Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát cao khiến IMF hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo suy thoái

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với nhận định triển vọng kinh tế thế giới trở nên ảm đạm và bất ổn hơn trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc trì trệ và tác động dai dẳng từ cuộc chiến ở Ukraine, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng đồng thời nâng dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2022 và 2023.

Tổ chức này cũng cảnh báo nếu không được kiểm soát, các rủi ro suy giảm tăng trưởng do lạm phát cao và cuộc chiến ở Ukraine có thể đẩy nền kinh tế thế giới đến bên bờ vực suy thoái.

Báo cáo của IMF nhận định triển vọng kinh tế thế giới đang trở nên ảm đạm và bất ổn hơn. Ảnh: Imf.org

Kinh tế thế giới hướng đến suy thoái

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới công bố hôm 26-7, IMF dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4. Theo báo cáo, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 sẽ tiếp tục suy yếu xuống còn 2,9%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo cách đây 3 tháng.

IMF cũng nâng dự báo lạm phát toàn cầu thêm 1 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới, lên mức lần lượt 8,3% và 5,7%.

IMF cho biết triển vọng kinh tế vừa trở nên u ám hơn nhiều, vừa cực kỳ bất ổn, với lạm phát ở mức cao nhất lịch sử và những thách thức đối với tăng trưởng ngày càng gia tăng.

Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng IMF, cảnh báo môi trường vĩ mô hiện tại sẽ thử thách “sự can đảm” của ngân hàng trung ương trên thế giới trong việc tiếp tục tăng lãi suất nhằm khôi phục sự ổn định giá cả ngay cả khi nền kinh tế đang suy yếu.

Ông nói: “Chúng ta đang ở trong một thời điểm rất nguy cấp. Có thể dễ dàng hạ nhiệt khi nền kinh tế đang nóng lên. Nhưng sẽ khó hơn nhiều để giảm lạm phát khi nền kinh tế đang bên bờ vực suy thoái ”.

Theo Gourinchas, nguy cơ suy thoái là “đặc biệt nổi bật” vào năm 2023 khi tăng trưởng dự kiến ​​sẽ chạm đáy ở một số nước. Vì nguồn tiền mặt mà người tiêu dùng tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 sẽ bị thu hẹp, nên ngay cả những cú sốc nhỏ cũng có thể khiến nền kinh tế đình trệ.

Một kịch bản dự báo “hợp lý” mà IMF vạch ra là Nga sẽ cắt giảm mạnh xuất khẩu năng lượng, bao gồm việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt sang châu Âu, một động thái có thể tiếp tục đẩy lùi tăng trưởng và gây ra áp lực giá cả mới. Gourinchas nói rằng nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái đang tăng lên và “lạm phát sẽ vẫn dai dẳng hơn chúng ta dự đoán”.

Ông nói: “Triển vọng kinh tế thế giới đã trở nên u ám đáng kể kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm hướng đến bờ vực của cuộc suy thoái kinh tế”.

Tuy nhiên, Tobias Adrian, cố vấn chính sách tài chính kiêm Giám đốc phụ trách bộ phận các thị trường vốn và tiền tệ của IMF, nhận định suy thoái toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ ở mức nhẹ nhàng hơn so với cơn suy thoái vào năm 2020 và 2008.

Tăng trưởng của Mỹ, Trung Quốc và eurozone sẽ yếu hơn

Tăng trưởng toàn cầu bi quan hơn chủ yếu do các nền kinh tế lớn nhất thế giới bị hạ dự báo tăng trưởng.

Gourinchas nói: “Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, và khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đều đang chững lại, gây ra những hậu quả lớn đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu”.

Theo IMF, với tác động của các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 trên diện rộng, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến chỉ mở rộng 3,3% trong năm nay, thấp hơn 1,1 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng 4. Nếu không tính cú sốc vào năm 2020, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 4 thập niên của Trung Quốc.

Báo cáo của IMF lưu ý: “Đà tăng trưởng suy yếu của Trung Quốc gây ra những hậu quả cho thế giới: các đợt phong tỏa ở Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự sụt giảm chi tiêu trong nước đang làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ từ các đối tác thương mại của Trung Quốc”.

Đối với Mỹ, mức tăng 5,7% của năm ngoái được dự báo sẽ giảm hơn một nửa xuống còn 2,3% vào năm 2022, trước khi giảm sâu hơn nữa vào năm sau, chỉ còn 1%, do lạm phát tăng cao ăn mòn khả năng mua sắm hàng hóa và dịch vụ của các hộ gia đình và tác động của chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự  trữ liên bang Mỹ (Fed).

So với các dự báo của IMF đưa ra tháng 4, các ước tính tăng trưởng mới của Mỹ đều thấp hơn 1 điểm phần trăm.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của eurozone  xuống còn 2,6% vào năm 2022 và 1,2% vào năm 2023. Nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu vào cuối năm nay, tăng trưởng của eurozone trong năm 2023 có thể làm giảm thêm 1,3 điểm phần trăm, khiến “tăng trưởng khu vực gần như bằng không”.

Với Asean - 5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), IMF vẫn giữ triển vọng tăng trưởng 5,3% trong năm nay nhưng hạ dự báo tăng trưởng của nhóm này xuống 5,1% vào năm sau, giảm so với mức 5,9% dự báo hồi tháng 4.

Áp lực gia tăng đối với các nền kinh tế mới nổi khi Fed tăng lãi suất

Nhà kinh tế trưởng Gourinchas nói thêm rằng khi chu kỳ thắt chặt tiền tế của Fed đẩy chi phí đi vay trên toàn cầu tăng lên, các nền kinh tế mới nổi đã trở thành tâm điểm của mối lo ngại. Ông cho biết trong khi tình trạng thị trường tài chính “rối loạn” vẫn chưa xảy ra, thì ẩn số lớn nhất là mức độ sức ép mà các nền kinh tế có thể chịu đựng thêm được.

Các nền kinh tế mới nổi có thể chịu áp lực lớn hơn nữa trong kịch bản bản Nga giảm mạnh xuất khẩu dầu khí, đẩy lạm phát gia tăng, buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Với kịch bản đó, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm vào năm 2022 và 2023, xuống lần lượt chỉ còn 2,6% và 2%, với tăng trưởng của Mỹ và euzone rơi về zero vào năm sau. Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu chỉ giảm xuống dưới 2% chỉ 5 lần kể từ thập niên 1970.

Với việc giá cả tăng cao, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, IMF cho biết các nỗ lực kiềm chế lạm phát nên là ưu tiên số một của các nhà hoạch định chính sách.

Báo cáo của IMF cho biết: “Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn chắc chắn sẽ gây ra các tổn thương kinh tế, nhưng sự chậm trễ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các tổn thương này”. Theo IMF, các chính sách để ứng phó giá năng lượng và nhiên liệu tăng cao nên tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất mà không làm bóp méo giá cả thị trường nói chung.

Theo AP, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới