Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lan man về tài sản ảo

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần đây, thông qua công việc mới là xây dựng khuôn khổ quản lý rủi ro và phê duyệt tín dụng, tôi có dịp tiếp xúc và thẩm định nhiều công ty kinh doanh, cho vay, cầm cố, giám hộ các loại tài sản ảo (virtual assets), là các loại tiền mã hóa, từ bitcoin đến Ethereum và hàng trăm đồng tiền các loại khác như Shiba Inu... ở khắp thế giới. Có ở bên trong mới biết đây là cả một thế giới rộng lớn và đang phát triển mạnh mẽ từng giờ, từng ngày, và rất... béo bở!

Một công ty loại này có trụ sở ở New York, mới mở chi nhánh ở Singapore và London gần đây. Hồi cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay các loại tiền mã hóa của họ tính theo đô la Mỹ mới chỉ là hơn 11 tỉ đô la Mỹ, với biên độ chênh lệch lãi suất cho vay và huy động khoảng trên 2 điểm phần trăm, với tổng số nhân viên khoảng 140 người ở các châu lục. Đến thời điểm hiện tại, sau chưa đầy hai tháng, tổng dư nợ đã tăng trên 16 tỉ đô la Mỹ. Tính trên biên độ chênh lệch lãi suất 2 điểm phần trăm thì doanh thu sơ bộ đã đến cả triệu đô la/ngày và dăm bảy ngàn đô la/nhân viên/ngày.

Đấy mới chỉ là mảng cho vay, chưa kể đến doanh thu từ các mảng kinh doanh khác như trading (bản thân công ty cũng có một nền tảng trading các loại tiền mã hóa với đội ngũ trader chuyên nghiệp), môi giới, cầm cố và giám hộ tài sản (cũng là các loại tiền mã hóa).

Công ty đang đẩy mạnh tuyển dụng thêm hàng trăm người tại các châu lục để đáp ứng nhu cầu kinh doanh 24 giờ/7 ngày/tuần ở khắp thế giới mà một mình trụ sở chính ở New York không thể kham nổi. Cho đến hiện tại, phần lớn hoạt động của công ty đều diễn ra trực tuyến, nhân viên vẫn làm việc từ xa hơn một năm nay.

Sự tăng trưởng dốc ngược như vậy đã tạo điều kiện cho công ty đãi ngộ nhân viên rất tốt qua các chế độ phúc lợi, lương, thưởng... trội hơn hẳn các công ty địa phương, và đủ hấp dẫn để lôi kéo nhân viên từ cả các tổ chức tài chính hàng đầu như Goldman Sachs, JPMorgan, và Morgan Stanley ở New York, Singapore và London về làm việc cho họ.

Điều cũng đáng nói là chính sách hoạt động của công ty rất minh bạch, tự nguyện tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật ở những nơi, những nước nó có hoạt động kinh doanh. Nhân viên được tăng cường các khóa đào tạo về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo qua mạng và các quy chế hoạt động tuân thủ khác (compliance).

Xét về bản chất, hoạt động kinh doanh của công ty không khác gì các công ty kinh doanh hàng hóa khác như dầu mỏ, kim loại, chứng khoán và phái sinh, và các công ty tài chính cầm đồ, cho vay tiêu dùng tín chấp..., với khác biệt chỉ là loại tài sản được mang ra kinh doanh mà thôi. Chính vì vậy, nhân viên trong công ty này hay những đối thủ/đối tác không hiếm khi có xuất thân là các trader từ các công ty kinh doanh hàng hóa và công ty tài chính hay ngân hàng thương mại thông thường.

Nói lan man như vậy để cho thấy những nước nào đi đầu, hoan nghênh, chủ động và tích cực đón nhận những startup, những công ty kinh doanh tài sản ảo như Singapore thì sẽ gặt hái được nhiều lợi ích cho quốc gia. Lợi ích này không chỉ đến dưới dạng công ăn việc làm với thu nhập cao cho công dân và nguồn thuế và chi tiêu thu được từ công ty và nhân viên. Hơn thế, những nước đi đầu này còn xây dựng được thành công hình ảnh là một trung tâm tài chính cực kỳ sôi động, hiệu quả, và minh bạch, tuân thủ các quy chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của quốc tế, ngày càng trở thành thỏi nam châm hấp dẫn dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào đây.

Tất nhiên, không phải nước nào cũng có một cái nhìn xa, thoáng đạt và cởi mở về việc kinh doanh các tài sản ảo như Singapore. Trung Quốc (trừ Hồng Kông) và Việt Nam là một số trong đó. Nhưng đằng sau lập trường chính sách “nói không” với tài sản ảo, tiền mã hóa như của Việt Nam không hiếm khi là lý do đơn giản rằng nhà quản lý thực ra không hiểu rõ bản chất tài sản ảo, đánh đồng mọi loại tiền mã hóa (và rủi ro đi kèm) với “tiền” do mấy cái nền tảng tiền ảo lừa đảo nở rộ trong thời gian qua ở Việt Nam và nhiều nước.

Khi đã không hiểu rõ bản chất, lợi ích và rủi ro, lại phải đương đầu với hàng loạt vụ lừa đảo thì phản ứng chính sách thường thấy (và có thể hiểu được, thông cảm được) là... cấm luôn “cho nó lành”! Cũng bởi vậy mà cơ quan quản lý chức năng cho đến tận gần đây vẫn không công nhận các loại tiền mã hóa và cấm dùng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán.

Chỉ gần đây Chính phủ mới yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo. Bộ Tài chính cũng chỉ thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cách đây không lâu. Những điều này cho thấy thái độ và lập trường với tài sản ảo, tiền ảo của Việt Nam cho đến tận gần đây vẫn chủ yếu được hình thành trên cơ sở nghi ngại, lo lắng mà chưa thấy được xu hướng phát triển của chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới