Lãng mạn Ok Om Bok
![]() |
Đua ghe ngo tại Sóc Trăng. Ảnh: Trần Kiều Quang |
(TBKTSG Online) - Theo Ban chỉ đạo tham gia Năm du lịch quốc gia “Mekong - Cần Thơ 2008” tỉnh Sóc Trăng cho biết kế hoạch tổ chức tuần lễ văn hóa “Lễ hội Ok Om Bok và đua ghe ngo năm 2008” sẽ diễn ra tại thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Tú từ ngày 6 đến 12-11.
Trong vô số lễ hội quanh năm của bà con dân tộc Khmer Nam bộ, có ba lễ hội quan trọng là Chol Chnam Thmay, Dolta và Ok Om Bok. Lễ hội Ok Om Bok còn được gọi là Phochia Praschanh som paes khee - lễ cúng Trăng - là được tổ chức rôm rả hơn cả.
Đây là một lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, có nguồn gốc từ đạo Phật. Lễ hội này diễn ra tại nhiều tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lớn nhất và được biết nhiều nhất là ở thành phố Sóc Trăng. Vài năm qua, lễ hội này đã được tổ chức tại thị xã Trà Vinh, thành phố Rạch Giá - Kiên Giang và năm 2007, được tổ chức tại huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Lễ hội Ok Om Bok ở các nơi thường được bắt đầu bằng cuộc đua ghe ngo (Um Tuk Ngua). Ghe ngo làm từ thân cây sao khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar – linh vật của người Khmer. Mũi và lái ghe uốn cong. Thân ghe trang trí hoa văn sặc sỡ.
Người Khmer coi ghe ngo là bảo vật thiêng thiêng của phum sóc, chỉ dùng tham gia các ngày lễ quan trọng như Ok Om Bok. Quanh năm, chiếc ghe ngo được cất tại chùa, bảo quản rất cẩn thận.
Thân ghe dài khoảng 24m, ngang 1,2m, chứa được khoảng 40 tay chèo. Ngồi cặp kè hai hàng dọc dài theo bên trong thân ghe, những chàng trai, cô gái Khmer lực lưỡng, nhịp nhàng mái dầm theo tiếng còi hoặc tiếng cồng của người điều khiển, từng nhịp từng nhịp vang lên cùng tiếng mái dầm đẩy nước tung ngầu bọt sóng, đưa chiếc ghe vượt lên phía trước trong tiếng hoan hô cổ vũ vang dậy của hàng vạn khán giả dọc hai bên bờ sông.
![]() |
Vũ điệu Khmer. Ảnh: PSL |
Xế chiều, nếu ở Sóc Trăng người ta đến hồ Nước Ngọt, còn ở Trà Vinh thì tập trung về ao Bà Om tham dự lễ cúng Trăng.
Đêm lễ hội, bốn con đường đất bao bọc quanh ao Bà Om, cả triền dốc bốn đường quanh ao và mặt đường quanh ao ken kín người là người. Kẻ ngồi từng nhóm, người thả bước dạo chơi hoặc thưởng thức các món ăn dân dã địa phương cũng như mua sắm vật kỷ niệm bày bán khắp nơi.
Sụp tối, các “nghệ sĩ chân đất” làm xôm tụ bởi các điệu múa lăm-thol, hát rô-băm, hát dù-kê, hát à-day, thi đấu cờ ốc, đấu võ, kéo co, đi cà khêu, biểu diễn trang phục các dân tộc, ăn cốm dẹp đầu mùa... Tiếng trống xa-dăm, tiếng kèn, tiếng thanh la, não bạt rộn ràng, sôi nổi, vui tươi. Mọi người cùng hòa bước chân trong điệu lăm-thol đầy mê hoặc, trong điệu hát giao duyên trai gái a-day tình tứ…
![]() |
Thả đèn gió. Ảnh: Trần Kiều Quang |
Tách riêng một góc không náo nhiệt, những người thả đèn gió đèn gió lặng lẽ ngắm nhìn những đốm lửa lung linh bay bổng lên khung trời sáng nhập nhoạng ánh trăng xanh. Đèn gió là loại hình giải trí mang đầy tính chất nghệ thuật và khoa học.
Chiếc đèn làm bằng những mảnh giấy quyến lớn bao quanh nan bằng tre và kẽm, bên trong có bùi nhùi làm mồi lửa. Khi đốt lửa, không khí bên trong nóng lên, nhẹ bổng tạo nên một lực đẩy đèn gió bay lên không trung. Mỗi đèn gió còn có đuôi đèn bằng gòn được gắn vào khung kẽm theo hình thú hoặc chữ cũng được đốt cháy khi bay lên lắt lay trông rất đẹp mắt.
Theo cánh đèn gió huyền ảo, lãng mạn người Khmer gởi những lời khấn nguyện, ước muốn tốt đẹp của mình đến với thần Mặt trăng.
Ngoài đèn gió, người ta còn thả đèn nước. Đèn nước có dạng thuyền, đáy làm bẹ chuối tươi (hoặc mốp) như mô hình một ngôi đền thu nhỏ, cũng làm bằng vật liệu là nan tre và giấy. Đèn được trang trí hoa lá, cờ phướn bằng những sắc màu rực rỡ, đèn cầy bên cạnh các vật cúng gồm cốm dẹp, khoai lang, gạo, muối.
Đội múa trống xa-dăm đi đầu đám rước, mọi người nối đuôi nhau rì rầm tiếng kinh cầu, đến bờ sông họ mới nhẹ nhàng thả đèn xuống, đem lại những màu sắc lung linh huyền ảo. Để cầu cho tình duyên đôi lứa vững bền, dịp này, các cặp tình nhân cũng làm những chiếc đèn nước nhỏ thả trên sông.
Đêm vui Ok Om Bok diễn ra trong tiếng hát hòa trong tiếng các loại nhạc cụ, các điệu múa thành một “đêm trắng” lãng mạn lôi cuốn mọi người đến khó quên!
PHÙ SA LỘC
Ban chỉ đạo tham gia Năm du lịch quốc gia “Mekong - Cần Thơ 2008” tỉnh Sóc Trăng cho biết kế hoạch tổ chức tuần lễ văn hóa “Lễ hội Ok Om Bok và đua ghe ngo năm 2008” sẽ diễn ra tại thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Tú từ ngày 6 đến 12-11. Từ 5 đến 11-11, diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật tại khu văn hóa hồ Nước Ngọt; triển lãm văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer; liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer và hội thi trang phục ba dân tộc tỉnh Sóc Trăng lần IV; thi đấu các môn thể thao như cờ ốc, đẩy gậy, bóng chuyền, bi sắt... Từ 7 đến 10-11, hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống với các hoạt động như: đan đát, đâm cốm dẹp, vẽ tranh kiếng, tổ chức tham quan làng nghề bánh pía... Ngày 11-11, lễ cúng Trăng và thả đèn nước tại chùa Bốn Mặt (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú); hội thi thả đèn nước tại khu văn hóa hồ Nước Ngọt. Ngày 11 và 12-11, giải đua ghe ngo nam, nữ trên sông Maspero (thành phố Sóc Trăng). |