Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng FDI giúp Trung Quốc thúc đẩy kinh tế và né thuế quan

Ngân Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong bối cảnh kinh tế giảm tốc và căng thẳng thương mại với phương Tây ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang ứng phó bằng cách đầu tư hàng tỉ đô la vào các nhà máy ở nước ngoài, đặc biệt là trong các ngành liên quan đến chuyển đổi năng lượng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là cách phản ứng của gã khổng lồ châu Á nhằm vượt qua bức tường hạn chế thương mại mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác dựng lên. Ảnh: AP

Cơn sóng thần đầu tư từ Trung Quốc

Theo Bộ Thương mại và Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, trong tám tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của nước này đạt 789,45 tỉ nhân dân tệ (khoảng 112,5 tỉ đô la Mỹ), tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong cả năm 2023, con số này đạt 1.040 tỉ nhân dân tệ, tăng 6% so với năm 2022.

Các nhà phân tích tại Climate Energy Finance (CEF), một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Sydney, cho biết thế giới đang ghi nhận “một cơn sóng thần” đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và điện khí hóa giao thông. Dựa trên các báo cáo tài chính, CEF tính toán rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã cam kết đầu tư 109,2 tỉ đô la vào 130 dự án công nghệ sạch ở các nước trên thế giới kể từ đầu năm 2023.

Oxford Economics, một công ty nghiên cứu kinh tế, cũng ghi nhận sự thay đổi cơ cấu trong dòng vốn FDI của Trung Quốc, với trọng tâm chuyển từ các nước phương Tây sang châu Á và tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

Còn theo một ước tính khác của fDi Intelligence, trong năm 2023, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 162,7 tỉ đô la ra nước ngoài, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận cách đây 20 năm.

Theo các chuyên gia của fDi Intelligence, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào các dự án liên quan đến lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, thiết bị gốc ô tô và hóa chất sẽ đạt đỉnh trong năm nay, với tổng giá trị 78,3 tỉ đô la. Lĩnh vực kim loại và khoáng sản cũng đã phá vỡ kỷ lục trong năm ngoái với giá trị khoảng 37,78 tỉ đô la.

fDi nhận định, Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo các nguồn tài nguyên quan trọng, do tầm quan trọng của các lĩnh vực này đối với sự phát triển của các công nghệ xe điện, quang điện, sản phẩm năng lượng gió và lưu trữ năng lượng.

Nỗ lực để vực dậy tăng trưởng kinh tế

Ông Alexander Brown, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), tin rằng việc mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài có liên quan chặt chẽ đến “vấn đề dư thừa công suất”, vốn đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ví dụ rõ nét nhất có thể kể đến lĩnh vực ô tô điện, hiện đang có tới 137 thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, theo ước tính của Công ty tư vấn AlixPartners, tính đến cuối thập niên này, sẽ chỉ có ít nhất 19 thương hiệu có lãi, trong khi số còn lại tiếp tục vật lộn với thua lỗ.

Bên cạnh đó, nhu cầu nội địa suy yếu càng khiến sức ép cạnh tranh tại Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn, buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường nước ngoài, nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực mới của Trung Quốc, bao gồm xe điện, pin và các sản phẩm quang điện đã tăng 30% trong năm 2023.

Ô tô điện là sản phẩm chủ lực của làn sóng mới này. BYD - công ty cạnh tranh với Tesla để giành danh hiệu nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, đang hoàn thiện một nhà máy ở Hungary. Công ty cũng đã xác nhận ý định xây dựng một nhà máy khác ở Mexico và dự định bắt đầu sản xuất ở Brazil vào cuối năm nay. Hãng xe điện trung Quốc cũng đã mở một nhà máy ở Uzbekistan vào tháng 6 và một nhà máy khác ở Thái Lan vào năm 2024, trước khi công bố một dự án tại Indonesia vào tháng 7.

Chery - một hãng xe Trung Quốc khác đã bắt đầu hoạt động tại nhà máy cũ của Nissan ở Barcelona (Tây Ban Nha), và cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Mexico. Công ty sẽ xây dựng và vận hành một nhà máy tại Việt Nam vào năm 2026.

Chiến lược né thuế quan và rào cản thương mại

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là cách phản ứng của gã khổng lồ châu Á nhằm vượt qua bức tường hạn chế thương mại mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác dựng lên. Các quốc gia này ngày càng lo ngại về lượng hàng xuất khẩu khổng lồ và được trợ cấp mạnh mẽ từ Chính phủ Trung Quốc.

EU đã bỏ phiếu thông qua việc áp thuế nhập khẩu lên tới 45% đối với xe điện Trung Quốc, trong khi Mỹ và Canada cũng đưa ra những động thái tương tự. Không chỉ các nước phương Tây, kể từ năm 2023, Mexico, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã áp đặt thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Theo Global Trade Alert, rào cản thương mại đang dần xuất hiện nhiều hơn, với hơn 27.000 biện pháp can thiệp đã được phê duyệt kể từ năm 2019.

Trong bối cảnh đó, sự hấp dẫn của các dự án đầu tư ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc sẽ là công cụ để Bắc Kinh đàm phán giảm thuế quan, đồng thời cũng là vũ khí thâm nhập địa chính trị quan trọng, giúp định hình lại các mối quan hệ.

EU hiện được coi là một trong những sân chơi quan trọng hơn cả. Trung Quốc muốn có mặt tại một trong những thị trường lớn nhất hành tinh và đang bắt đầu đẩy mạnh đầu tư trở lại. Một số nhà phân tích khác không tin rằng việc thành lập các nhà máy của Trung Quốc ở châu Âu sẽ khiến cơn bão qua đi. Ông Mrugank Bhusari, Trợ lý giám đốc Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định mặc dù các dự án đầu tư có thể làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thất nghiệp và mang lại cho các sản phẩm nhãn hiệu “Made in EU”, hàng hóa vẫn sẽ dẫn tới sự bão hòa thị trường nội địa, trong khi lợi nhuận sẽ được chuyển về Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang mở rộng chuỗi cung ứng tại Mexico - nước láng giềng của Mỹ.

“Họ đang xây dựng các nhà máy ô tô lớn ở Mexico. Nhiều dự án thuộc sở hữu của Trung Quốc”, ông Donald Trump cảnh báo. “Họ đang xây dựng những nhà máy khổng lồ này và họ nghĩ rằng có thể bán ô tô của mình vào thị trường Mỹ”.

Nguồn: El Pais, Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới