Thứ Ba, 1/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Làm gì tiếp sau khi dân phân loại rác tại nguồn?

Lê Triết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đến ngày 1-1-2025, cả nước phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt; kèm theo đó là chế tài, xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Còn trên cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bộ cho biết bộ và các địa phương “đang gấp rút hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, truyền thông nâng nhận thức cộng đồng để thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ 1/1/2025.”(1).

Luật ban hành năm 2020, có hiệu lực năm 2022, và đến nay cả nước vẫn đang phải chờ hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn và chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật để thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn, như Bộ TN&MT thông tin nói trên.

Cũng không chắc có kịp bắt đầu lộ trình như Bộ TN&MT nêu ra hay không khi từ đây đến lúc triển khai theo luật định chỉ còn vài tháng nữa. Bởi, không chỉ gần 5 năm trôi qua tính từ khi ban hành luật mà có lẽ phải cộng thêm nhiều năm trước đó nữa cho câu chuyện phân loại rác tại nguồn được lặp đi lặp lại như một điệp khúc.

Nguyên nhân của “điệp khúc” thì trước đó và đến bây giờ vẫn vậy. Đó là thiếu văn bản pháp lý, chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nhận thức cộng đồng còn yếu… Đơn cử, một bài viết từ năm 2020 trên cổng thông tin của Bộ TN&MT nêu ra 6 nguyên nhân thì trong đó có những nguyên nhân vừa nói ở trên: nhận thức, ý thức trách nhiệm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa cao; việc huy động các nguồn lực cho quản lý CTRSH còn hạn chế; hệ thống chính sách, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý CTRSH còn chưa hoàn thiện…(2)

Thấy nguyên nhân từ đâu và từ lâu nhưng đến giờ con đường phân loại rác tại nguồn vẫn loanh quanh ngõ cụt đã được nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng là do cách làm duy ý chí, việc triển khai thiếu đồng bộ, người thì phân loại nhưng kẻ khác gom chung lại như cũ, phân loại rồi nhưng có địa phương không đủ điều kiện xử lý v.v.v. Nay, nếu không thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế này thì cho đến sau năm 2024, tức bắt đầu lộ trình theo luật định, tình hình có thể vẫn không tiến triển hơn.

Đầu tiên, trong các nguyên nhân gây khó khăn thì nguyên nhân về nhận thức cộng đồng thường được nhấn mạnh. Như Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường trên cổng thông tin của Bộ TN&MT cho rằng “bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư hạ tầng thì việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý hay doanh nghiệp đều hiểu phân loại rác tại nguồn phải trở thành thói quen là điều quan trọng và cần thiết”(1). Lời ông cục trưởng đúng thôi, bởi đây là đối tượng “đầu vào” trong chuỗi quy trình!

Nhưng có lẽ, việc nâng cao nhận thức cộng đồng không đến nỗi nhiêu khê như trong hình dung. Hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ 3 chất thải rắn (rác) cần phân loại và sắp tới đây còn có thêm các văn bản hướng dẫn, chương trình truyền thông. Thiết nghĩ, chỉ cần vài ba buổi tập huấn cùng nỗ lực tuyên truyền, vận động thường xuyên là người dân biết cách chia rác thành 3 loại riêng biệt: rác tái chế, rác thực phẩm, rác sinh hoạt khác. Hộ dân nào không tuân thủ quy định thì đã có các biện pháp xử phạt, kèm theo đó còn có thể bị đơn vị thu gom từ chối nhận rác.

Thế cho nên, vấn đề cần nằm ở chỗ đơn vị tiếp nhận và đơn vị xử lý rác mà như Bộ TN&MT và các địa phương nói đang “gấp rút” chuẩn bị, đó là điều kiện hạ tầng kỹ thuật. Thực tế như báo đài tường thuật, có nơi người dân tích cực phân loại rác theo sự vận động chính quyền, nhưng rồi “xe lấy rác” do thiếu người, thiếu phương tiện nên lại gom chung các loại rác về chung một chỗ như cũ(3). Tiếp đến là các đơn vị xử lý rác sau phân loại. Có địa phương chỉ mới có nhà máy xử lý rác theo công nghệ chôn lấp, chưa đủ điều kiện đầu tư nhà máy xử lý rác theo các công nghệ khác, chẳng hạn công nghệ sinh học hay đốt rác phát điện… thì dù có vận động người dân phân loại rác tại nguồn nhưng sau đó chính quyền cũng sẽ không biết giải quyết thế nào.

Nâng cao nhận thức trong việc phân loại rác tại nguồn là quan trọng và lâu dài, có khi việc tuyên truyền phải kéo dài “cả một thế hệ” như lời ông cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nói. Nhưng quan trọng hơn nữa, thiển nghĩ là phải tập trung nguồn lực mạnh mẽ để đầu tư lớn cho hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý rác. Mặc dù ngân sách địa phương eo hẹp nhưng để con đường phân loại rác tại nguồn không tiếp tục đi vào ngõ cụt thì buộc phải dành ra những khoản chi thích đáng, song song đó là lập những dự án khả thi kêu gọi đầu tư từ xã hội. Mặt khác, có lẽ cũng tính đến năng lực của từng địa phương để đề ra một lộ trình phù hợp trong việc thu gom, xử lý rác đã phân loại sau ngày 1-1-2025.

——————

(1) https://monre.gov.vn/Pages/tien-toi-phan-loai-rac-tai-nguon-tu-112025.asp

(2) https://vupc.monre.gov.vn/tin-tuc-su-kien/137/ton-tai-kho-khan-vuong-mac-trong-phan-loai-thu-gom-van-chuyen-va-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat

(3) https://laodong.vn/xa-hoi/chuyen-gia-noi-ve-viec-dan-ti-mi-phan-loai-rac-thai-nhan-vien-moi-truong-lai-gom-chung-1213852.ldo

2 BÌNH LUẬN

  1. Một thành phố lớn của cả nước, triển khai dự án đầu tư nhà máy xử lý rác trị giá hàng nghìn tỷ, qua gần 10 năm rồi vẫn còn loay hoay về thủ tục, công nghệ… ? Vậy nên, việc ban hành những hướng dẫn chi tiết cho quy trình phân loại rác tại nguồn theo luật mới, mất gần 5 năm vẫn chưa xong, thì cũng không có gì lạ. Nói chung, thủ tục, quy trình, hồ sơ… ở ta hầu như vẫn phải mãi dùng đơn vị tính thời gian “hàng năm/ nhiều năm”.

  2. Lúc tôi thăm TP Marseilles, tới các bạn tôi ở các chung cư, người dân bỏ rác đã phân loại vào ba loại thùng rác, sau đó từng loại thùng rác thì có từng loại xe lấy rác tuơng ứng. Ở VN, chưa có trang bị các loại xe chuyên dụng, dân phân loại rác xong, xe thu gom rác gom lại để chung thành một loại thì cũng như chưa phân loại. Muốn dân phân loại rác thì phải có xe chuyên chở từng loại rác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới