Thứ bảy, 17/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lắng tai nghe trẻ hát vè…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lắng tai nghe trẻ hát vè...

Ngô Khắc Tài

(TBKTSG Xuân) - Hình ảnh lũ trẻ chơi nhảy dây, nhảy lò cò, cút bắt trốn chạy quanh sân nhà hay bắt tréo chân với nhau hát “bắc kim thang, cà lang bí rợ” hoặc nắm tay nhau xoay tròn hát những bài đồng dao... chắc là cũng còn ở đâu đó, chốn hiu hắt quê mùa. Nhưng trong từng câu hát đó dường như có cái gì đó rất thật trong xã hội hiện đại này.

Lắng tai nghe trẻ hát vè...
Ảnh: Văn Thanh

Có một lần tôi về vùng quê xa, xe chạy hết đường nhựa, đường trải đá rồi nối vào con đường đất bụi mù chạy sâu vô đồng và dừng lại ở một xóm lá ven sông. Buổi chiều lồng lộng gió bụi không thấy hàng quán, tôi với người bạn ghé vô nhà người nông dân nghỉ mệt xin miếng nước mưa. Bỗng dưng tôi để ca nước xuống lắng nghe cạnh bên đống rơm trước sân nhà, một lũ trẻ ngồi vỗ tay ca hát “Nghe vẻ nghe ve - nghe vè nói ngược - ngựa đua dưới nước - tàu chạy trên bờ - lên núi đặt lờ - xuống sông bửa củi - gà cồ hay ủi - heo nái hay bươi - ba mươi nước kém - mùng mười nước nhảy”...

Rõ ràng là thật là lâu mới được nghe lại bài hát mộc mạc, hồn nhiên mà tuổi thơ ấu hầu như ai cũng từng biết qua. Nhưng sao lần này bài Nghe vẻ nghe ve lại cho tôi cảm giác thật mới lạ lùng. Nó gợi cho người nhớ những thứ như cái rổ tre, cái đèn trứng vịt, manh chiếu lác từ từ đã không còn, vì gia đình ngày nay xài rổ nhựa, chiếu nylon, đèn pin.

Mới có vài chục năm trở lại mà xã hội thay đổi mau lẹ. Trước những cái mất đi mang theo bao hình bóng cũ, văn hóa cuộc sống ngày nào đã là vô tình. Cái đang diễn ra trước mắt không để ý, may nhờ trẻ con nó nhắc. Ngựa đua dưới nước - tàu chạy trên bờ... có phải ngày nay xuất hiện ra nhiều “phát minh” như ở Cà Mau tranh nhau mua những chiếc máy xe năm sáu chục mã lực về biến nó thành máy ghe, tàu tranh nhau chạy. Trên An Giang, Đồng Tháp người nông dân trổ tài ngược lại, biến máy hơi nước thành ra những chiếc xe công nông, xe xay xát lúa gạo. Lên núi đặt lờ - xuống sông bửa củi là như thế nào. Có phải trên núi Cấm của An Giang ngày nay đang có rất nhiều hồ ao nuôi cá. Và Kiên Giang công việc lấn biển tiếp tục nối dài cả cây số để xây đô thị, chẳng phải là xuống sông bửa củi sao.

Tôi lắng nghe ngơ ngác, chuyện tình cờ ngẫu nhiên chăng. Đồng dao là bài hát của trẻ con mang tính chất hồn nhiên, mộc mạc. Chúng chưa biết gì đến mâu thuẫn xã hội, cho nên đồng dao rất là ngộ nghĩnh vì không hàm chứa ý nghĩa nào hết. Đến nó mà có ý nghĩa thì không thể gọi đó là đồng dao. Tuy nhiên, những câu hát vô nghĩa ở đây lại hàm chứa, cái mà tôi gọi là linh tính của những tâm hồn non trẻ. Cho nên bài Nghe vẻ nghe ve, nghe vè nói ngược tiếp tục dự báo. Có phải gà cồ hay ủi - heo nái hay bươi là có ý chỉ vật có tầm vóc nhỏ lại thích làm việc lớn quăng đá vá trời. Thay vì người đàn ông thì đa số đàn bà bây giờ phải đi quơ quào kiếm miếng ăn về lo gia đình. Heo nái hay bươi là vậy. Tất cả như ngược ngạo lại hết, bất chấp quy luật, cuối cùng thiên nhiên lẽ ra ba mươi nước lớn nó lại ròng. Ngày xưa mùng mười nước kém nay nó lại lớn. Rõ ràng mấy năm vừa qua thời tiết, thiên nhiên cũng làm mấy cú đi ngược như vậy. Vì sao?

Sẽ có người nói con nít nó hát ngu ngơ, vô tình lại trúng cha nội ơi. Hay là do người lớn hát trước, trẻ con bắt chước hát sau. Có phải như vậy chăng. Tôi tiếp tục lắng nghe, bên đống rơm trong nắng chiều vàng óng... hình dung một cánh rừng nhiều cây cổ thụ, các em giống như chồi non tách vỏ vươn lên. Hay một bầy chim đang hót bỗng có một giọng chim non ngây thơ. Sau bài vè nói ngược bọn trẻ hát thêm: “Tập tầm vông - con chị lấy chồng - con em ở giá - con chị ăn cá - con em húp xương - con chị nằm giường - con em nằm đất - con chị húp mật - con em liếm ve - con chị ăn chè - con em rửa bát - con chị coi hát - con em vỗ tay”. Tại sao cái gì cũng dành cho con chị hết, còn con em không thể thay đổi được số mệnh của nó chăng. Thôi rồi, nghe con nít hát ru mà tôi đem những suy nghĩ của người lớn ra mà suy diễn. Hình như bọn trẻ biết có người đang nghe chúng tiếp tục hồn nhiên.

“Con chim chích chòe - mày ngồi đầu hè - mày nhá gạo rang - bảo mày vô làng - mày kêu gai góc - bảo mày gánh thóc - mày kêu đau vai - bảo mày ăn khoai - mày kêu khoai ngứa - bảo mày đi bừa - mày đánh què chân - bảo mày đi câu - mày đánh bẹp giỏ”.

Riêng với bài hát này tôi nghĩ ngơi hơi lâu về xã hội hiện nay có hạng người như thế, quyền lợi thì dành để hưởng mà bổn phận nghĩa vụ nó lại trớt he. Tôi gọi các em tới, hỏi học những bài hát này ở đâu. Các em trả lời không nhớ, chỉ biết tự nhiên nghe ai đó hát rồi hát theo. Các bài đồng dao phải chăng là những gì còn sót lại của thế giới, hồn nhiên xa xưa và người xưa như đã ngẫm nghĩ ra hết mọi thứ. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới