Làm ngược!
Phan Minh Ngọc
(TBKTSG) - Sang năm 2014, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn là giữ ổn định tỷ giá (biến động không quá 2 điểm phần trăm), lạm phát trong khoảng 6-7% (không đổi so với năm 2013), và có thể hạ lãi suất thêm 1-2 điểm phần trăm.
Điều đáng chú ý ở đây là quy trình làm chính sách ngược, nếu có thể nói vậy, của NHNN. Thông thường, lãi suất và tỷ giá tiền đồng đều phụ thuộc phần lớn vào mức lạm phát ở Việt Nam. Và đến lượt nó, lạm phát lại phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của NHNN nới lỏng hay thắt chặt hơn. Bởi vậy, trước khi có thể hạ lãi suất, ổn định tỷ giá thì lạm phát phải được khống chế và hạ đi một vài điểm phần trăm so với mức hiện tại. Điều này có thể thực hiện được bằng cách thắt chặt thêm chính sách tiền tệ của NHNN, tức giảm bớt tốc độ tăng cung tiền.
Nay, trong cách làm hiện tại của NHNN, dường như cung tiền với lãi suất và tỷ giá chẳng có mấy liên quan, còn lạm phát cứ như là một yếu tố khách quan (ngoài tầm can thiệp của NHNN), và có vẻ như NHNN thụ động ngồi chờ, nếu lạm phát giảm thì mới giảm lãi suất. Hoặc giả lãi suất là một yếu tố phi thị trường, NHNN muốn cắt giảm thì cứ thế mà “ra lệnh” cho thị trường phải cắt giảm, và sẽ thành công?
Cách tư duy ngược này (hy vọng trên thực tế không phải vậy), chắc chắn sẽ còn làm cho nền kinh tế tiếp tục bị rối loạn bởi các mệnh lệnh hành chính, phi thị trường. Ví dụ quy định trần lãi suất, sự “quyết liệt vào cuộc” ổn định tỷ giá bằng các biện pháp rắn và hành chính, có công an tham gia; có sự tố cáo lẫn nhau trong nội bộ hệ thống ngân hàng (khi một ngân hàng nào đó mua đô la hoặc huy động/cho vay với lãi suất vượt trần...). Trong khi đó, nền tảng cơ bản giữ ổn định cho cả hệ thống tài chính là chính sách tiền tệ mà cụ thể là cung tiền không được phân tích, mổ xẻ thấu đáo làm cơ sở cho mọi quyết định liên quan lạm phát, lãi suất, tỷ giá ở Việt Nam.
Từ phân tích cơ bản nói trên có thể thấy, triển vọng có hạ được lãi suất và ổn định tỷ giá được hay không phần lớn sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của NHNN, mà cụ thể là tăng trưởng cung tiền ở mức bao nhiêu phần trăm. Nhưng cần lưu ý rằng, NHNN tuy là chủ thể thực hiện chính sách tiền tệ nhưng yếu tố chi phối chính đối với chính sách tiền tệ của NHNN chính là mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ. Một khi mục tiêu tăng trưởng GDP vẫn ở mức tham vọng và được Chính phủ “quyết liệt” thực hiện, thì chính sách tiền tệ của NHNN không thể tránh khỏi phải nới rộng thêm so với mức thận trọng cần có. Từ đó có thể làm lung lay nền tảng cho lãi suất và tỷ giá ổn định, buộc NHNN phải viện đến các giải pháp phi kinh tế như đã nói ở trên.
Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác tác động đến lạm phát và tỷ giá, nhưng những yếu tố như tổng cầu vẫn còn yếu hay sự quản lý giá cả bằng các biện pháp hành chính... sẽ có tác dụng phần nào góp phần thực hiện được các mục tiêu đặt ra cho năm 2014 của NHNN, nhưng không thể lạm dụng chúng mãi được.