Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát thực phẩm toàn cầu dự báo giảm mạnh trong năm 2024

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lạm phát thực phẩm toàn cầu sẽ giảm mạnh trong năm tới, khi hoạt động sản xuất các mặt hàng nông sản tăng tốc dù triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới ảm đạm, theo dự báo của Rabobank, một ngân hàng chuyên về lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp của Hà Lan.

Ngân hàng Rabobank dự báo giá các mặt hàng nông nghiệp như đậu nành, bắp, đường và cà phê sẽ giảm trong năm 2024, trong khi đó, giá lúa mì sẽ biến động mạnh do nguồn cung vẫn thiếu hụt. Ảnh: World Grain

Trong báo cáo về triển vọng hàng năm của 10 nông sản quan trọng đến năm 2024, Rabobank nhận định, lạm phát giá thực phẩm sẽ suy giảm do giá các mặt hàng như đường, cà phê, bắp và đậu nành giảm khi nông dân tăng sản lượng để tận dụng giá cao trong những năm gần đây. Trong khi đó, nhu cầu sẽ giảm khi người tiêu dùng vật lộn với tác động của lãi suất cao và lạm phát nói chung.

Báo cáo của Rabobank công bố hôm 15-11 cho biết chi phí giảm nhanh của một số mặt hàng nông nghiệp có khả năng thúc đẩy lợi nhuận cho ngành sữa, bánh mì và thịt.

“Chúng tôi kỳ vọng giá cả hàng hóa nông nghiệp sẽ giảm, giúp giảm bớt lạm phát thực phẩm mà người tiêu dùng đang đối mặt”, Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận hàng hóa nông nghiệp của Rabobank, nói với Financial Times.

Giá thực phẩm, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá của các mặt hàng nông sản cơ bản, bắt đầu tăng mạnh vào năm 2020 sau các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19. Giá tăng vọt vào năm ngoái khi thị trường phản ứng với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu lớn nhất thế giới.

Theo Liên hợp quốc, do thực phẩm đắt đỏ, số người phải đối mặt với nạn đói tăng lên hơn 735 triệu người vào năm 2022, cao hơn 20% so với năm 2019. Trong đó, châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên toàn cầu, giá các mặt hàng thiết yếu như sữa và trứng tăng vọt, khiến các chính phủ phải áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả. Kể từ đó, lạm phát giá thực phẩm đã bắt đầu giảm ở hầu hết các nước giàu nhưng vẫn còn ở mức cao ở nhiều nơi trên thế giới.

Carlos Mera cho biết, thị trường hàng hóa nông nghiệp trong ba năm qua rơi vào tình trạng “hỗn loạn” do tác động của đại dịch Covid-19, thời tiết bất lợi và chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên, Rabobank dự báo, giá lúa mì, mặt hàng chủ lực đối với hàng tỉ người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, có thể biến động mạnh khi thế giới bước vào năm thứ 5 thâm hụt nguồn cung lúa mì toàn cầu.

Những dự đoán mới nhất của Rabobank đánh dấu sự đảo ngược xu hướng giá cả trong năm nay. Trong những tháng gần đây, giá lúa mì giảm mạnh do vụ mùa bội thu ở Nga, trong khi giá các mặt hàng nông sản mềm như đường và cà phê đạt mức cao nhất trong nhiều năm do hiện tượng thời tiết El Niño dẫn đến nắng nóng gay gắt ở các nhà sản xuất châu Á, cản trở năng suất.

Báo cáo của Rabobank lưu ý rằng nhu cầu bắp đang phục hồi sau khi giá giảm đáng kể, nhưng người tiêu dùng vẫn đối mặt với những khó khăn kinh tế. Đồng đô la Mỹ mạnh và nguồn cung bắp gia tăng ở nhiều nước trên toàn cầu sẽ khiến xuất khẩu bắp của Mỹ trở nên khó khăn.

Rabobank dự đoán trong năm tới, giá các loại nông sản chủ chốt như đường sẽ giảm do điều kiện thời tiết ở châu Á dễ chịu hơn. Ngân hàng này cho biết, giá đường, sau khi đạt mức cao nhất trong 12 năm hồi tháng 9, có thể giảm mạnh khi nhiệt độ và lượng mưa ở Thái Lan, nước sản xuất lớn thứ ba thế giới, trở lại mức bình thường.

Bên cạnh đó, hiện tượng El Niño gây mưa nhiều ở một số vùng ở Nam Mỹ, thúc đẩy năng suất cây cà phê và đậu nành. Rabobank dự báo Brazil sẽ chứng kiến một vụ đậu nành bội thu khác vào năm 2024, trong khi Argentina, nước xuất khẩu các sản phẩm từ đậu nành lớn nhất thế giới như dầu đậu nành, sẽ phục hồi sau vụ thu hoạch thất bát trong năm nay.

Carlos Mera dự báo, xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu từ Argentina sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 19-11 tới. Nếu đảng đối lập, với cam kết tự do hóa thương mại, giành chiến thắng, nông dân Argentina có thể giữ lại ngũ cốc với kỳ vọng tỷ giá hối đoái thuận lợi hơn.

Theo Rabobank, trong số tất cả các mặt hàng nông sản thiết yếu, lúa mì đối mặt với tình trạng bất ổn nhất vào năm 2024. Thời tiết khô hạn ở các vùng trồng lúa mì ở Argentina và Úc có thể cản trở năng suất. Cùng lúc đó, chiến tranh ở Ukraine tiếp tục làm giảm xuất khẩu ngũ cốc của nước này.

Mera cho biết, điều này sẽ khiến thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào vụ thu hoạch lúa mì của Nga và chính sách của Điện Kremlin, vốn có thể chọn chỉ bán cho các nước “thân thiện” hoặc áp đặt các hạn chế xuất khẩu khác.

“Chúng ta có thể thấy những động thái bất ngờ từ Nga trong năm 2024”, Mera cảnh báo.

Vụ thu hoạch lúa mì trong năm 2024 của Nga có thể sẽ duy trì trên 87 triệu tấn, nhưng mọi kỳ vọng đều phụ thuộc vào sự không chắc chắn về thời tiết và chính sách hạn chế xuất khẩu của Nga.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới