(KTSG Online) - Lạm phát tại khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) hạ nhiệt nhanh, hướng về gần mục tiêu 2%, khiến các nhà đầu tư tăng cường đặt cược rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất sớm hơn dự kiến.
- Lạm phát của eurozone xuống mức thấp nhất trong hai năm
- Cuộc khủng hoảng lạm phát đang tiến đến hồi kết
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của eurozone trong tháng 11 tăng 2,4% so với một năm trước, chậm lại so với mức 2,9% của tháng trước và thấp hơn ước tính của tất cả các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg. Áp lực giá cả ở châu Âu tiếp tục dịu lại ở hầu hết các hạng mục và duy trì ở mức thấp nhất trong hai năm.
CPI cốt lõi của eurozone, không bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm dễ biến động, suy yếu trong tháng thứ tư liên tiếp, về mức 3,6% trong tháng 11, so với 4,2% trong tháng 10.
Lạm phát trên toàn khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia đang thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích sau chiến dịch tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ ECB. Tuy nhiên, sản lượng kinh tế cũng đang suy yếu, với GDP của eurozone giảm 0,1% trong quí 3, khiến khu vực này đứng trước bờ vực suy thoái.
Thị trường tiền tệ đang đặt cược rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm (0,25 điểm phần trăm) trong tháng 4-2024, thay vì tháng 6 như dự báo hồi tháng trước. Thị trường cũng đặt cược ECB sẽ tiến hành 4 đợt giảm lãi suất 25 điểm vào năm 2024, thậm chí đặt 70% xác suất cho đợt cắt giảm thứ 5 trong năm tới, để đưa lãi suất trở lại 2,75% từ mức kỷ lục 4% hiện nay.
“Đối với ECB, các dấu hiệu về chiến thắng lạm phát đang gia tăng. Do đó, thị trường đã đúng khi bắt đầu xem xét việc ECB giảm lãi suất vào năm 2024. Chúng tôi nghĩ rằng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể xảy ra trước mùa hè” Bert Colijn, chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực eurozone của ngân hàng ING, nói.
“Số liệu về lạm phát ở khu vực euro thấp hơn dự kiến sẽ xác nhận với ECB rằng áp lực giá đang giảm và cơ quan này có thể không tăng lãi suất nữa. Thậm chí, một số thành viên ôn hòa hơn trong Hội đồng điều hành của ECB có lý do để bắt đầu nói về việc cắt giảm lãi suất”, Maeva Cousin, nhà kinh tế cấp cao khu vực đồng euro của Bloomberg Economics bình luận
Tuy nhiên, các quan chức ECB vẫn nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ phải thắt chặt để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%. Họ đang giám sát chặt chẽ áp lực giá cả từ các mức tiền lương đang tăng lên và thị trường năng lượng.
Trong tuần này, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp, Yannis Stournaras, thường là một trong những người có tiếng nói ôn hòa nhất trong Hội đồng điều hành của ECB gồm 26 thành viên, cho biết ông không kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trước tháng 6-2024. Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel, một thành viên khác của Hội đồng điều hành ECB, cũng cho rằng còn quá sớm để thảo luận giảm lãi suất. Ông nói lạm phát đang đi đúng hướng nhưng vẫn còn rủi ro.
Lạm phát của eurozone có thể sẽ tăng cao hơn trước khi quay trở lại mục tiêu do các hiệu ứng thống kê và việc các chính phủ rút dần các biện pháp triển khai năm ngoái nhằm giảm tác động của giá năng lượng tăng vọt. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo lạm phát của khu vực có thể nhanh hơn “một chút” trong những tháng tới.
Ngoài ra, vẫn còn những dấu hỏi về việc ECB thắt chặt chính sách nhanh chóng, tăng lãi suất 450 điểm cơ bản trong vòng chưa đầy một năm, tác động đến nền kinh tế mức nào. Tác động này đã có thể thấy rõ trong lĩnh vực tài chính, với việc các ngân hàng ở eurozone giảm cho vay đối với các doanh nghiệp vào tháng trước, đánh dấu mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2015. Cơn bùng nổ bất động sản ở châu Âu, nhờ lãi suất thấp trước đây, cũng đã kết thúc. Tập đoàn bất động sản cao cấp Signa của Áo đã trở thành nạn nhân nổi bật khi nộp đơn xin phá sản trong tuần này. Tuy nhiên, thị trường lao động của eurozone vẫn ổn định với dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực duy trì ở mức 6,5% trong tháng 10.
Hôm 30-11, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Fabio Panetta cảnh báo ECB không tăng thêm lãi suất, gây tổn hại cho nền kinh tế một cách không cần thiết. Ông cho rằng tác động từ chuỗi tăng lãi suất 10 đợt của ECB vẫn chưa thể hiện đầy đủ và sẽ tiếp tục làm suy yếu nhu cầu trong tương lai.
“Tình trạng suy yếu của lạm phát đang diễn ra tốt đẹp. Chúng ta cần tránh gây những thiệt hại không cần thiết đối với hoạt động kinh tế và rủi ro đối với sự ổn định tài chính vì điều này cuối cùng sẽ gây nguy hiểm cho sự ổn định giá cả”, ông nói.
Theo Bloomberg, CNBC