Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát ở Mỹ dịu lại nhờ chi phí năng lượng giảm

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lạm phát của Mỹ giảm tốc nhanh hơn dự báo trong tháng 7 nhờ giá xăng và giá vé máy bay giảm. Diễn biến mới làm dấy lên hy vọng lạm phát đã qua mức đỉnh điểm, giúp giảm bớt sức ép đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Giá xăng giảm mạnh giúp lạm phát của Mỹ dịu lại trong tháng trước. Ảnh: Getty

Hôm 10-8, Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại so với mức 9,1% của hồi tháng 6.

Trong tháng 7, giá xăng giảm 7,7%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 4-2020, sau khi tăng 11,2% một tháng trước đó. Giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đang hướng về 4 đô la/ gallon (3,78 lít) sau khi đạt mức kỷ lục hơn 5 đô la trong tháng 6 nhưng vẫn cao hơn 44% so với cách đây một năm.

Giá dịch vụ tiện ích như điện, nước, khí đốt giảm 3,6% so với tháng 6, mức giảm mạnh nhất từ tháng 5-2009. Tuy nhiên, chi phí thực phẩm trong tháng 7 lại tăng 10,9% so với một năm trước, tăng mạnh nhất kể từ năm 1979. Chi phí thuê nhà, hạng mục lớn nhất của nhóm dịch vụ, chiếm đến 1/3 chỉ số CPI, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá vé máy bay giảm 7,8% so với tháng 6. Mức giảm mạnh của giá xăng giúp bù đắp cho các mức giá tăng ở thực phẩm và chi phí thuê nhà. Chỉ số CPI cốt lõi (không tính thực phẩm và năng lượng, các hạng mục có mức biến động giá lớn) tăng 0,3% so với tháng 6 và tăng 5,9% so với cách đây một năm.

Dữ liệu lạm phát mới có thể giúp Fed cảm thấy nhẹ nhõm và sự hạ nhiệt của giá xăng cũng giúp người tiêu dùng bớt lo lắng. Tuy nhiên, tốc độ tăng lạm phát hàng năm của Mỹ vẫn ở mức cao hơn 8% và chi phí thực phẩm tiếp tục tăng không phải là tin tốt đối Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ của ông trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Lạm phát của Mỹ giảm tốc nhưng vẫn ở mức cao, 8,5%. Ảnh: Pagegoo

Chi phí phí sinh hoạt của người dân Mỹ vẫn ở mức cao, buộc nhiều người phải nạp thêm tiền vào thẻ tín dụng trả trước và tiêu hết tiền tiết kiệm. Sau khi dữ liệu tuần trước cho thấy nhu cầu lao động vẫn mạnh mẽ và tăng trưởng tiền lương ổn định hơn, giới phân tích nhận định Fed sẽ tiếp tục chịu sức ép tăng lãi suất mạnh.

Tuy nhiên, lạm phát giảm tốc trong tháng 7 đã phần nào làm giảm tính khẩn cấp của vấn đề này. Giờ đây, các nhà giao dịch trên thị trường dự báo Fed có nhiều khả năng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,75 điểm phần trăm trong tháng tới.

“Lạm phát giảm thông tin cần thiết đối với Fed, nhưng vẫn chưa đủ”, Michael Pond, người đứng đầu chiến lược thị trường lạm phát tại Ngân hàng Barclays nhận định.

Các quan chức Fed cho biết, muốn thấy giá cả hạ nhiệt trong nhiều tháng, đặc biệt là ở thước đo CPI cốt lõi. Vẫn còn một đợt báo cáo việc làm và CPI hàng tháng khác trước cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào ngày 20 và 21 tháng 9.

Hai nhà kinh tế của Bloomberg Economics Anna Wong và Andrew Husby bình luận, với giá thuê nhà tăng lên mức cao hơn và mức lương cao của người lao động đang ngấm vào giá cả dịch vụ, dự báo khoảng lặng này chỉ là tạm thời. CPI cốt lõi của Mỹ có thể tăng đến 7% trong những tháng tới dù giả định giá hàng hóa chỉ tăng ở mức vừa phải.

Michael Pugliese, nhà kinh tế ở Ngân hàng Wells Fargo, cho rằng ngay cả khi lạm phát tăng chậm lại về mức 4%, Fed có thể vẫn tiếp tục tăng lãi suất.

Dù giá cả đang có dấu hiệu được điều chỉnh, vẫn có một số yếu tố nguy cơ khiến lạm phát duy trì mức cao. Chi phí nhà ở là một vấn đề lớn cũng như những cú sốc bất ngờ về nguồn cung. Tiền lương vẫn đang tăng với tốc độ nhanh trong lịch sử có thể dẫn đến rủi ro vòng xoáy tiền lương- giá cả.

Tuy nhiên, mức tăng lương vẫn không theo kịp lạm phát. Một báo cáo riêng của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, thu nhập trung bình theo giờ thực tế của người lao động Mỹ sau khi đã điều chỉnh lạm phát trong tháng 7 giảm 3% so với một năm trước đó.

"Chúng ta đang chứng kiến một thị trường lao động mạnh mẽ hơn, nơi việc làm đang bùng nổ. Và chúng ta đang thấy một số dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đang bắt đầu tăng chậm lại”, Tổng thống Joe Biden nói sau khi báo cáo lạm phát được công bố.

Tuy nhiên, ông cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục đối mặt với những cản lực trong những tháng tới, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và tình trạng gián đoạn sản xuất liên quan đến đại dịch Covid-19 ở châu Á.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới