(KTSG Online) - Hôm 12-6, tòa án ở thành phố Helena, bang Montana, Mỹ sẽ xét xử vụ kiện, trong đó 16 nguyên đơn thanh thiếu niên yêu cầu chính quyền chịu trách nhiệm cho những chính sách ủng hộ nhiên liệu hóa thạch mà họ cho rằng làm trầm trọng tình trạng nóng lên toàn cầu và đe dọa tương lai của họ. Đây là vụ kiện đầu tiên về khí hậu viện dẫn các quyền trong hiến pháp được xét xử tại Mỹ.
- Kiện tụng khí hậu đe dọa đẩy tăng chi phí bảo hiểm của doanh nghiệp
- Tập đoàn dầu khí Shell bị tòa án Hà Lan yêu cầu giảm khí thải carbon
Các luật sư của hãng luật phi lợi nhuận Our Children’s Trust (OCT), đại diện cho nhóm nguyên đơn, lập luận rằng việc chính quyền bang Montana tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất các nhiên liệu ô nhiễm như than và khí đốt là vi phạm hiến pháp. Một điều khoản của hiến pháp bang Montana khẳng định nhà nước “phải duy trì và cải thiện một môi trường sạch và lành mạnh cho thế hệ hiện tại và tương lai”.
Các luật sư sẽ yêu cầu thẩm phán Kathy Seeley, người chủ trì xét xử vụ kiện dự kiến kéo dài 2 tuần, đưa ra phán quyết tuyên bố chính quyền vi phạm điều khoản hiến pháp nói trên.
Nate Bellinger, luật sư của OCT, cho biết các nguyên đơn ở độ tuổi từ 2 đến 18 khi họ đệ đơn kiện vào năm 2020. Ông hy vọng một phán quyết như vậy sẽ tạo tiền lệ quan trọng và khuyến khích các nhà lập pháp của bang Montana hành động mạnh mẽ hơn trong vấn đề bảo vệ khí hậu
Bellinger nói: “Hy vọng vụ kiện sẽ dẫn đến phán quyết khẳng định rõ rằng chính quyền có nghĩa vụ theo hiến pháp để bảo vệ công dân của họ khỏi những mối nguy của biến đổi khí hậu, đặc biệt là giới trẻ, những công dân dễ bị tổn thương nhất”.
Các nguyên đơn ban đầu đã tìm kiếm một phán quyết yêu cầu chính quyền xây dựng một kế hoạch khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu hoặc đưa ra các chính sách để giảm lượng khí thải nhà kính. Nhưng thẩm phán Kathy Seeley không đồng ý. Bà nói rằng nếu các nguyên đơn thắng kiện, bà sẽ đưa ra phán quyết tuyên bố chính quyền vi phạm hiến pháp.
Chính quyền bang Montana đã nhiều lần tìm cách trì hoãn hoặc bác bỏ vụ kiện, gọi đây là chiêu trò gây chú ý "vô ích" nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động phát triển năng lượng có trách nhiệm ở bang Montana.
Các luật sư của bang này lập luận rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và sẽ được giải quyết tốt nhất thông qua quá trình chính trị chứ không phải ở tòa án. Họ cũng cho rằng tình trạng nóng toàn cầu không thể bắt nguồn trực tiếp từ các chính sách về nhiên liệu hóa thạch của bang Montana.
Thẩm phán Kathy Seeley đã từ chối hoãn phiên tòa theo yêu cầu của chính quyền bang Montana. Đầu tuần trước, tòa án tối cao Montana cũng từ chối yêu cầu này.
Đơn kiện của các nguyên đơn cáo buộc chính quyền cho phép, khuyến khích và tạo điều kiện một cách có hệ thống đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và vi phạm hiến pháp bang Montana.
Tất cả nguyên đơn, trừ bốn người trẻ tuổi nhất, dự kiến sẽ làm chứng tại phiên tòa. Họ là con cái của những nông dân, người đam mê hoạt động ngoài trời và vận động viên, cũng như các thành viên trẻ tuổi của cộng đồng người Mỹ bản địa.
Trong đơn kiện, các nguyên đơn trình bày chi tiết về tác động của việc khí hậu thay đổi nhanh chóng đối với cuộc sống hàng ngày của họ. Họ viện dẫn mọi thứ, từ khói cháy rừng khiến họ phải ở trong nhà hoặc không được tập luyện thể thao, đến thời tiết khó lường làm hư hại mùa màng và giết chết gia súc. Các nguyên đơn cũng tuyên bố rằng hệ thống năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch làm suy giảm và cạn kiệt các nguồn tài nguyên công cộng được bảo vệ theo hiến pháp như sông, hồ, và động vật hoang dã mà họ dựa vào đánh bắt cá, sinh hoạt văn hóa truyền thống và giải trí.
“Một phán quyết thắng lợi cho các nguyên đơn có thể tác động lan tỏa khắp thế giới, truyền cảm hứng cho các vụ kiện mới”, Michael Gerrard, Giám đốc Trung tâm Sabin về luật biến đổi khí hậu của Trường Luật Columbia, nhận định.
Theo Rebecca Bratspies, Giám đốc Trung tâm cải cách môi trường và đô thị của Trường Luật thuộc Đại học thành phố New York, ngay cả khi các nguyên đơn ở Montana thua kiện, điều này cũng có thể tạo tiền lệ quan trọng và rút ra bài học cho các chiến lược kiện tụng về khí hậu trong tương lai.
Vụ kiện trên là một trong số các vụ kiện cáo buộc chính quyền vi phạm hiến pháp vì các chính sách tác động đến khí hậu mà OCT đứng ra bảo vệ quyền lợi cho giới trẻ. Một vụ kiện tương tự ở bang Hawaii dự kiến đưa ra xét xử vào tháng 9, nhưng rốt cục bị trì hoãn.
Theo Trường Kinh tế và khoa học chính trị London, kể từ năm 2015 đến năm ngoái, số vụ kiện liên quan đến khủng hoảng khí hậu trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, lên con số hơn 2.000 vụ. Tại Mỹ, hơn 20 thành phố và bang đang kiện các “ông lớn” dầu mỏ với cáo buộc ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã biết trong nhiều thập niên về sự nguy hiểm của việc đốt than và dầu khí nhưng che giấu thông tin đó với người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Theo Reuters, WSJ