồng với nông dân liên kết sản xuất lúa theo yêu cầu của thị trường. Công ty cung ứng trước 100% vật tư đầu vụ cho nông dân như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của một số quốc gia nhập khẩu yêu cầu. Nông dân canh tác lúa đúng theo lịch thời vụ của ngành chức năng và yêu cầu của công ty. Cuối vụ, công ty mua toàn bộ lúa hàng hóa của nông dân tại ruộng với mức giá thỏa thuận. Năm 2012, lần đầu tiên Trung An chào bán lô gạo với chỉ một loại giống xuất khẩu. Giá trị lô gạo được sản xuất có tính chuyên nghiệp của nông dân được bán cao hơn gạo cùng loại sản xuất “không chuyên nghiệp” lên đến 15%, khoảng 70 đô la Mỹ/tấn.

Giai đoạn 2017-2021, Trung An thực hiện thành công dự án Vùng sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ 6.000 héc ta tại Kiên Giang. Tháng 8-2020, “gạo sạch Trung An” là lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào châu Âu với thuế xuất bằng 0.

Trung An đang hợp tác tiếp dự án hữu cơ phục vụ xuất khẩu vào các thị trường khó tính, diện tích 63.000 héc ta tại Kiên Giang giai đoạn 2022-2025. Công ty liên kết với nông dân theo phương thức duy nhất là sản xuất gắn với yêu cầu của thị trường.

Hiện nay trên các cánh đồng liên kết này, đã cơ giới hóa đồng bộ đến 90%. Kết quả, thu nhập của nông dân cũng như doanh nghiệp đều tăng cao; cuộc sống của các hộ nông dân và công nhân lao động trong công ty được cải thiện rất rõ.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Hội quán Canh Tân (chuyên trồng nhãn, ở Đồng Tháp): “Hội quán cần thêm thông tin làm kinh tế nông nghiệp”

– Sau hơn năm năm, từ một nay đã có trên 120 hội quán trồng nhãn ở khắp Đồng Tháp với mục tiêu giúp bà con nông dân xích lại gần nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới với nhiều thông tin, kinh nghiệm.

Nay bà con đã sản xuất rãi vụ trong năm và chọn thời điểm thích hợp để đưa ra thị trường những quả nhãn tươi ngon với năng suất cao (từ 20-30 tấn/vụ/héc ta), chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

Cũng từ mô hình hội quán, chúng tôi đã hình thành HTX Nông sản an toàn An Hòa với trên 120 thành viên VietGAP, LocalGAP được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng.

Tuy vậy, hội quán đang cần thêm kiến thức về khoa học kỹ thuật, về làm kinh tế nông nghiệp, như thông tin về thị trường; lợi ích về kinh tế hợp tác; kỹ năng đàm phán và tìm kiếm sự hợp tác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới