Thứ Tư, 31/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lãnh đạo nhiều địa phương ‘né’ không tiếp công dân, không tham dự các vụ án hành chính

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đùn đẩy, né tránh, không tiếp công dân, không tham gia đối thoại với dân, không tham gia tòa hành chính diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và Hà Nội là địa phương điển hình khi Chủ tịch UBND thành phố không đối thoại, không tham gia phiên tòa 100% các vụ án hành chính.

Trưởng ban Tiếp công dân TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Cường giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân – Ảnh: Cổng thông tin UBND TPHCM

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo Quốc hội về công tác của tòa án trong năm 2022, trong đó ghi nhận trong 1 năm qua, các tòa án đã thụ lý gần 12.000 vụ án hành chính, xét xử được gần 9.000 vụ. Các vụ án chủ yếu liên quan đến khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Tuy nhiên, tình trạng UBND, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người đại diện không tham gia đối thoại, không tham dự phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu trong thời hạn luật quy định theo yêu cầu của tòa án còn rất phổ biến, điển hình là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội không đối thoại, không tham gia phiên tòa 100% các vụ án hành chính. Điều này gây khó khăn cho tòa án trong giải quyết vụ án và gây bức xúc cho đương sự.

Bên cạnh đó, một số UBND trả lời không còn lưu giữ, lưu giữ không đầy đủ hoặc đã bị thất lạc tài liệu. Một số vụ án UBND tỉnh không cung cấp tài liệu, chứng cứ và cũng không trả lời lý do không cung cấp khiến tòa phải nhiều lần gửi văn bản hoặc liên hệ để đôn đốc việc giao nộp, cung cấp chứng cứ… dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Cũng tại phiên chất vấn, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Hoàng Anh Công phản ảnh thực trạng người đứng đầu UBND các tỉnh, thành phố đùn đẩy, né tránh, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, thiếu công tâm khách quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo khiến vụ việc không được giải quyết dứt điểm trở thành những vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các địa phương phải rà soát lại các quy định liên quan, xác định rõ nguyên nhân tại sao để xảy ra tình trạng này? Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về trách nhiệm tiếp công dân, đẩy mạnh hành động của mình tại chính quyền cơ sở, nhất là người đứng đầu. Bởi các quy định về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là rõ ràng, một tháng ở cấp nào, bao nhiêu lần, đúng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu phải tham dự các phiên tòa hành chính…

Do đó, Chính phủ sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra không chỉ chuyên đề mà có thể thanh tra, giám sát đột xuất để các hoạt động đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo và tham dự các phiên tòa hành chính được đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của cơ quan công quyền.

Theo Quochoi.vn

1 BÌNH LUẬN

  1. Lãnh đạo địa phương, không phải né tránh, mà cần gọi đích danh là “trốn tránh” trách nhiệm. Hiện tượng đùn đẩy cho cấp dưới là phổ biến, bởi luật pháp hiện hành cho phép hoặc dung túng để các vị lãnh đạo đủ quyền hành làm điều này. Thực tế này làm dấy lên nghi ngờ ngày càng nhiều về tính tuân thủ pháp luật của thượng tầng kiến trúc?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới