Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lắng nghe ý kiến người lao động để hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Diễn đàn người lao động lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, trong đó đề cập nhiều vấn đề "nóng" về nhà ở cho công nhân, bảo hiểm xã hội, nợ đóng bảo hiểm, tuổi nghỉ hưu…

Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ chủ trì diễn đàn người lao động năm 2023 - Ảnh; Quochoi.vn

Quochoi.vn đưa tin, chiều 28-7, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức diễn đàn đầu tiên của người lao động với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động". 500 đoàn viên đại diện cho khoảng 50 triệu người lao động cả nước đã tham dự.

Trước đó, Tổng liên đoàn đã tổ chức diễn đàn, lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, người lao động cả nước về các vấn đề người lao động quan tâm, trong đó tập trung vào nhà ở cho người lao động; nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu…

Tại diễn đàn, đại diện người lao động cho rằng, để giảm thiểu tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt người vi phạm, cơ quan soạn thảo khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần tập trung vào các quy định định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.

Pháp luật phải có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để người lao động không phải chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư quỹ lớn, trong khi chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động còn thấp so với mức lương tối thiểu, người lao động lưu ý việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các nội dung đào tạo, đào tạo lại cho người lao động còn hạn chế.

Đề nghị Quốc hội xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề; nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như chính sách Quốc hội đã từng ban hành trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Về vay vốn mua nhà ở xã hội, đại diện người lao động cho biết, gói 150.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8%, thực tế gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Bên cạnh đó, mức lãi suất vẫn cao so với thu nhập của người lao động; thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay.

Do đó nhà nước cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tìm giải pháp tháo gỡ, tiếp tục giảm lãi suất, kéo dài thời gian vay vốn mua nhà ở xã hội cho công nhân; có vậy các chính sách tín dụng mới thực chất và hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ý kiến của người lao động, lực lượng trực tiếp lao động, sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cũng là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật.

Chuyên đề đặc biệt này cũng là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội làm tốt nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; giúp các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới