Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng M&A tiếp tục bùng nổ ở Nhật Bản

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp đang bùng nổ ở Nhật Bản. Làn sóng M&A xuất hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán thăng hoa, chính phủ và nhà đầu tư gây áp lực buộc doanh nghiệp cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.

Các chủ tịch của Lawson, KDDI và Mitsubishi Corp. công bố kế hoạch tư nhân hóa chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson hôm 6-2. Ảnh: Nikkei Asia

Nhiều thỏa thuận tỉ đô trong đầu năm 2024

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, khối lượng các thương vụ M&A liên quan đến Nhật Bản tăng 43% từ đầu năm đến nay, lên 67,4 tỉ đô la Mỹ, tăng với tốc độ tương tự so với quí cuối cùng của năm 2023.

Ngược lại, khối lượng M&A ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập niên. Tính đến hôm qua (22-2), Nhật Bản chiếm đến hơn 30% khối lượng M&A ở khu vực này.

“Đây có thể là một năm mà chúng ta sẽ nhớ đến như là năm bình minh của kỷ nguyên M&A ở Nhật Bản”, Akira Kiyota, người đứng đầu bộ phận M& toàn cầu của đơn vị môi giới chính thuộc ngân hàng Nomura nói.

Các thương vụ M&A nổi bật trong hai tháng đầu năm nay có cả các giao dịch thâu tóm ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản, bất chấp đồng yen suy yếu về mức 150 yên ăn 1 đô la, khiến chi phí cho các hoạt động này tốn kém hơn.

Hôm 15-2, hãng chip Renesas Electronics, có trụ sở ở Tokyo, thông báo về việc đã thỏa thuận mua lại hãng phần mềm Altium của Úc với giá 9,1 tỉ đô la Úc (6 tỉ đô la Mỹ). Đây là thương vụ mua lại một công ty niêm yết ở Úc lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Nhật Bản. Hồi tháng 1, Công ty xây dựng nhà Sekisui House cũng đã mở rộng hoạt động tại Mỹ bằng cách thâu tóm Công ty xây dựng MDC của Mỹ với giá 4,9 tỉ đô la. trong một thỏa thuận thông báo hồi tháng 1.

“Đồng yen yếu không có nghĩa doanh nghiệp Nhật Bản dừng giao dịch thâu tóm ở nước ngoài. Thay vào đó, các ưu tiên tăng trưởng chiến lược đang thúc hoạt động này”, Jeff Acton, đối tác của công ty cố vấn ngân hàng đầu tư BDA Partners ở Tokyo nói.

Theo Acton, các hoạt động thoái vốn cổ phần tư nhân, thoái vốn doanh nghiệp, hoạt động thôn tín hội đồng quản trị (một nhóm từ ban quản lý/ban giám đốc mua lại doanh nghiệp từ các chủ sở hữu) và thâu tóm ở nước ngoài sẽ thúc đẩy hoạt động M&A ở Nhật Bản trong năm nay.

Thúc đẩy hoạt động của các ngân hàng đầu tư

Cơn bùng nổ M&A đã lan tỏa tác động sang các thị trường khác. Sự trỗi dậy của nền kinh tế Nhật Bản sau tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập niên đã hâm nóng hoạt động giao dịch trên thị trường trái phiếu, thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng các nhà giao dịch và môi giới. Thị trường chứng khoán của Nhật Bản cũng đang thăng hoa, khiến các nhà phân tích chứng khoán bận rộn viết báo cáo và chào hàng với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hôm 22-2, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản đã vượt qua điểm số kỷ lục được thiết lập vào năm 1989 trước khi bong bóng bất động sản bùng vỡ, mở ra kỷ nguyên tăng trưởng trì trệ.

“Đội ngũ bán hàng đã đưa ra lịch trình làm việc của tôi. Lịch trình được lấp kín rất nhanh chóng. Tôi chưa bao giờ nổi tiếng hơn thế”, Bruce Kirk, giám đốc chiến lược cổ phần Nhật Bản của ngân hàng Goldman Sachs nói.

Kiyota của Nomura dự báo, các công ty Nhật Bản có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch quy mô lớn trong năm nay. Trong đó, có các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp ở nước ngoài và thâu tóm cổ phần để hủy niêm yết cổ phiếu, chuyển thành công ty tư nhân cùng với việc thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh không cốt lõi và các công ty con.

Do đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (chuyên tư vấn M&A) đang ngày càng gay gắt trong ngành tài chính của Tokyo.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các giao dịch M&A liên quan đến Nhật Bản chiếm 22% tổng khối lượng giao dịch M& của châu Á trong năm 2023, đánh dấu tỷ lệ cao nhất trong 4 năm. Một trong những thương vụ lớn nhất ở Nhật Bản hồi năm ngoái là Tập đoàn Toshiba được tư nhân hóa hồi tháng 9 bằng thương vụ thâu tóm trị giá 2 nghìn tỉ yen (13,3 tỉ đô la) do một nhóm nhà đầu tư trong nước thực hiện.

Tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn thép Nippon Steel (Nhật Bản) cũng công bố kế hoạch thâu tóm US Steel (Mỹ) với giá 14,1 tỉ đô la để tạo ra công ty thép lớn thứ hai thế giới.

“Trong vài năm tới, Nhật Bản có thể vẫn là nước mang lại doanh phí lớn nhất cho các ngân hàng đầu tư hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản sẽ là nơi chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hoạt động M&A hơn các thị trường khác”, Peter Guenthardt, người đứng đầu của bộ phận ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp toàn cầu Châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng. Bank of America Corp., nói.

Doanh nghiệp cởi mở hơn với giao dịch M&A

Áp lực từ chính phủ Nhật Bản và các nhà đầu tư cũng đang thúc đẩy hoạt động M&A. Các công ty bảo hiểm nhân thọ và quản lý tài sản ở Nhật Bản đang cùng các cổ đông kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản cải cách quản trị.

Theo Yoshihiko Yano, người đứng đầu bộ phận M&A của Goldman Sachs ở Tokyo, điều này sẽ khiến doanh nghiệp cởi mở hơn với các giao dịch M&A. Các nhà đầu tư ngày càng chủ động hơn trong việc phản đối việc tái bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị tại đại hội cổ đông nếu họ không thích chiến lược của công ty.

“Vẫn có một số thành viên hội đồng quản trị của các doanh nghiệp ở Nhật Bản không cảm thấy có nhiều trách nhiệm khi giá cổ phiếu của doan nghiệp giảm" Yano nói và cho rằng, nếu tỷ lệ cổ đông ủng hộ rớt xuống dưới 80%, trái ngược với mức 90% hoặc cao hơn vốn từng là tiêu chuẩn ở Nhật Bản thì những người này sẽ không thể coi đó là vấn đề của người khác.

Atsushi Tatsuguchi, Tổng giám đốc nhóm cố vấn M&A của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, dự đoán nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hủy niêm yết trong năm để các nhà quản lý có thể dễ dàng thực hiện hoạt động cải cách hơn.

Chẳng hạn, hồi đầu tháng 2, hãng viễn thông KDDI và tập đoàn thương mại Mitsubishi Corp. thống nhất mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson để đưa công ty này thành trong một thỏa thuận trị giá 496,5 tỉ yen. Thương vụ này nhằm đẩy nhanh nỗ lực số hóa hoạt động kinh doanh của Lawson.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang chịu áp lực phải cởi mở hơn trong việc chấp nhận các đề nghị thâu tóm từ nước ngoài, sau khi chính phủ công bố hướng dẫn M&A hồi năm ngoái, kêu gọi doanh nghiệp đưa ra “sự cân nhắc chân thành” khi nhận được đề xuất từ những người mua tiềm năng.

“Chúng tôi đang nhận được ngày càng sự quan tâm của các công ty toàn cầu khi doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu xem xét thực tế hơn về các đê xuất thâu tóm. Ngay cả những doanh nghiệp trước đây từ chối tất cả các lời chào mua mà không đưa ra bất kỳ lý do rõ ràng nào nhưng nay buộc phải xem xét đề nghị cách nghiêm túc”, Kiyota của Nomura nói.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới