Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng đổi mới trong canh tác lúa gạo

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ Ấn Độ cho đến Việt Nam, một làn sóng đổi mới đang chuyển đổi hoạt động canh tác lúa gạo truyền thống ở châu Á theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững hơn.

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên và các cơn bão gây thiệt hại mùa màng ngày càng trầm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nông dân trồng lúa ở khu vực này sẵn sàng đón nhận các thực hành canh tác bền vững hơn bao giờ hết.

Thu hoạch lúa trong mô hình thí điểm 1 triệu héc ta lúa phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh

Đổi mới kỹ thuật canh tác để giảm phát thải khí nhà kính

Bằng cách kết hợp canh tác truyền thống với các công cụ số hóa tiên tiến, nông dân trồng lúa gạo ở châu Á đang nỗ lực khắc chế những thách thức khẩn cấp của biến đổi khí hậu.

Từ các đồng lúa rộng bao la ở Ấn Độ cho đến những ruộng lúa tươi tốt ở Việt Nam và Thái Lan, một cuộc cách mạng về kỹ thuật canh tác đang nhen nhóm khi nông dân đứng trước yêu cầu cấp bách là hạn chế khí thải methane, loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 28 lần so với khí carbon và cải thiện quản lý nguồn nước tưới tiêu.

“Những cải tiến trong canh tác lúa gạo không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào và giúp nông dân tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, tăng thu nhập", Jaime Adams, đồng lãnh đạo Phái bộ đổi mới nông nghiệp vì khí hậu (AIM4C) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát biểu bên lề Hội nghị lần thứ 29 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra từ ngày 11 đến 22-11 tại Baku, Azerbaijan.

Sự chuyển đổi này đặc biệt quan trọng ở khu vực châu Á, nơi sản xuất hơn 80% sản lượng gạo của thế giới, lương thực chính của một nửa dân số toàn cầu.

Tại COP29, AIM4C đã công bố báo cáo về nông nghiệp thông minh và đổi mới hệ thống thực phẩm. Báo cáo đưa ra một lộ trình nhân rộng các thực hành canh tác lúa gạo bền vững thông qua quan hệ đối tác chiến lược và đầu tư.

Bà Jaime Adams ghi nhận, hội nghị COP29 quy tụ đông đảo Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Khí hậu của các nước, đảm bảo các sáng kiến ​​như phương pháp sản xuất lúa bền vững nhận được sự quan tâm và hỗ trợ xứng đáng. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực và thúc đẩy quan hệ đối tác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp này.

Báo cáo của AIM4C ủng hộ việc tích hợp các sáng kiến ​​thông minh về khí hậu vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để khuyến khích áp dụng và đầu tư vào các công nghệ bền vững. NDC là kế hoạch hành động vì khí hậu của mỗi quốc gia đã cam kết trong Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015 nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Nông dân khắp khu vực ngày càng nhận ra nhu cầu cấp thiết về các giải pháp bền vững khi các đợt nắng nóng và các cơn bão diễn ra thường xuyên hơn, do biến đổi khí hậu, tàn phá các vùng trồng lúa ở mức độ trầm trọng hơn.

Năm ngoái, các gián đoạn nguồn cung liên quan đến khí hậu và chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ đã đẩy giá gạo lên mức cao nhất trong 15 năm. Tuy nhiên, lượng mưa dồi dào trong mùa mưa hiện tại đã thúc đẩy New Delhi dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo.

Bà Adams cho biết, các kỹ thuật như canh tác lúa phát thải thấp và “tưới ướt khô xen kẽ” theo giai đoạn phát triển của cây lúa ngày càng được nông dân châu Á sử dụng phổ biến. Trong khi đó, việc nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ đang cải thiện sức khỏe của đất.

Một ruộng lúa được rút nước để kìm hãm hoạt động của vi khuẩn tạo khí methane ở Philippines. Ảnh: Green Carbon

Mạng lưới đối tác toàn cầu thúc đẩy đầu tư nông nghiệp bền vững

Việc canh tác lúa thâm canh chiếm khoảng 8% khí thải nhà kính trong nông nghiệp. Vì vậy, nỗ lực giảm phát thải khí methane trở nên cấp bách hơn bao hết. Theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện các phương pháp canh tác thân thiện với khí hậu có thể làm tăng mức carbon trong đất, có thể theo dõi, xác minh và bán trên thị trường carbon tự nguyện, mang lại thêm thu nhập cho nông dân.

“Ở châu Á, nơi sản xuất lúa gạo góp phần đáng kể vào lượng khí thải methane, việc áp dụng các phương pháp này giúp giảm thiểu tác động của khí hậu đồng thời đảm bảo an ninh lương thực cho hàng triệu người”, bà Adams nói.

Ở châu Á, khi tầm quan trọng của nền nông nghiệp bền vững được nhận thức rõ hơn, nhiều công ty tư nhân đang tham gia hỗ trợ nông dân các kỹ thuật canh tác thân thiện với khí hậu.

Tại Việt Nam, Công ty cổ phần hóa nông AHA Agrochem đã giới thiệu sáng kiến Neorice, một quy trình canh tác gạo hữu cơ theo chuẩn của USDA, giúp giảm chi phí và phát thải khí nhà kính.

CEO Nguyễn Đăng Khoa của AHA Agrochem cho biết, quy trình canh tác Neorice giúp giảm đến 20% phân NPK, 50% lượng giống, 50% lượng phát thải, 80% chi phí phun xịt và 100% thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên cùng một diện tích trồng trọt. Dù có những nỗ lực để cải thiện nhưng hầu hết hoạt động trồng lúa vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hóa chất và các phương pháp truyền thống gây hại cho môi trường.

"Mục tiêu của chúng tôi với Neorice là thay đổi điều này bằng cách cung cấp một phương pháp hoàn toàn hữu cơ, ít phát thải, dễ dàng cho nông dân áp dụng và có thể mở rộng trên toàn khu vực”, ông Khoa nói và cho biết, chỉ có một tỷ lệ nhỏ canh tác lúa ở châu Á là thực sự bền vững.

Vị CEO của AHA Agrochem nhấn mạnh, kỹ thuật canh tác Neorice có tiềm năng đáp ứng nhu cầu lúa gạo toàn cầu trong khi vẫn mang lại năng suất tương đương hoặc thậm chí vượt trội so với các phương pháp truyền thống. Các tổ chức và chính phủ đang bắt đầu thấy được giá trị của các phương pháp canh tác bền vững.

Theo bà Adams, AIM4C đang xây dựng một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 800 đối tác, liên kết các chính phủ, viện nghiên cứu và các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân trong nỗ lực thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với khí hậu. Những mối quan hệ đối tác này đang thúc đẩy việc áp dụng các thực hành sản xuất lúa gạo bền vững bằng cách cung cấp vốn tài trợ, công nghệ và hỗ trợ chính sách.

Trong năm 2024, các đối tác trong mạng lưới của AIM4C cam kết đầu tư số tiền cao kỷ lục 29,2 tỉ đô la Mỹ cho nông nghiệp thông minh và thân thiện với khí hậu. Con số này bao gồm 16,7 tỉ đô la từ 56 chính phủ và 12,5 tỉ đô la từ các công ty tư nhân và đối tác phi chính phủ.

Tại COP29, có thêm 52 đối tác phi chính phủ và công ty tư nhân tham gia sáng kiến Innovation Sprint của AIM4C để cam kết tăng đầu tư vào nông nghiệp thông minh và bền vững. AHA Agrochem là một trong số đối tác mới này.

Bà Adams tin rằng, những đổi mới về canh tác lúa gạo được thảo luận tại COP29 sẽ chuyển thành tiến bộ có thể đo lường được trên thực tế.

Theo South China Morning Post

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới