(KTSG Online) - Tự tin hơn khi quyền bảo hộ được thực thi trên sân nhà, trong năm ngoái doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện số vụ kiện liên quan bản quyền tăng hơn ba lần con số của năm 2016. Các điều khoản về luật sở hữu trí tuệ ngày càng chặt hơn và số tiền bồi thường ngày càng lớn đã “mở đập xả lũ” cho các vụ kiện tụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.

Bị đẩy vào thế bị đơn
Xu hướng này đã buộc các công ty Nhật Bản, chẳng hạn, điều chỉnh các chiến lược về quyền sở hữu trí tuệ (IP) tại Trung Quốc. Vốn thường tập trung vào các vụ vi phạm bản quyền có liên quan đến đối tác địa phương, nay các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển sang việc phòng bị tốt hơn trước nguy cơ bị các đối thủ Trung Quốc đưa ra tòa.
Ryohin Keikaku, công ty có trụ sở ở Tokyo đang điều hành chuỗi cửa hàng đồ gia dụng Muji, đã từng vướng vào các tranh tụng pháp lý về bản quyền.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cẩn thận”, theo ông Kenko Kikuchi, trưởng bộ phận pháp lý và bản quyền của Ryohin Keikaku. Hồi tháng 7 rồi, công ty này đã thắng trong vụ kiện về nhãn hiệu mà nguyên đơn là hãng may mặc Beijing Cottonfield Textile. Cuộc chiến pháp lý kéo dài hai năm rưỡi khiến công ty Nhật mệt nhoài.

Nhưng Ryohin Keikaku vẫn còn trong mớ bùng nhùng của hơn 10 vụ tranh chấp với các công ty Trung Quốc về thương hiệu Mujirushi Ryohin - có nghĩa là “không nhãn, nhưng là hàng tốt” – được viết bằng chữ Hán trên một số sản phẩm dệt may của hãng, bao gồm tấm trải giường và khăn. Sẽ không sớm kết thúc chuyện công ty phải dừng phòng vệ trong cuộc chiến bảo vệ thương hiệu của mình tại Trung Quốc.
Ryohin Keikaku chỉ là một cái tên trong danh sách dài các doanh nghiệp nước ngoài bị bầm dập trong các vụ kiện bản quyền tại Trung Quốc. Gã khổng lồ Apple từng bị một công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cáo buộc là xâm phạm bằng sáng chế công nghệ nhận diện giọng nói Siri được cài đặt trên iPhone.
“Thông thường, trước đây bên bị trong các vụ kiện xâm phạm bản quyền phần lớn là các công ty Trung Quốc. Nhưng gió đã đổi chiều. Các doanh nghiệp quốc tế giờ trở thành bên bị. Chúng tôi nhận được nhiều hơn các đề nghị tư vấn pháp lý của các công ty Nhật đang làm ăn ở đây”, luật sư Yoshifumi Onodera nói với Nikkei Asia.
Số vụ kiện bản quyền ở Trung Quốc đang gia tăng. Có đến 28.528 vụ vi phạm bản quyền trong các lĩnh vực như bằng sáng chế, mẫu hữu ích (utility model), bản thiết kế được đưa ra xử ở các tòa sơ thẩm khắp Trung Quốc trong năm 2020, tăng 28% so với năm trước đó. Các vụ kiện bản quyền tác giả và nhãn hiệu cũng tăng mạnh.
Làn sóng kiện tụng bản quyền gia tăng
Có hai yếu tố khiến làn sóng kiện tụng dâng cao.
Một là số phát minh hay tác quyền do các công ty Trung Quốc sở hữu đang gia tăng. Nhưng Trung Quốc từng có tiếng xấu là đất lành cho các sản phẩm nhái hay cóp nhặt của các nước khác. Nguồn cung hàng nhái về lý thuyết đã biến mất tại thị trường khổng lồ này, nhưng các công ty Trung Quốc giờ đang sử dụng vũ khí mới là các luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2020 là năm thứ hai Trung Quốc đứng đầu thế giới về số bằng sáng chế quốc tế, với 68.720 bằng được cấp. Các công ty Trung Quốc có xu hướng công nghệ đang xem luật bản quyền là yếu tố chính trong chiến lược kinh doanh của họ.
Hai là, các luật định về IP được củng cố. Chính phủ Trung Quốc đã chỉnh sửa các luật về nhãn quyền, bằng sáng chế và tác quyền trong năm 2019-2020. Các sửa đổi này đã cho phép các tòa nâng số tiền phạt hay bồi thường lên mức cao nhất. Luật mới đã đưa ra mức bồi thường trừng phạt, bên cạnh các thiệt hại thực tế trong một số trường hợp cụ thể. Trong các vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng theo phán quyết của tòa, khoản trừng phạt có thể cao hơn 5 lần mức thiệt hại thực tế.
Luật sửa đổi về bằng sáng chế đã giảm gánh nặng chứng cớ cho nguyên đơn. Luật sư Makoto Endo nói rằng điều này cũng là động cơ cho vụ kiện vi phạm bản quyền. Nói dễ hiểu hơn là các công ty Trung Quốc sẵn sàng kiện các doanh nghiệp nước ngoài vi phạm bản quyền hơn bao giờ hết.
Xu hướng này có ý nghĩa quan trọng trong hai lĩnh vực công nghệ mới – kỹ thuật 5G và trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích sáng tạo trong hai lĩnh vực như là thế mạnh cạnh tranh phát triển quốc gia. Hiện nhiều công ty Trung Quốc có công nghệ 5G và AI vượt xa các nước. Luật sư Onodera dự báo số vụ công ty nước ngoài bị kiện trong hai lĩnh vực này sẽ gia tăng.
Gia tăng thực hành phòng thủ pháp lý
“Các công ty Nhật có xu hướng chậm chạp trong việc củng cổ hàng rào pháp lý bảo vệ họ trước nguy cơ tiềm năng của các vụ kiện”, nữ luật sư đăng ký tại Mỹ, Rieko Michishita đang làm việc tại Trung Quốc phát biểu. Dù có kinh nghiệm đưa các công ty Trung Quốc ra tòa đi nữa, nhiều doanh nghiệp Nhật lại lơ ngơ và không biết tự phòng vệ thế nào khi bị các công ty địa phương mang ra tòa.
Khi là nguyên đơn, họ có thể chủ động thu thập bằng chứng và phát triển chiến lược trong các cuộc chiến pháp lý với tốc độ thích hợp. Khi bị đẩy vào ghế bị đơn, tuy vậy, họ cần phải phản ứng nhanh. Các công ty Nhật lại thường không giỏi làm việc này.
Trong nhiều trường hợp, trụ sở chính từ Nhật Bản lại không ủy quyền hay cho phép chi nhánh tại Trung Quốc đủ quyền hạn bật lại. Mất thời gian để tham khảo ý kiến của trụ sở chính, những công ty này thường thất thế.
“Không hiếm các trường hợp các công ty Nhật lúng túng bất ngờ khi bị kiện ở Trung Quốc và không có các phản ứng pháp lý thích hợp”, luật sư Michishita nói.
Trong trường hợp như thế, công ty Nhật lại khờ dại khi tìm đến một quan chức hoặc doanh nhân có tiếng nói ở địa phương để giúp họ.
Ít nhất, các công ty phải chuẩn bị các mô phỏng và phát triển các cẩm nang để đối phó các vụ như thế - bà Michishita khuyến cáo. Việc tìm hiểu luật Trung Quốc rất quan trọng. Hội sở trung ương tại Nhật Bản và chi nhánh ở Trung Quốc cần hợp sức để phân bổ thời gian hợp lý nhằm đối phó nguyên đơn.
Một hãng sản xuất lớn ở Nhật Bản không có kinh nghiệm tụng đình ở Trung Quốc đã khởi kiện nhiều vụ vi phạm bằng sáng chế của các đối thủ Trung Quốc. Hành động này ban đầu chỉ như là “bước học hỏi” để chuẩn bị tốt hơn cho các vụ bị kiện trong tương lai. Nhờ việc phối hợp chặt chẽ với các luật sư địa phương nổi tiếng trong các vụ kiện IP, hãng này đặt mục tiêu là làm quen với tiến trình pháp lý của nước sở tại và cách phản ứng nhanh trước các đối thủ Trung Quốc.
Xã hội Trung Quốc đang có xu hướng kiện tụng nhiều hơn trước khi các vụ kiện liên quan đến mảng sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nước ngoài dễ trở thành mục tiêu, bởi nguyên đơn tham lam biết rằng doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng nhượng bộ hoặc theo đuổi các dàn xếp tài chính để tránh các tranh chấp leo thang ở thị trường lạ.