Làm giàu cả kinh tế lẫn văn hóa
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(TBKTSG) - Khác với cuối năm con rồng, cuối năm con rắn chuyện kinh tế bắt đáy hay chưa đã không còn được quan tâm nhiều. Ngược lại, giữa những bề bộn lo toan cơm-áo-gạo-tiền khi nền kinh tế vẫn còn loay hoay tìm lối ra, dường như người Việt lại trăn trở nhiều hơn với những vấn đề xã hội, vốn đã dai dẳng trong nhiều năm qua, cuối năm đã nổi lên những sự việc chẳng ai muốn có - từ y tế, giáo dục cho đến tòa án... Những vụ việc này khiến tất cả chúng ta không khỏi phải chiêm nghiệm lại những gì đang diễn ra trong xã hội nhằm ứng phó thích hợp trước khi quá muộn.
Nhìn dưới góc độ kinh tế, chúng ta lý giải như thế nào về những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trong xã hội Việt Nam hiện nay? Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu trung các ý kiến cho rằng vai trò của những trụ cột không thể thiếu cho sự phát triển bền vững trong xã hội hiện nay đang lung lay đến mức đáng lo ngại hoặc thậm chí mất hẳn tác dụng.
Nếu phải chọn một câu hỏi duy nhất cho tất cả những vấn đề này, có thể câu hỏi sau đây sẽ là một lựa chọn: Sự chân thật đang ở đâu trong xã hội của chúng ta? Sự chân thật mà lẽ ra phải là nền tảng cho đời sống công dân và mọi hoạt động của xã hội, lại đang phải chùn bước trước sự dối trá khi giá trị phổ biến đối với số đông là tiền bạc và danh vọng chứ không phải là sự tôn trọng phẩm giá con người hay điều lành, việc thiện. Phát triển kinh tế đơn thuần sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu các giá trị văn hóa không được tôn trọng, làm chỗ dựa cho quá trình làm giàu đúng đắn.
Về nhiều mặt, kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát đáy, và di hại của cuộc khủng hoảng kinh tế này có thể sẽ vẫn còn kéo dài trong vài năm nữa. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế nào rồi cũng sẽ qua. Nhưng tác hại của suy thoái đạo đức xã hội đối với sự phát triển của một quốc gia còn trầm trọng và dai dẳng hơn nhiều, không phải tính bằng năm mà bằng cả một thế hệ, nhiều thế hệ.
Đây cũng chính là thông điệp chủ đạo của số báo xuân Giáp Ngọ mà TBKTSG muốn chuyển tải đến độc giả. Dù những biểu hiện xấu của xã hội ngày một trầm trọng hơn, mỗi người chúng ta với tư cách công dân không được phép bi quan và đầu hàng trước những hiện tượng đó. Nếu chịu thua, chúng ta không chỉ đánh mất chính mình mà sẽ đánh mất hàng thế hệ công dân trong tương lai dù vừa mới chính thức bước vào giai đoạn dân số vàng.
Đừng nản lòng, xin hãy nhìn vào những cánh rừng Việt Nam đã từng hồi sinh kỳ diệu như thế nào trước sự tàn phá khủng khiếp của chất độc da cam trong thời kỳ chiến tranh. Mầm thiện luôn hiện diện trong mỗi con người, chỉ cần một cơ hội là có thể đâm chồi, xanh tốt.
Điều kỳ diệu sẽ đến khi chúng ta có những hành động cụ thể. Nếu như hiện tượng “hôi bia” năm ngoái là một nỗi đau khiến cộng đồng phải lên tiếng thì ngay sau đó, câu chuyện “xe sữa”, trong đó người dân và cơ quan công quyền đứng ra bảo vệ chiếc xe sữa ngay sau tai nạn giao thông, cho thấy hy vọng về những mầm thiện vẫn còn đó.
Không ai trong chúng ta có ảo tưởng về năm Giáp Ngọ sắp đến. Người ta thường nói không có gì là chắc chắn, nhưng chắc chắn một điều là năm con ngựa đang chờ đón chúng ta sẽ đầy chông gai. Tuy nhiên với lòng tin vào tương lai và tính bản thiện của con người, hy vọng rằng mỗi người trong chúng ta và cả Việt Nam sẽ vượt qua được nghịch cảnh để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Kính chúc độc giả của TBKTSG năm mới Giáp Ngọ sức khỏe và nhiều may mắn!