Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làm sạch tài khoản ngân hàng ‘ma’ đang chậm một nhịp

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau khi các ngân hàng từ tháng 7-2024 áp dụng nhận diện khuôn mặt khi chuyển tiền, số tài khoản nhận tiền lừa đảo giảm mạnh. Tuy nhiên, trong cùng thời gian này, dòng tiền lừa đảo bị chặn ở tài khoản cá nhân đã chạy qua tài khoản doanh nghiệp “ma”.

Sau ba tháng áp dụng xác thực sinh trắc học nhận diện khuôn mặt khi chuyển tiền, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, so với trung bình 7 tháng năm 2024, số vụ khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8-2024 giảm 50% và số tài khoản nhận tiền lừa đảo giảm 72%(1).

Tuy nhiên, xác thực sinh trắc học thông qua nhận diện khuôn mặt không phải là chiếc đũa thần đẩy lùi nạn lừa đảo trực tuyến. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 9-2024, Bộ Công an cho biết, trong tháng 8, cả nước đã xảy ra hơn 800 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng hơn 11%, trong đó lừa đảo trực tuyến chiếm 55%. Còn theo báo cáo của Tập đoàn Viettel công bố cuối tháng 8, số thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước làm gia tăng số vụ lừa đảo, gian lận tài chính(2).

Việc áp dụng xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản đã hạn chế được nhiều trường hợp lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ ngăn được dòng tiền chạy vào tài khoản ngân hàng cá nhân, trong khi bọn lừa đảo đã chuẩn bị trước và chuyển sang sử dụng tài khoản ngân hàng của tổ chức, doanh nghiệp để lách quy định xác thực khuôn mặt. Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, với các tài khoản ngân hàng đứng tên pháp nhân thì không bắt buộc phải thực hiện xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền.

Chỉ riêng tại tỉnh Hà Tĩnh, từ tháng 6 đến tháng 9, công an đã ghi nhận 5 vụ người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Các vụ này đều dùng tài khoản ngân hàng đứng tên doanh nghiệp, tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 2 tỉ đồng. Các nạn nhân cho biết khi chuyển tiền họ thấy tài khoản nhận tiền mang tên công ty nên đã không nghi ngờ gì. Một số vụ tương tự cũng được ghi nhận xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh trong cùng thời gian này(3).

Cơ quan công an cho biết, bọn lừa đảo đã lợi dụng kẽ hở trong quy trình xác minh mở tài khoản ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) với giấy đăng ký kinh doanh giả hoặc mua lại tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp rao bán trên mạng xã hội. Trước tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán của tổ chức để nhận tiền lừa đảo tăng vọt, hồi tháng 8 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm tra việc mở tài khoản cho doanh nghiệp.

Tình trạng nói trên cho thấy, việc làm sạch dữ liệu tài khoản ngân hàng vẫn chậm một nhịp, cho dù đã áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học. Để ngăn chặn tài khoản ngân hàng “ma” đứng tên tổ chức, doanh nghiệp thì cần nhiều biện pháp đồng bộ như kiểm soát từ khâu thành lập doanh nghiệp đến mở tài khoản ngân hàng, đặc biệt là giám sát hoạt động tài khoản sau khi mở.

Nếu có hệ thống quản lý định danh (ID management) đạt chuẩn, ngân hàng sẽ theo dõi được các tài khoản doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường về dòng tiền ra vào, từ đó có thể ngăn chặn kịp thời dòng tiền lừa đảo. Chẳng hạn, đối với tài khoản bị nghi ngờ, có thể bổ sung một rào cản kỹ thuật, khi có số tiền lớn chuyển vào thì áp dụng thêm biện pháp xác minh trước khi cho chuyển tiền đi.

Ngoài ra, các ngân hàng còn phải kết nối với cơ sở dữ liệu cư dân của Bộ Công an để xác minh thêm về người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Cũng cần tính đến việc xác minh bổ sung về tình trạng của doanh nghiệp thông qua mã số thuế hay bảo hiểm xã hội. Để làm được điều này thì cần bổ sung quy định pháp lý cho phép ngân hàng xác minh hay thực hiện thông qua cơ quan chức năng nhà nước.

------------------

(1) https://www.vietnamplus.vn/giam-manh-72-so-tai-khoan-lua-dao-sau-chien-dich-xac-thuc-sinh-trac-hoc-post979544.vnp

(2) https://thesaigontimes.vn/bao-ve-du-lieu-ca-nhan-can-lieu-thuoc-manh-hon/

(3) https://thanhnien.vn/bung-phat-lua-chuyen-tien-bang-tai-khoan-doanh-nghiep-185240925223038046.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy bên Trung Quốc cũng có rất nhiều vụ lừa đảo, nhưng nhiều vụ nhờ phát hiện sớm, công an phối hợp với ngân hàng lừa bắt được băng nhóm tội phạm dễ dàng. Đơn giản là người bị lừa vẫn chuyển tiền, nhưng ngân hàng có tài khoản của tội phạm dùng biện pháp ngăn chặn không cho rút hoặc chuyển tiếp, cuối cùng tội phạm lộ mặt và bị bắt, khám phá ra băng nhóm tội phạm lớn, chấm dứt các vụ lừa đảo tiếp theo. Nhưng ở VN, công an chỉ khuyến cáo người bị hại đừng chuyển tiền mà không tìm cách gài bẫy tội phạm để bắt giữ nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo tiếp theo.5

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới