(KTSG Online) – Trong tháng 1-2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đo biến động giá cả mà người tiêu dùng trả cho hàng hóa và dịch vụ, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, tốc độ tăng mạnh nhất kể từ tháng 2-1982, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10-2.
Tình hình này sẽ càng gây sức ép, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế lạm phát. Trên cơ sở hàng tháng, CPI trong tháng trước tăng 0,6% so với tháng 12-2021, mức tăng mạnh hơn dự đoán của các nhà kinh tế khi người dân Mỹ trả giá cao hơn cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ như thực phẩm, điện và tiền thuê nhà.
Lạm phát của Mỹ đã vượt 5% trong 8 tháng qua.
Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng, hai hạng mục hàng hóa có giá biến động thường xuyên) tăng 6% so với cách đây một năm, mạnh hơn so với mức tăng 5,5% trong tháng 12 và cũng là mức tăng cao nhất trong gần 40 năm.
Trong tháng 1, giá xe cũ tiếp tục thúc đẩy lạm phát tổng thể với mức tăng 40,5% so với trước đó một năm. Bên cạnh đó, giá thuê nhà tăng mạnh, đóng góp đáng kể vào mức tăng CPI vào tháng trước. Giá thực phẩm cũng tăng 7%, mức tăng mạnh nhất kể từ 1981, với giá thịt, trứng tiếp tục tăng ở mức hai con số.
Giá xe mới, đồ nội thất, đồ gia dụng và các hàng hóa bền khác tiếp tục tăng mạnh trong tháng trước do tình trạng mất cân đối cung cầu do tác động của đại dịch Covid-19.
Hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng tình trạng căng thẳng của chuỗi ung cứng toàn cầu dịu lại khi các doanh nghiệp tìm cách thích ứng và nhu cầu dần trở về bình thường. Tuy nhiên, họ vẫn không rõ khi nào những khó khăn về nguồn cung sẽ giảm bớt, đủ để loại bỏ sức ép giá cả.
Mức tăng giá năng lượng đã có dấu hạ nhiệt sau khi tăng sốc vào năm ngoái. Nhưng giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian gần đây có thể khiến giá xăng ở Mỹ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lạm phát cao là mặt tối của nền kinh tế phát triển mạnh bất thường, đặt ra thách thức cho các quan chức Fed khi họ tìm cách dập tắt áp lực giá cả tăng cao mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng.
James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Ngân hàng ING, nói: “Đây không phải là tin tức đáng khích lệ đối với Fed trong cuộc chiến đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%/năm. Việc tăng lãi suất sẽ chẳng tạo ra tác dụng nào để giải quyết các căng thẳng trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động, nhưng có thể góp phần hạ nhiệt nền kinh tế và cho phép cung cầu bắt đầu hướng tới sự cân bằng tốt hơn, với tổn thất là tăng trưởng yếu hơn”.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,5% vào năm ngoái, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984. Mức tăng trưởng mạnh mẽ đó được thúc đẩy bởi thị trường lao động. Các nhà tuyển dụng ở Mỹ đã bổ sung thêm 1,6 triệu việc làm trong ba tháng qua. Với lạm phát cao hơn mức mục tiêu của Fed và xu hướng tăng trưởng việc làm ổn định, Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất vào tháng tới và có thể tăng tiếp vào tháng 5 và tháng 6.
Sức ép tăng giá đè nặng lên doanh nghiệp nhỏ
Sức ép tăng lương do thị trường việc làm ở Mỹ thắt chặt cũng bắt đầu tác động đến lạm phát. Tháng 12 năm ngoái, tốc độ tăng trưởng lương hàng năm của người lao động Mỹ đạt 4,5%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2022.
Aichi Amemiya, nhà kinh tế cấp cao ở Công ty Nomura Securities, cho biết đà tăng của chi phí thuê nhà, vốn chiếm gần 1/3 tỉ trọng trong rổ tính CPI của Mỹ, sẽ gây áp lực lạm phát trong thời gian tới. Tỷ lệ nhà cho thuê còn trống ở Mỹ giảm xuống 5,6% trong quý 4-2021, mức thấp nhất kể từ thập niên 1980.
Amemiya cho biết tỷ lệ nhà cho thuê còn trống thấp như vậy có thể đẩy giá cho thuê tăng cao hơn nữa khi các hợp đồng mới được ký kết trong năm nay, gây thêm áp lực lên lạm phát.
Vào tháng 12, khoảng 47% doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ cho biết họ có kế hoạch tăng giá trong ba tháng tới, theo kết quả khảo sát của Liên đoàn thương mại quốc gia của các doanh nghiệp độc lập, có trụ sở ở bang Tennessee.
Cách đây một nămm, Alex Mishkit đã khai trương thẩm mỹ viện Alex Cher Beauty ở Lafayette, California. Kể từ đó, cô buộc phải tăng giá các dịch vụ khoảng 10% để theo kịp với chi phí đang tăng. Đầu tiên là găng tay, tăng mạnh lên tới 30%, sau đó giá của các loại que tẩy lông, sáp tẩy lông cũng tăng khoảng 15%. Ban đầu, cô lo khách hàng sẽ phản ứng nhưng rốt cục, họ tỏ ra thông cảm và ủng hộ.
Nhà kinh tế Amemiya cho rằng kỳ vọng lạm phát gia tăng của người tiêu dùng, cùng với việc tăng lương trong lực lượng lao động, có thể khiến áp lực giá cả kéo dài dai dẳng.
Điều đó có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất nhiều đợt hơn dự kiến ngay cả khi xu hướng lạm phát tổng thể giảm trong những tháng tới.
Lạm phát cao không chỉ thách thức Fed mà còn gây khó khăn về mặt chính trị đối với Tổng thống Joe Biden và các thành viên của đảng Dân chủ khi họ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Chi phí sinh hoạt của người Mỹ ngày càng đắt đỏ và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng sẽ khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden đứng trước làn sóng công kích từ các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa.
Theo Wall Street Journal