Thứ ba, 29/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm sao với nạn hàng giả khoác áo ‘giấy tờ hợp pháp’?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc chống thực phẩm giả không phải là ngồi phân định “trách nhiệm của ai” mà nằm ở chỗ phải ngăn chặn tận gốc tình trạng hàng giả lại có được chiếc áo đẹp đẽ “giấy tờ hợp pháp”.

Theo thông tin ban đầu, trong số 573 nhãn hiệu sữa bột giả được đưa ra thị trường Việt Nam thì có tới 305 sản phẩm sữa giả nộp hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay khi “trái bom 573 nhãn hiệu sữa giả” nổ tung trong tuần qua, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã dẫn ra Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm, để cho biết trách nhiệm thuộc về địa phương tiếp nhận đăng ký công bố chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, thiết nghĩ điều quan trọng nhất trong việc chống thực phẩm giả không phải là ngồi phân định “trách nhiệm của ai” mà nằm ở chỗ phải ngăn chặn tận gốc tình trạng hàng giả lại có được chiếc áo đẹp đẽ “giấy tờ hợp pháp”.

Sữa giả nhưng đầy đủ thủ tục công bố chất lượng

Theo thông tin ban đầu, trong số 573 nhãn hiệu sữa bột giả được đưa ra thị trường Việt Nam thì có tới 305 sản phẩm sữa giả nộp hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm ở tỉnh Hòa Bình. Theo danh sách tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm của Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Hòa Bình, trong hai năm 2023 và 2024 có 4/11 công ty thuộc “tập đoàn” sản xuất sữa giả đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm(1).

Để thuận tiện cho doanh nghiệp, Nghị định 15 cho phép ngay sau khi tự công bố sản phẩm thì tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó. Doanh nghiệp cũng được chọn nộp bản đăng ký công bố chất lượng sản phẩm ở địa phương nào mà họ có cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, nghị định này cũng quy định phải bảo đảm nguyên tắc một cửa, tức là một sản phẩm chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp sữa giả này, trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường thuộc về địa phương tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, tức là Sở Y tế và Chi cục ATTP tỉnh Hòa Bình.

Các công ty sản xuất sữa giả đã bám sát quy định pháp luật để khoác lên mình “chiếc áo” hợp pháp về giấy tờ khi có tên trong danh sách công bố trên trang web Chi cục ATTP tỉnh Hòa Bình.

Vấn đề là, cơ quan tiếp nhận đăng ký công bố chất lượng sản phẩm của “tập đoàn” sữa giả đã quên trách nhiệm được quy định tại điều 40, Nghị định 15 là họ phải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên phạm vi địa phương. Việc kiểm tra ATTP bao gồm thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, chứ không phải chỉ công bố lên trang web để “quản lý trên giấy” là xong.

Cũng liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, theo công bố trên trang web, trong cả năm 2024 Chi cục ATTP tỉnh Hòa Bình đã xử lý ba vụ vi phạm nhỏ, như không cắt ngắn móng tay khi chế biến thức ăn, không nộp bản công bố sản phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP(2).

Liệu con số xử lý vi phạm quá ít này có liên hệ gì đến thực trạng trong suốt ba năm, Chi cục ATTP tỉnh Hòa Bình chưa hề tiến hành hậu kiểm bất kỳ một sản phẩm nào trong số 305 hồ sơ mà các công ty trong “tập đoàn” sữa giả đã nộp công bố? Đó là chưa kể chi nhánh các công ty đăng ký nộp bản công bố cũng không hề hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà cơ quan chức năng này cũng không hay biết(3).

Giấy phép quảng cáo sữa giả cũng hợp pháp

Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, Nghị định 15 quy định phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo. Cũng theo nguyên tắc “một cửa”, cơ quan quản lý nhà nước, nơi doanh nghiệp nộp hồ sơ công bố sản phẩm cũng là đơn vị chịu trách nhiệm phê duyệt nội dung quảng cáo. Ngoài việc xét duyệt nội dung, Nghị định 15 còn quy định không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên tuổi của các đơn vị y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hay bài viết của họ để quảng cáo thực phẩm.

Không rõ nội dung quảng cáo các sản phẩm sữa giả đã được xét duyệt ra sao, nhưng trên trang web của Chi cục ATTP tỉnh Hòa Bình có nhiều sản phẩm sữa giả được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo trong hai năm 2023 và 2024.

Trên thực tế thì các sản loại sữa giả được quảng cáo tràn lan khắp các trang mạng xã hội và trong các sự kiện trực tiếp với rất nhiều vi phạm nhằm thao túng tâm lý, tạo lòng tin nơi người tiêu dùng.

Thậm chí, ngoài các nội dung về chất lượng bị thổi phồng và mượn danh bác sĩ, đơn vị y tế để tạo lòng tin, quảng cáo sữa giả còn đi xa hơn trong việc khẳng định sản phẩm “được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận chất lượng” hay “sản phẩm đã đăng ký với FDA” hay đăng cả logo của FDA trong quảng cáo.

Điều đáng nói là dù quảng cáo mượn danh FDA xuất hiện tràn lan ở Việt Nam nhưng cho đến nay chưa thấy cơ quan chức năng nào thổi còi. Cũng không rõ những nội dung vi phạm này có được đăng ký mà cơ quan chức năng bỏ sót hay không?

Bởi lẽ, chính sách của FDA quy định rất rõ: “Tên FDA và các logo tương ứng là các nhãn hiệu và nhãn hiệu dịch vụ không dành cho khu vực tư nhân hoặc trên các tài liệu của khu vực tư nhân, trừ khi được FDA cho phép cụ thể bằng văn bản. Việc sử dụng trái phép nhãn hiệu FDA trên các tài liệu của khu vực tư nhân có thể gửi thông điệp đến công chúng rằng FDA ủng hộ hoặc xác nhận một tổ chức khu vực tư nhân hoặc các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ và/hoặc nhân sự của tổ chức đó (công khai hoặc ngầm), điều mà FDA không và không thể làm”(4).

Tóm lại, ngoài “chiếc áo” hợp pháp về công bố chất lượng sản phẩm, sữa giả còn được hợp thức hóa về mặt quảng cáo thông qua danh sách đăng ký trên trang web Chi cục ATTP tỉnh Hòa Bình. Điều này đồng nghĩa với việc về mặt thủ tục, hàng trăm loại sản phẩm của “tập đoàn” sữa giả đều được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hay nói cách khác là hoàn toàn hợp lệ về mặt giấy phép.

Với hai “lá bùa hộ mệnh” này trong tay, các doanh nghiệp trong “tập đoàn” sữa giả dễ dàng tạo lòng tin nơi người tiêu dùng khi trưng ra đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ. Người tiêu dùng bình thường dễ dàng bị thuyết phục để tin rằng, chất lượng sản phẩm đã được cơ quan nhà nước công nhận.

Cái gốc vấn đề nằm ở chỗ, cho dù quy định quản lý nhà nước có chặt chẽ đến đâu mà việc thực thi của cơ quan chức năng chỉ nằm trên giấy như trong vụ sữa giả thì thực phẩm giả vẫn còn đất sống.

Không loại trừ khả năng “công thức” này đang được áp dụng ở nhiều sản phẩm khác mà chưa bị phát hiện. Đây chính là kẽ hở lớn cần ngăn chặn đến tận gốc, nếu không sẽ còn tiếp diễn những “trái bom hẹn giờ” tiếp tục phát nổ trong thời gian tới.

(1) https://atvstp.hoabinh.gov.vn/van-ban-phap-quy/viewcategory/12 truy cập lúc 10 giờ ngày 18-4-2025

(2) https://atvstp.hoabinh.gov.vn/tin-xa-la-vi-pha-m/880-tin-xa-la-vi-pha-m-ha-nh-cha-nh-va-an-toa-n-tha-c-pha-m-n-m-2024

(3) https://tuoitre.vn/khong-tin-noi-cach-sua-gia-tram-hoa-dua-no-o-hoa-binh-20250417231930763.htm

(4) https://www.fda.gov/about-fda/trang web-policies/fda-name-and-logo-policy

1 BÌNH LUẬN

  1. Thực ra cái này không có, tăng mức phạt kịch khung cho trường hợp này là được thôi 20 năm tù cho hành vi bán hàng giả cộng thêm thành lập đội quản lý thị trường kỹ năng chuyên nghiệp hơn là từ từ ngta rời bỏ mảng làm giả/nhái/kém chất lượng. Tại sao luật giao thông đưa mức phạt kịch khung vậy nhưng thực phẩm vẫn còn phạt nhẹ doanh nghiệp ??????

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới