(KTSG Online) – Ngành công nghệ khổng lồ của Trung Quốc có thể đang trải qua cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất trong lịch sử với hàng loạt “ông lớn” trong ngành này đang mạnh tay cắt giảm nhân sự với quy mô chưa từng có. Các tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent... đã cắt giảm ít nhất 10% nhân lực công nghệ.
Làn sóng sa thải việc làm trong ngành công nghệ diễn ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn ứng phó một loạt thách thức, bao gồm số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, thị trường nhà đất suy thoái và và các căng thẳng địa chính trị leo thang.
Những thách thức này đặt ra mối lo nghiêm trọng đối với chính phủ Trung Quốc khi Bắc Kinh ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế và xã hội trong năm nay với việc ông Tập Cận Bình dự kiến được phê chuẩn nhiệm kỳ Tổng bí thư 5 năm lần thứ 3 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu 2022.
Nhân viên công nghệ bị sa thải hàng loạt
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ từ lâu là nguồn tạo việc làm lương cao ở Trung Quốc nhưng các “ông lớn” trong ngành này giờ đây đang tinh giản lực lượng nhân sự ở quy mô chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục chiến dịch chấn chỉnh các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.
Chính phủ Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp tổng thể của đất nước vẫn ổn định, dao động trong khoảng 5% đến 5,5% trong những tháng gần đây. Trung Quốc không có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ thất nghiệp trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy rằng việc làm đang bị sa thải rộng rãi trên toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Theo Lagou, một trong những website tuyển dụng việc làm công nghệ lớn nhất Trung Quốc, có đến 2,76 triệu nhân viên công nghệ hiển thị tình trạng việc làm của họ trên nền tảng này là “đã nghỉ việc” trong tháng 3. Con số đó cao hơn 260.000 so với tháng 12 và cao hơn 60.000 so với cùng kỳ năm ngoái.
Lagou cho biết thêm hầu hết các trường hợp mất việc tập trung ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thượng Hải.
Theo kết quả cuộc khảo sát của Tongdao Liepin, một website tuyển dụng khác, 57% số công ty Trung Quốc được khảo sát trong tháng 1-2022 cho biết đã sa thải 10-50% lực lượng nhân sự của họ vào năm ngoái. Làn sóng sa thải tập trung ở lĩnh vực giáo dục, bất động sản và các ngành liên quan đến internet.
Các phát biểu của các quan chức cấp cao Trung Quốc trong những tháng gần đây cũng cho thấy Bắc Kinh đang xem thất nghiệp là một vấn đề đáng lo ngại.
Bức tranh thị trường việc làm càng phức tạp hơn khi năm nay Trung Quốc chứng kiến số sinh viên tốt nghiệp cao kỷ lục, với khoảng 10,76 triệu người gia nhập thị trường việc làm. Nhiều người trong số họ thường chọn làm việc trong ngành công nghệ, vốn từ lâu được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm mới, đặc biệt là đối với lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn cao.
Ngành này đóng vai trò quan trọng đối với sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của chính phủ, mức lương của ngành công nghệ cao hơn mức lương trung bình của cả nước khoảng 80%.
Chính phủ Trung Quốc cho biết nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước bao gồm công nghệ thông tin, viễn thông và internet, sử dụng gần 200 triệu người. Con số này đã tính đến cả nhân sự làm việc toàn thời gian lẫn làm việc tự do, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động của cả nước.
Dù các “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc không công khai nói về việc cắt giảm việc làm, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước gần đây đã đưa tin về kế hoạch sa thải nhân viên của họ với quy mô lớn
Đầu tháng này, Reuters đưa tin Tập đoàn công nghệ Alibaba và Tập đoàn đầu tư và internet Tencent đang chuẩn bị cắt giảm tổng cộng hàng chục nghìn việc làm. Alibaba có thể cắt giảm hơn 15% tổng lực lượng lao động trong năm nay, tương đương khoảng 39.000 người, trong khi đó, Tencent có ý định sa thải từ 10-15% nhân viên ở một số bộ phận chủ chốt.
Một nguồn thạo tin tiết lộ hãng thương mại điện tử JD.com cũng đang lên kế hoạch sa thải khoảng 10-15% tổng lực lượng nhân sự ở mảng kinh doanh mua chung theo nhóm Jingxi
Trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, các dòng hashtag như “Tencent sa thải nhân viên”, “JD sa thải nhân viên” đã trở thành xu hướng nổi bật kể từ tuần trước, thu hút hơn 1 tỉ lượt xem cho đến nay.
“Nếu Alibaba và Tencent cắt giảm biên chế 10-15%, chúng tôi có thể khá chắc chắn rằng nhiều nền tảng internet khác liên quan đến lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc cũng đang ở trong tình thế phải cắt giảm chi phí nhân sự tương tự”, George Magnus, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford và Trường Nghiên cứu châu Phi và phương Đông thuộc Đại học London, nhận định.
“Nỗi đau” tự chuốc lấy
Magnus cho rằng nền kinh tế liên quan đến công nghệ là "một trong những lĩnh vực chứng kiến việc làm tăng trưởng nhanh trong nhiều năm” ở Trung Quốc, vì vậy, ngay cả khi chỉ cắt giảm 5%, điều đó cũng là đòn giáng mạnh đối với lĩnh vực này cũng như ưu tiên hàng đầu của chính phủ là tạo việc làm.
Thị trường việc làm của Trung Quốc chứng kiến bước ngoặt lớn từ khi Bắc Kinh bắt đầu triển khai chiến dịch chấn chỉnh chưa có tiền lệ để kiểm soát những tập đoàn internet và công nghệ khổng lồ vào tháng 11 năm 2020, bắt đầu bằng đình chỉ thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) bom tấn của Tập đoàn tài chính Ant Group, công ty liên kết của Alibaba. Trong 18 tháng sau đó, giới chức trách Trung Quốc lần lượt chuyển mục tiêu chấn chỉnh từ ngành công nghệ và tài chính sang ngành game, giải trí và giáo dục tư nhân.
Trong quí cuối cùng của năm ngoái, Alibaba, Tencent và nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đều báo cáo mức tăng trưởng doanh số bán hàng chậm nhất trong lịch sử của họ với tư cách là công ty đại chúng. Giá cổ phiếu của những công ty này đã giảm một nửa, thổi bay tổng cộng 1,2 ngàn tỉ đô la vốn hóa thị trường của họ.
Sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm, các công ty này cho biết họ sẽ chấp nhận điều bình thường mới là tăng trưởng chậm hơn và tìm cách giảm chi phí hoạt động.
New Oriental Education, công ty dạy kèm tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã sa thải 60.000 nhân viên vào năm ngoái khi Bắc Kinh tiến hành chấn chỉnh ngành này.
Doug Guthrie, Giám đốc điều hành Sáng kiến Trung Quốc tại Trường Quản lý toàn cầu Thunderbird thuộc Đại học bang Arizona (Mỹ), nhận định tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực công nghệ là do Trung Quốc "tự gây ra".
Ông cho biết thêm quan điểm chấn chỉnh quyết liệt của ông Tập đối với ngành công nghệ nhắc nhở rằng “dù họ có thể là các công ty toàn cầu, họ phải phục vụ đất nước trong việc giúp nâng cao sự thịnh vượng của toàn xã hội”.
Đối mặt thách thức lớn
Các nhà quản lý Trung Quốc đã đổ lỗi doanh nghiệp tư nhân làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo trong nước và gây ra các vấn đề kinh tế xã hội có thể làm mất ổn định xã hội. Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết mạnh mẽ rằng sẽ tái phân phối của cải trong xã hội để tạo ra sự thịnh vượng chung. Tuy nhiên, giờ đây, Bắc Kinh đang đối mặt với “cơn đau kinh tế lớn”.
"Cơn biến động trong lĩnh vực công nghệ thực sự sẽ là một thách thức đáng kể đối với Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông ấy tìm kiếm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba. Để bảo đảm sự ổn định, ông Tập đã thúc đẩy nhiều nghị trình chính sách đầy tham vọng, nhưng nếu tăng trưởng kinh tế chững lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, phản ứng chống đối sẽ nhanh chóng xuất hiện”, Guthrie nói.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại khi giá hàng hóa tăng cao hơn do chiến sự tại Ukraine và việc nước này tiếp tục ứng phó các đợt bùng phát Covid-19 mới bằng chính sách Zero Covid. Đầu tháng 3, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 ở mức khoảng 5,5%, thấp nhất trong ba thập niên.
Chính phủ của ông Tập đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, theo nhận định của nhà nghiên cứu George Magnus.
Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát doanh nghiệp tư nhân là nhằm bảo vệ nền kinh tế và người dân đất nước khỏi sự bất ổn. Nhưng cuộc chấn chỉnh kéo dài 18 tháng qua đã gây rúng động cho giới đầu tư toàn cầu và làm dấy lên các lo ngại về triển vọng sáng tạo và tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Magnus nói: “Giới chức trách Trung Quốc khao khát sự ổn định kinh tế và ưu tiên tăng trưởng việc làm, nhưng các chính sách của họ đang dẫn đến những kết cục mà họ muốn tránh”.
Các chuyên gia cũng đang so sánh tình trạng mất việc làm hiện nay với cuộc khủng hoảng thất nghiệp mà Trung Quốc đã trải qua nhiều thập niên trước, đầu tiên là vào những năm của thập niên 1990 và sau đó là vào năm 2008.
Trong những năm 1990, hàng chục triệu việc làm bị xóa sổ khi Bắc Kinh tái cơ cấu mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh và kém hiệu quả với việc tư nhân hóa hoặc đóng cửa các doanh nghiệp này. Một thập niên sau đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hàng triệu công nhân trong ngành sản xuất bị mất việc làm do xuất khẩu sụp đổ và các nhà máy đóng cửa.
Việc làm của Trung Quốc tăng trưởng trở lại sau những cuộc khủng hoảng đó, nhưng các chuyên gia cho rằng lần này nỗi đau có thể còn kéo dài.
Magnus nhận định tình trạng mất việc làm hiện nay có thể trở nên tồi tệ hơn khi lĩnh vực công nghệ đang suy sụp cùng lúc với thị trường bất động sản và các lĩnh vực liên quan, vốn chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.
Bắc Kinh gần đây phát tín hiệu rằng có thể sớm dừng chấn chỉnh khu vực tư nhân. Đầu tháng này, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập, đã thúc giục các cơ quan quản lý "hoàn thành" cuộc chấn chỉnh đối với các nền tảng internet lớn của Trung Quốc trong thời gian "sớm nhất có thể”. Các chuyên gia lo ngại rằng có thể đã quá muộn.
Martin Chorzempa, học giả cấp cao tại Viện Kinh tế quuốc tế Peterson (Mỹ), nhận đinh các biện pháp siết chặt quản lý đối với doanh nghiệp tư nhân sẽ giảm nhưng sẽ chưa kết thúc sớm.
Ông nói: “Sẽ rất hữu ích khi có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn có một môi trường dễ dự đoán hơn, nhưng nhiều bánh răng của bộ máy hành chính quan liêu vẫn đang hoạt động và không thể dừng ngay được”.
Theo CNN