Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát khiến tiền lương thực tế trên toàn cầu sụt giảm đáng kể

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tiền lương thực tế trên toàn cầu sau khi tính toán tác động lạm phát đã có lần đầu tiên giảm trong năm nay kể từ khi dữ liệu bắt đầu được theo dõi cách đây 15 năm, theo báo cáo của  Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm 30-11.

Lạm phát tăng mạnh trong năm nay là nguyên nhân khiến tiền lương thực tế toàn cầu suy giảm lần đầu tiên trong 15 năm. Ảnh: ILO

Báo cáo thường niên về tiền lương toàn cầu của ILO chỉ ra rằng tiền lương trung bình thực tế hàng tháng trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 thấp hơn 0,9% so với một năm trước đó.

Các nước phát triển, nơi lạm phát tăng sớm hơn và mạnh hơn, đã chứng kiến mức giảm tiền lương thực tế mạnh nhất. Các nền kinh tế phát triển thuộc nhóm G20, nơi chiếm khoảng 60% tổng số lao động được trả lương trên thế giới, ghi nhận tiền lương thực tế trong nửa đầu năm 2022 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiến tranh ở Ukraine và sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19 đã khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt, khiến lạm phát ở nhiều nước phương Tây tăng lên mức cao nhất trong 40 năm.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ đạt 8,8% vào cuối năm 2022, trước khi giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.

ILO cho biết, xét theo khu vực, Đông Âu và Bắc Mỹ đang chứng kiến sức mua giảm mạnh nhất, với tiền lương thực tế giảm lần lượt là 3,3% và 3,2% trong nửa đầu năm 2022.

Tại các nền kinh tế mới nổi thuộc G20, tăng trưởng tiền lương chậm lại nhưng vẫn ở mức dương 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ILO. Điều này phần lớn là nhờ tiền lương tăng ở Trung Quốc, trong khi các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil chứng kiến tiền lương thực tế suy giảm đáng kể.

Rosalia Vazquez-Alvarez, tác giả chính của báo cáo, cho biết với lạm phát vẫn ở mức cao, tiền lương toàn cầu cũng có khả năng giảm theo giá trị thực trong toàn thể năm 2022. Bà lưu ý tăng trưởng năng suất, được đo bằng sản lượng trên mỗi người lao động, trong năm 2022 đã vượt xa mức tăng trưởng tiền lương với khoảng cách lớn nhất kể từ năm 1999.

Theo báo cáo của ILO, tiền lương trung bình thực tế hàng tháng trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 thấp hơn 0,9% so với một năm trước đó. Mức giảm này là 1,4% nếu không tính Trung Quốc. Ảnh: Al Jazeera

Theo báo cáo của ILO, nhóm lao động thu nhập thấp đã bị ảnh hưởng nặng nề khi tiền lương giảm sau khi họ đã bị mất lương đáng kể trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Điều này đã làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập và bất ổn xã hội.

ILO cho rằng những nước mà năng suất lao động hiện đang vượt xa tiền lương, các chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người lao động khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Chẳng hạn như họ cần phải điều chỉnh mức lương tối thiểu lên mức cao hơn nhưng phải bảo đảm không đẩy lạm phát tăng thêm. Báo cáo nhận định: “Ở nhiều nước, dường như có khả năng tăng lương trong một phạm vi nhất định mà không lo ngại tạo ra vòng xoáy tiền lương - giá cả”.

ILO cũng lưu ý rằng sự xói mòn tiền lương thực tế gần đây nhất đang làm trầm trọng thêm những mất mát mà nhiều người lao động phải gánh chịu trong đại dịch Covid-19.Tình trạng trì trệ lâu dài về mức sống ở một số nước, bao gồm cả Anh, một trong bốn nền kinh tế của G20, nơi tiền lương thực tế vẫn thấp hơn năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng là môt nguyên nhân.

Tổng Giám đốc ILO Gilbert F Houngbo dự báo tình trạng suy giảm tiền lương thực tế có thể sẽ tiếp tục nếu không có các phản ứng với chính sách có mục tiêu của các chính phủ.

Theo Houngbo, trong thời điểm mà những bất ổn về kinh tế và xã hội ngày càng gia tăng, điều quan trọng là phải xây dựng lại và củng cố ý thức của mọi người về công bằng xã hội và sự gắn kết xã hội.

ILO đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách để giải quyết vấn đề tiền lương giảm, bao gồm tăng lương để phù hợp với năng suất tăng, điều chỉnh rộng rãi hơn đối với mức lương tối thiểu và tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe thiết yếu và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong năm qua, các ngân hàng trung ương đã theo dõi rất chặt chẽ đà tăng trưởng của tiền lương. Họ ngại lạm phát cao sẽ trở nên nghiêm trọng nếu người lao động yêu cầu tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng cao, thúc đẩy các công ty tiếp tục tăng giá khi chi phí trả lương nhân viên của họ tăng lên.

Mặc dù tiền lương đang tụt hậu so với lạm phát, nhưng về mặt danh nghĩa (không tính tác động lạm phát), tiền lương đang tăng với tốc độ chưa từng có ở nhiều nước, điều mà nhiều ngân hàng trung ương lo ngại sẽ cản trở nỗ lực kiềm chế lạm phát của họ.

Hôm 29-11, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey cho biết mức tăng lương danh nghĩa 6,5% hiện nay ở Anh là cao hơn nhiều so với mong đợi nếu mọi tình huống bình thường.

Mặc dù mức tăng này không nằm ngoài dự đoán của BoE, nhưng với tình hình lạm phát hiện tại, BoE lo ngại với mức tăng lương này. Bailey nói thêm, các kế hoạch tăng lương nên được sắp xếp theo cách bảo vệ nhiều hơn cho những người được trả lương thấp nhất.

Financial Times, Al Jazeera

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới