Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát châu Âu tăng trở lại gây lo ngại cho triển vọng giảm lãi suất

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lạm phát khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) tăng mạnh vào tháng trước và vẫn có thể tăng cao hơn vào đầu năm 2024. Diễn biến lạm phát này làm gia tăng hoài nghi về triển vọng giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong thời gian tới.

Khách hành mua sắm trong một siêu thị ở thành phố Nice, Pháp. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu mới công bố của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 trên toàn khối 20 nước thành viên eurozone tăng lên 2,9% từ mức 2,4% của tháng 11. Đà tăng này chủ yếu là do các yếu tố kỹ thuật, đáng kể nhất là việc chấm dứt một số chương trình trợ cấp của các chính phủ.

Đối với CPI cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng), tăng chậm lại về mức 3,4% trong tháng 12 so với 3,6% của tháng 11. Điều này cho thấy, áp lực về giá vẫn đang hạ xuống, ngay cả khi lạm phát tổng thể tăng cao.

Mức tăng lạm phát mạnh ở Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn của eurozone, đã tác động đến mức tăng lạm phát tổng thể của khu vực này. Tại Đức, CPI tăng từ mức 2,3% của tháng 11 lên mức 3,8% trong tháng 12. Tại Pháp, CPI tăng lên 4,1% trong tháng 12 từ mức 3,9% của tháng trước. Trong cả hai trường hợp trên, giá năng lượng góp phần đẩy tốc độ lạm phát lên cao.

Dữ liệu mới nhất dường như xác nhận dự đoán trước đó của ECB rằng, lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 11 và sẽ ổn định trong khoảng 2,5-3% trong xuyên suốt năm 2024. Dù vậy, mức lạm phát này vẫn cao so với mục tiêu 2% của ECB.

“Đối với những người hy vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm theo đường thẳng, tin lạm phát ở châu Âu tăng 50 điểm cơ bản, lên 2,9% trong tháng 12 sẽ là một cú sốc”, Michael Field, nhà chiến lược thị trường châu Âu của Morningstar, bình luận.

“Đối với ECB, lạm phát tăng tốc trở lại củng cố lập trường duy trì lãi suất cao, và không vội vàng đưa ra bất kỳ quyết định cắt giảm lãi suất nào”, Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu của ngân hàng ING, nhận định.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB có thể lo ngại về mức tăng 0,7% hàng tháng và 4% hàng năm của lạm phát dịch vụ ở eurozone trong tháng 12. Lạm phát dịch vụ thường liên quan đến tiền lương, vì vậy dữ liệu mới nhất cho thấy, thu nhập đang tăng nhanh của người lao động có thể gây áp lực về giá.

Sau nhiều tháng giảm tốc, CPI của eurozone tăng trở lại giữa lúc nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách của ECB có những những nhận định rất khác nhau về xu hướng giá cả và tác động của chúng đối với lãi suất.

Các nhà đầu tư đang dự báo ECB sẽ giảm lãi suất sáu lần trong năm nay, sau động thái đầu tiên diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4, do kinh tế suy yếu và lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, áp lực giá cả vẫn còn lớn và các thỏa thuận đàm phán tiền lương trong khu vực vẫn chưa hoàn tất cho đến quí đầu tiên của năm nay. Họ dự báo, có thể phải đến giữa năm 2024 lạm phát mới  thực sự được kiểm soát.

ECB dự báo lạm phát của eurozone sẽ ở mức 2,6% trong quí cuối cùng của năm nay, sau đó giảm xuống còn 2,0% trong quí 3-2024 và cuối cùng ổn định ở mức 1,9%. ECB sẽ họp lần tiếp theo vào ngày 25-1. ECB đã báo hiệu rõ ràng rằng, sẽ không có hành động chính sách nào được đưa ra tại cuộc họp này.

Trên thực tế, một số nhà hoạch định chính sách thậm chí cho rằng, lãi suất thị trường đã giảm nhiều trước đó nhằm giải quyết những áp lực của các nước. Điều này có thể khiến ECB phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để làm dịu áp lực giá cả.

ECB đang theo dõi chặt chẽ mức tăng trưởng tiền lương và lợi nhuận doanh nghiệp, những yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát là 2% mà nhà băng này đưa ra. Cách tiếp cận thận trọng của ECB phản ánh hành động cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời kiểm soát lạm phát.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt về quan điểm của thị trường và ECB là dự báo lạm phát của ngân hàng này bị sai lệch trong nhiều năm. Hệ quả này khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào năng lực dự báo xu hướng lãi suất của họ. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, ECB quá lạc quan về tăng trưởng. Họ chỉ ra rằng, chỉ số giá sản xuất của eurozone giảm mạnh, 8,8% trong tháng 11, là bằng chứng cho thấy áp lực giá đã hạ nhiệt.

Cuối cùng, các thị trường cũng đang đặt cược vào triển vọng giảm suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giới đầu tư nhận định, một khi ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới giảm lãi suất vào tháng 3 hoặc tháng 5, ECB cũng chịu áp lực hành động đồng bộ.

Theo Reuters, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới