Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng di cư gây áp lực lên địa phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làn sóng di cư gây áp lực lên địa phương

Thu Hiền

Người lao động nhập cư ở đô thị. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) - Trong vòng 10 năm qua, làn sóng di cư trong nước đã tăng lên rất nhanh. Tuy góp phần vào tăng trưởng kinh tế ở các địa phương nhưng lượng người nhập cư cũng gây áp lực không nhỏ lên đời sống kinh tế và xã hội.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu thạm dự hội thảo “Đại biểu dân cử các tỉnh phía Nam với chính sách pháp luật về di dân” do Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức vào cuối tuần.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói: “Dân nhập cư là một lực lượng lao động góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, đặc biệt là góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn và miền núi. Tuy nhiên, làn sóng di dân đang tạo nên một áp lực lên an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng tại các đô thị lớn”.

Sức ép từ di cư

Kết quả sơ bộ từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 mới công bố, cho thấy tốc độ di dân và nhập cư giữa các vùng kinh tế - xã hội của đất nước đã có những thay đổi lớn so với 10 năm trước đây.

Do tốc độ di dân và quá trình đô thị hóa, hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tới 43% dân số cả nước sinh sống. Số liệu cũng cho thấy, Đông Nam bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất với 3,2%/năm; Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ nhập cư rất cao, do vậy dân số đã tăng nhanh với tỷ lệ bình quân 2,3%/năm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban văn hóa-xã hội, HĐND TPHCM, cho biết làn sóng di cư khiến dân số tại các đô thị lớn tăng cơ học nhanh, tạo nên áp lực lớn lên hệ thống giao thông, nhà ở, điện nước, hệ thống y tế và giáo dục. Bên cạnh đó, cũng làm nảy sinh nhiều tệ nạn văn hóa và xã hội khác.

Ông Nguyễn Đức Thụ, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội của Văn phòng Quốc hội, cho biết đó chỉ là những tác động cơ học lên cuộc sống của đô thị, còn những tác động khác liên quan đến quyền lợi, đời sống tinh thần, sức khỏe của người lao động nhập cư và gia đình họ lại là những tác động khó nhìn thấy và có thể để lại hậu quả lâu dài về mặt xã hội.

Theo ông Thụ, lao động nhập cư là đối tượng ít được bảo vệ, tiền lương được trả không tương xứng với sức lao động. Những người này hầu như không được ký hợp đồng chính thức nên quyền lợi người lao động không được bảo vệ. Ngoài ra, họ khó được tiếp cận các dịch vụ nhà ở xã hội nên sống trong môi trường chật hẹp, ô nhiễm và không được chăm sóc sức khỏe tốt khi ốm đau vì không có bảo hiểm y tế.

Nên bỏ quản lý theo hộ khẩu

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn TPHCM, trong vòng hơn 5 năm (1999-2004), dân số thành phố tăng thêm khoảng 1,1 triệu người, bằng 10 năm trước đó (1989-1999). Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng ban văn hóa-xã hội, HĐND TPHCM, hiện nay người nhập cư từ các tỉnh khác đến chiếm 30,1% tổng số dân TPHCM. Tỷ lệ dân nông thôn nhập cư vào TPHCM chiếm đa số với khoảng 80%, trong đó có 31,46% đến từ đồng bằng sông Cửu Long và 17,7% đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Cũng theo ông Minh, người dân thành phố được chính quyền quản lý theo hộ khẩu. Đây là một công cụ để quản lý dân cư đô thị, tuy nhiên thực tế cho thấy một số địa bàn chỉ có 2.000 nhân khẩu nhưng có đến 30.000 người nhập cư.

Theo ông Nguyễn Quang Huấn, Vụ địa phương Văn phòng 2 Trung ương Đảng, di dân là xu thế tất yếu, vì vậy nên tiến tới việc bỏ hộ khẩu. Việc quản lý theo hộ khẩu đưa lại việc không công bằng trong quyền lợi giữa dân nhập cư và dân tại đô thị.

Để bảo đảm công bằng cho người lao động nhập cư, các đại biểu dân cử khuyến nghị nên đơn giản hóa thủ tục và tiến tới việc xóa hệ thống đăng ký hộ khẩu nhằm tạo quyền bình đẳng trong việc hưởng phúc lợi xã hội, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thêm vào đó, nên lồng ghép di cư vào các chương trình phát triển xóa đói giảm nghèo nhằm tăng hỗ trợ tài chính cho người di cư, tạo điều kiện cho người lao động di cư qua các chương trình bảo trợ xã hội và nâng cao khả năng có nơi ở ổn định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới