Làng lưỡi câu Mỹ Hòa
![]() |
Bà Bùi Thị Hường, 57 tuổi, đã mười năm chuyên dập đít lưỡi câu. Mỗi ngày bà làm được 10.000 cái, tiền công được 10.000 đồng. Ảnh: PSL |
(TBKTSG Online) - Hàng năm, trước khi mùa nước nổi bắt đầu, khoảng 100 hộ ở làng Mỹ Hòa thuộc ấp Kinh B, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang lại rộn ràng vào mùa làm lưỡi câu.
Từ ông già bà cả đến đám trẻ con đều có phần việc trong “dây chuyền” sản xuất lưỡi câu để bạn hàng khắp nơi đến bổ hàng. Chiếc lưỡi câu nhỏ xíu nhưng cũng phải qua khá nhiều công đoạn phức tạp. Nguyên liệu để làm lưỡi câu là thép. Trước kia, người ta sử dụng thép từ những sợi cáp phế thải. Nay, người ta dùng cả inox . Mỗi ngày, vào thời vụ, làng cần tới hơn 2 tấn nguyên liệu.
Để làm một chiếc lưỡi câu, đầu tiên là cho máy cán thẳng dây thép từ những cuộn lớn, chặt khúc đúng cỡ, dập ngạnh, mài lưỡi, sửa mũi, vô khuôn, uốn lưỡi, cắt 2 ngạnh, dập đít, trui, xóc bóng rồi đóng gói (20 - 100 chiếc/bọc).
Dù phần lớn công việc được làm bằng máy, nhưng có một thứ không thể thay thế khi mài chỉnh lưỡi câu là cái đe gỗ. Đe gỗ được làm bằng cây căm xe, đường kính khoảng 30cm. Trên đe, người ta xẻ nhiều đường tương ứng với từng cỡ lưỡi câu để mài giũa chỉnh mũi. Theo dân trong nghề, kỹ thuật làm lưỡi câu gói gọn trong câu “đo miệng cá mà uốn lưỡi”.
Làng nghề Mỹ Hòa sản xuất 50 chủng loại lưỡi câu. Từ lưỡi câu cá ngừ bò, cá ngát, cá đuối (câu kiều) cho đến lưỡi câu tôm, câu rắn, câu ếch… đáp ứng nhu cầu của đủ mọi nghề đi câu. Mỗi năm, làng nghề này sản xuất khoảng 200 - 250 tấn lưỡi câu.
Từ quy mô làm ăn nhỏ khi khởi nghiệp khoảng 60 năm trước lưỡi câu Mỹ Hòa chỉ bán lòng vòng trong tỉnh, đến nay, lưỡi câu Mỹ Hòa tỏa ra khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ra tới Đà Nẵng. Tiếng tăm làng nghề ngày một lan rộng, những chiếc lưỡi câu nhỏ bé ấy đã được xuất sang Campuchia và Lào.
![]() |
Từ ông già bà cả đến đám trẻ con đều có phần việc trong “dây chuyền” sản xuất lưỡi câu. Ảnh: PSL |
Chuyện làm ăn nghe “phát đạt” là vậy, nhưng người lao động nghề này vẫn phải sống trong cảnh “qua ngày đoạn tháng”. Ông Nguyễn Văn Năm, 62 tuổi, đã có thâm niên nghề chừng 40 năm, công việc của ông là chặt lưỡi câu bằng cây dộng thép ra thành lưỡi; mỗi ngày ông làm khoảng 10.000 cái với số tiền công khoảng 8.000 đến 9.000 đồng một ngày. Ông cười như tự an ủi: “Già rồi làm bậy bạ kiếm tiền cà phê cho vui”.
Bà Bùi Thị Hường, 57 tuổi, đã mười năm chuyên dập đít lưỡi câu để có lỗ xỏ nhợ. Mỗi ngày bà làm được 10.000 cái, tiền công được 10.000 đồng. Những người thợ trẻ tuổi, khéo tay thì mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Ở khâu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, người thợ được trả công mỗi ngày hơn 60.000 đồng.
Nhìn chung, tất cả những ông già bà cả, trẻ con xóm này đều làm gia công cho chủ để kiếm sống trong thời gian nhàn rỗi. Mọi dụng cụ, máy móc đều do nhà chủ lo, người làm ăn công chỉ việc lấy sức lao động và kỹ năng để hoàn thành phần việc của mình.
Anh Phan Trung Hòa tâm sự: “Hồi xưa, ông già tui làm lưỡi câu bằng tay nên vất vả trăm bề. Còn bây giờ, nhờ có máy móc cũng đỡ bớt nặng nhọc tay chân”. Anh Hòa đã tự lập xưởng lưỡi câu Thuận Phát, trung bình mỗi ngày sản suất trên 100.000 lưỡi câu.
Ông Tám Phước, 53 tuổi, cũng nối nghiệp cha làm nghề này. Cơ sở mang tên ông phân nửa là người nhà, phần còn lại thuê mướn nhân công hoặc thuê làm gia công. Ông cho biết, hiện nay Mỹ Hòa đã có khoảng 100 cỡ lưỡi câu nhằm đáp ứng đúng nhu cầu đa dạng của thị trường. Lưỡi câu cá đồng có giá bán bình quân 1.700 đồng/trăm chiếc, lưỡi câu cá đuối 27.000 đồng/trăm chiếc. Lưỡi câu cá mập giá 7.000 - 8.000 đồng/chiếc. Mỗi ngày, bình quân ông cung cấp khoảng hai đến ba chục ngàn lưỡi câu. Có khi vào mùa, bạn hàng từ Campuchia qua lấy mỗi ngày từ 50.000 đến 100.000 chiếc.
Mùa nước nổi, làng lưỡi câu Mỹ Hòa rộn rịp. Tiếng lịch kịch, lẹt xẹt, âm thanh của những động tác dập và mài lưỡi câu vang lên nghe vui tai dọc dài theo con đường bê tông xi măng dưới bóng mát của hai hàng cây cao rậm tàn dọc theo con kinh êm ả chảy từ Long Xuyên đến núi Sập.
PHƯƠNG KIỀU