Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lần gỡ đường đi của cung tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lần gỡ đường đi của cung tiền

Phan Minh Ngọc

(KTSG) - Lâu nay chúng ta vẫn biết rằng cung tiền M2, còn gọi là tổng phương tiện thanh toán, ở Việt Nam là cao. Để biết nó cao thế nào, chúng ta thử làm một so sánh quốc tế, sử dụng số liệu M2 của Ngân hàng Thế giới (WB).

Lần gỡ đường đi của cung tiền

Có 157 nước có số liệu M2 vào năm 2019 và Việt Nam đứng thứ 25 từ cao xuống thấp, với mức 13,6%. Lưu ý rằng mức này là thấp hơn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trong mục thống kê trên trang web của mình là 14,8%. Vì vậy, nếu sử dụng mức của NHNN thì thứ hạng của Việt Nam còn cao hơn nữa, ở hạng 18.

Năm 2018 là năm ghi nhận tính hiệu quả cao nhất của M2 khi cứ mỗi 1,9 đồng M2 tăng thêm sẽ tạo được thêm 1 đồng GDP. Tính trung bình trong giai đoạn 2015-2019, cứ 2,73 đồng M2 tăng thêm sẽ tạo ra 1 đồng GDP tăng thêm. Nhưng năm 2020 đã có sự tăng đột biến khi phải cần đến 6 đồng M2 tăng thêm để tạo ra 1 đồng GDP.

Nếu tính bình quân trong giai đoạn 2015-2019, vẫn sử dụng số liệu của WB, thì Việt Nam vẫn đứng thứ 25. Và cũng cần lưu ý rằng M2 của Việt Nam trong giai đoạn này đã là thấp nhất trong lịch sử (ví dụ, 28,5% trong giai đoạn 2000-2005).

Ở thứ hạng nói trên thì “hàng xóm” của Việt Nam toàn là những nước “nổi tiếng” về bất ổn như các nước châu Phi hay Nam Á hoặc Mỹ Latinh. Nói cách khác, điều này giải thích tại sao, nhất là thời gian trước đây, Việt Nam hay phải đối mặt với những bất ổn vĩ mô. 

Sang đến năm 2020 và bước vào năm 2021, trong khi không có số liệu quốc tế để so sánh, nhưng việc M2 của Việt Nam vẫn rất “kiên định” tăng lên (14,5% năm 2020, và 15,7% tính đến 16-4-2021 so với cùng kỳ 2020), bất chấp tăng trưởng GDP đã giảm mạnh, cho thấy Việt Nam không có ý định giảm tăng trưởng M2. Điều này dẫu sao cũng có thể coi là điều “bình thường cũ” nếu GDP vẫn tăng trưởng với tốc độ đáng kể như những năm trước.

Tuy nhiên, M2 tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh năm qua và đầu năm nay đã đặt ra những rủi ro về bong bóng tài sản như chứng khoán và bất động sản.

Tín dụng đến ngày 16-4 tăng 3,34% so với cuối năm 2020, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020; tín dụng vào bất động sản cuối tháng 3-2021 tăng 3% so với cuối năm 2020 và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng mạnh và dồn dập này không làm tăng giá tài sản mới là điều lạ.

Bảng trên đây cho thấy rõ hơn mối quan hệ giữa tăng M2 và tăng GDP trong mấy năm gần đây. Theo đó, năm 2018 là năm ghi nhận tính hiệu quả cao nhất của M2 khi cứ mỗi 1,9 đồng M2 tăng thêm sẽ tạo được thêm 1 đồng GDP. Tính trung bình trong giai đoạn 2015-2019, cứ 2,73 đồng M2 tăng thêm sẽ tạo ra 1 đồng GDP tăng thêm. Nhưng năm 2020 đã có sự tăng đột biến khi phải cần đến 6 đồng M2 tăng thêm để tạo ra 1 đồng GDP.

Sang đến năm nay, do Tổng cục Thống kê đã “đánh giá lại” GDP từ quí 1 và không công bố GDP danh nghĩa quí 1-2020 đã đánh giá lại nên ta không thể tính được mức tăng lên về GDP danh nghĩa giữa quí 1-2020 và quí 1-2021 và, do đó, không thể tính được một đồng tăng thêm M2 đã tạo thêm bao nhiêu đồng GDP trong quí 1-2021. Nhưng ít ra thì với mức tăng mạnh hơn của M2 cho đến ngày 16-4 so với cùng kỳ năm 2020 (15,7%) và so với mức tăng của cả năm 2020 như đã nói ở trên thì sự cải thiện khiêm tốn của tăng trưởng GDP quí 1-2021 (4,48%) so với quí 1-2020 (3,82%) cũng không làm thay đổi đáng kể kết luận rằng kể từ năm 2020, “năng suất” tạo GDP của M2 đã sụt giảm đặc biệt mạnh. Nói cách khác, từ năm 2020 đã chứng kiến hiện tượng là tiền tràn ngập nền kinh tế, quá nhiều so với mức cần có để tạo ra một đơn vị GDP như thông thường, và đây chính là nguyên nhân chủ chốt gây ra các cơn sốt tài sản hiện nay.

Có ý kiến lập luận rằng cung tiền vào nền kinh tế không tăng đáng kể bởi NHNN hầu như không mua trái phiếu/tín phiếu trên thị trường mở trong thời gian qua. Nhưng ý kiến này sai ở chỗ cung tiền chính là M2 và khi số liệu thống kê cho thấy M2 đã tăng lên, có nghĩa là có nhiều tiền hơn đã đổ vào nền kinh tế, qua nhiều kênh, ngoài thị trường mở (minh chứng là ít nhất thì hạng mục “tiền trong lưu thông”, tức tiền mặt nằm ngoài hệ thống ngân hàng, đã tăng lên cả về mức tuyệt đối và tương đối trong thời gian qua, theo số liệu của NHNN).

Cũng có ý kiến cho rằng tín dụng vào chứng khoán và bất động sản trong năm 2020 và quí 1 không tăng đột biến/mạnh nếu so với tăng trưởng tín dụng nói chung, nên tín dụng vào các thị trường tài sản này không phải là nguyên nhân của sự tăng nóng sốt chứng khoán hay bất động sản hiện nay.

Chưa bàn đến việc tín dụng có thể “trá hình” chảy vào các thị trường tài sản này, điều quan trọng và là lỗ hổng trong ý kiến nói trên là cả tốc độ tăng trưởng tín dụng chung và tăng trưởng tín dụng vào bất động sản và chứng khoán đều ở mức cao hơn vài lần so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ, theo NHNN, tín dụng đến ngày 16-4 tăng 3,34% so với cuối năm 2020, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020; tín dụng vào bất động sản cuối tháng 3-2021 tăng 3% so với cuối năm 2020 và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng mạnh và dồn dập này không làm tăng giá tài sản mới là điều lạ, đi ngược lại các quy luật và lý thuyết kinh tế.

Chuyển sang chuyện “trá hình” tín dụng vào các thị trường tài sản này. NHNN cho biết đến hết quí 1-2021 dư nợ tín dụng vào thị trường chứng khoán chỉ là 45.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, như báo chí đưa tin, chỉ tính dư nợ ngân hàng của ba công ty chứng khoán lớn là SSI, VND, và Mirae Asset đã xấp xỉ con số này (44.612 tỉ đồng).

Điều này không chỉ cho thấy tín dụng thực tế chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán là lớn hơn con số thống kê. Quan trọng hơn, nếu chỉ tin hoặc tìm cách đưa ra các con số thống kê để thuyết phục, làm an lòng dư luận thì sẽ không bao giờ khống chế được các bất ổn vĩ mô và bong bóng tài sản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới