Thứ Tư, 14/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lãnh Mỹ A rực rỡ sắc màu

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa xuất hiện tại Tân Châu (thị trấn Tân Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) từ hơn 100 năm nay. Bao thế hệ người tiêu dùng được tôn lên vẻ đẹp nhờ những vuông lụa Lãnh Mỹ A bền đẹp đã đi vào ca dao:

Bên nàng mặc Lãnh Mỹ A

Đưa đò sang chợ tưởng xa hóa gần.

Khung dệt lụa tơ tằm của nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Long. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nghệ nhân Nguyễn Văn Long (sinh năm 1920), tự Tám Lăng, bảo rằng, trước năm 1975, ấp Long Hưng có tới năm bảy trăm xưởng ươm tơ dệt lụa. Cả ngàn con người quay tít theo những vòng khung dệt suốt từ sáng tinh mơ đến tối mịt mỗi ngày mà những vuông lụa tơ tằm Tân Châu bóng mịn vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu may mặc của cả vùng Nam kỳ lục tỉnh rộng lớn và Sài Gòn đô hội, rồi lan khắp cả nước và sang cả Lào, Campuchia.

Trước năm 1945, ở Tân Châu đã có nhà tằm lớn của tư nhân, thu hút nhiều thợ ươm tơ, thợ dệt, thợ nhuộm vào làm. Rồi từ nhà tằm này, những người thợ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tay nghề cho nhau. Đến thập niên 1960, ở Tân Châu đã có hàng trăm nhà dệt quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Mặc nưa với Lãnh Mỹ A

Theo nhà văn Mai Văn Tạo (1924-2002): “Từ khi nhuộm bằng bột mặc nưa, lụa Tân Châu nổi tiếng cả nước, hấp dẫn nhiều nơi (xuất sang cả Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Singapore…), nhất là Lãnh Mỹ A, kế đó là cẩm tự hoa dâu, cúc, mặt võng, mặt đệm… bởi nước nhuộm đen tuyền, một màu đen đặc biệt. Quần áo mặc đến nát, cái màu đen độc đáo ấy vẫn còn nguyên. Mặt lụa đen bóng ngời, quyến rũ. Sờ vào tấm lụa mát cả bàn tay, bởi độ mềm nhuyễn và láng trơn. Mặc vào người mát cả thịt da. Quả là một loại hàng lý tưởng đối với miền đất bốn mùa ánh nắng chói chang. Lụa Tân Châu đẹp tự thân, hồn nhiên và nhiều phẩm hạnh”.

Mặc nưa (Diospyros mollis) là loài cây thân gỗ, lá to bằng ngón chân cái, quả màu xanh. Cây mặc nưa phù hợp với những vùng đất xấu, cằn cỗi, đất càng khô cằn thì cây càng cho quả to, nhiều mủ và chất lượng mủ tốt. Quả mặc nưa tươi được cho vào máy nghiền thành bột, rây kỹ rồi hòa với nước và đánh thật nhuyễn để cho ra một thứ mủ đặc quánh.

Ông Đăng Văn Nhanh, thợ nhuộm có hơn 30 năm kinh nghiệm, cho biết: “Quy trình nhuộm vải bằng bột mặc nưa là nhúng tấm vải vào thùng mủ, đảo đều tay một lúc cho vải ăn mủ rồi lấy ra vắt khô, phơi ra ngoài nắng đến bao giờ tấm lụa nóng lên thì lại mang nhúng vào thùng mủ (vải nóng thì nhuộm mới ăn mủ). Chu trình khép kín nhúng – vắt – phơi của miếng vải ấy được thực hiện liên tiếp trong suốt 45 ngày (với điều kiện ngày nào trời cũng nắng) mới cho ra được tấm vải nhuộm mặc nưa thành phẩm”.

Chất lượng mủ mặc nưa quyết định đến quy trình và thời gian nhuộm vải. Cũng bởi trải qua quá nhiều công đoạn cầu kỳ như thế nên tỷ lệ hao hụt mủ mặc nưa trong thời gian nhuộm vải là rất lớn. Việc cuối cùng của quy trình nhuộm vải là lấy bột khoai mì (sắn) hòa nước, bắc lên bếp nấu chừng 30 phút và liên tục quấy đều tay cho chín, nhuyễn, tỏa mùi thơm phức rồi sau đó lại được đem ra hòa với nước thành dung dịch bột loãng để hồ cho vải cứng mặt.

Mang phơi vải ra ngoài nắng, khi vải nóng thì lại mang vào tiếp tục nhuộm, tuần tự như thế trong suốt 45 ngày. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Bên cạnh công đoạn nhuộm vải bằng trái mặc nưa đặc trưng, lụa Tân Châu còn đặc biệt bởi các khâu dệt lãnh từ bàn tay của người thợ. Dệt Lãnh Mỹ A phải chú ý đến từng sợi tơ mỏng manh. Tơ dệt lãnh phải chọn loại tốt nhất, sau khi phân loại phải được hồ dọc để sợi tơ không bị bong. Sau đó, tơ được mắc lên trục và người thợ dệt bắt đầu trải sợi, quấn lên trục và nối từng sợi tơ theo khổ vải đã định sẵn.

Lãnh Mỹ A được dệt bằng sợi tơ xuyên nên mình vải trở nên bóng loáng, dày dặn và không co giãn. Để có Lãnh Mỹ A phải hội đủ ba tiêu chí, đó là phải làm 100% từ tơ tằm, được dệt bằng phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm) và phải nhuộm bằng mủ trái mặc nưa.

Thời hoàng kim, Tân Châu có khoảng 60 xưởng dệt, 120 lò ươm. Mỗi năm tiêu thụ từ 4.000-6.000 tấn tơ sợi. Vật đổi sao dời, giờ chỉ còn hơn chục hộ gia đình theo nghề tổ, chỉ còn ba xưởng giữ được kỹ nghệ nhuộm vải bằng mặc nưa nhưng chỉ duy nhất gia đình ông Tám Lăng nhuộm vải tơ tằm, hai gia đình còn lại thì nhuộm vải nylon. Kinh tế khó khăn, thị trường cần sản phẩm rẻ tiền. Cơn lốc sợi nylon giá rẻ tấn công. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Tân Châu đóng cửa. Nhiều gia đình ngậm ngùi đốt khung dệt. Số khác chuyển sang dệt gấm rẻ tiền…

“Thứ vải này quá đẹp, để nó thất truyền lòng không nỡ. Cố gắng giữ nghề để sau này con cháu còn biết quê mình có Lãnh Mỹ A”, ông Tám Lăng nói. Quyết tâm là thế nhưng rồi xưởng của ông Tám Lăng cũng chỉ cầm cự được đến năm 1984 thì đóng khung dệt lãnh cuối cùng và chỉ còn dệt gấm bằng sợi nylon cầm chừng. Bước ngoặt đến vào sáu năm sau, Rose Morant, nhà tạo mẫu của một hãng thời trang Pháp, đến xưởng dệt của ông Tám Lăng tìm hiểu về lãnh. Cô khuyến khích nếu xưởng tiếp tục sản xuất những xấp Lãnh Mỹ A hoàn toàn thủ công và hoàn hảo, cô sẽ tìm giúp đầu ra.

Được lời như cởi tấm lòng, ông Tám Lăng đã tìm mua lại những khung dệt cũ, tập hợp những người thợ lành nghề. Hiện nay gia đình ông Tám Lăng có hai xưởng, 31 máy dệt gấm nhưng chỉ còn hai guồng dệt tơ tằm truyền thống.

“Dệt truyền thống tưởng dễ nhưng khó. Làm hàng trơn nên phải tỉ mỉ để phát hiện lỗi. Muốn duy trì phải đào tạo được thợ trẻ. Quan trọng nhất vẫn là đầu ra sản phẩm…”, ông Đỗ Hữu Tâm, thợ làm lụa truyền thống, tâm sự.

Những vuông lụa rực rỡ sắc màu

Sinh ra và lớn lên trong một gia tộc đã bốn đời nức tiếng trong làng nghề Tân Châu nên mười tuổi, ông Nguyễn Hữu Trí đã rành rẽ những chiêu thức của nghề dệt vải, nhuộm màu, nhưng cậu út trong gia đình chín người con này chỉ thực sự đau đáu với nghề tổ bắt đầu từ năm 2003.

Từ trước đến nay, người dân Tân Châu chỉ biết dùng mủ mặc nưa để khoác cho những tấm lụa tơ tằm óng ả chiếc áo choàng đen. Màu đen đơn nhất trở thành bất lợi của sản phẩm thủ công truyền thống. Liệu các loài cỏ cây khác trong thiên nhiên còn cho ta được màu khác? Cắc cớ như thế rồi ông quyết định gác nghề chủ thầu xây dựng sang một bên để dấn thân vào cuộc chơi tìm màu cho vải.

Để nhuộm mỗi cây Lãnh Mỹ A (dài 20 mét, rộng 90 cen ti mét) phải tốn khoảng từ 80-100 ký trái mặc nưa. Hàng năm, từ tháng 6 Âm lịch đến Tết là mùa thu gom trái mặc nưa để nhuộm vải. Cứ 500 mét vải Lãnh Mỹ A (khổ 90 cen ti mét) người thợ phải mất trung bình bốn tháng nhuộm nếu thời tiết thuận lợi. Trong đó hai tháng nhuộm và hai tháng dệt. Nếu trời mưa dầm, phần nhuộm có khi kéo dài cả ba, bốn tháng. Hơn 20 năm qua, mặt hàng lụa này chỉ đủ cung ứng cho một khách hàng ở Pháp.

 

 

 

 

 

Tìm màu như thể mò kim đáy biển bởi trước ông, chưa có ai ở trong vùng nghĩ đến chuyện này, bản thân ông cũng không được học hành bài bản nên không có một căn cứ nào khi bắt tay vào công việc mới mẻ này. Ông đi khắp những vùng gò cao thung thấp, núi cao rừng thẳm, gặp loài cây cỏ nào cũng vặt lá, cào thân chúng ra để trích nhựa, kiểm nghiệm màu. Ông lân la vào các làng của người Chăm để quan sát, tỉ tê chuyện trò với bà con những mong lượm lặt được ít nhiều bí quyết dân gian của họ…

Cần mẫn trong suốt chừng năm tháng trời như thế, cuối cùng, niềm hân hoan như muốn đập tung lồng ngực khi ông đã tìm ra được bảng màu của tự nhiên và bí quyết kết hợp nhựa của những loài thực vật bản địa làm thành thuốc nhuộm đủ bảy màu sắc cho những tấm vải. Có những loài cây, lá chỉ cần lấy về nghiền thành bột là đã thành thuốc nhuộm; nhưng cũng có rất nhiều loại phải mang về phơi khô rồi nấu như hãm thuốc bắc mới sử dụng được.

Chiết xuất từng loại riêng biệt như thế rồi lại hòa trộn vào nhau theo cảm quan nghề nghiệp, ông mới có được những thùng nước nhuộm vải. Vẫn dệt lãnh theo lối truyền thống nhưng ông khai thác thêm các loại vỏ cây thiên nhiên để phá cách về màu sắc (cánh sen, hổ phách, xám đất, ca cao, xanh, chàm, bordeaux…) với hoa văn hoặc trơn rất bắt mắt. Năm 2002, ông Trí công bố lãnh bảy màu.

Sáng chế của ông ngay lập tức được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận. Những tấm vải sặc sỡ và bền đẹp nhuộm bằng màu tự nhiên của xưởng dệt Tám Lăng làm ra bao nhiêu được người ta săn lùng hết bấy nhiêu. Ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty lụa Toàn Thịnh, thường xuyên đặt hàng ông Trí nhuộm những lô hàng lớn.

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống tơ lụa Tân Châu được UBND tỉnh An Giang công nhận vào ngày 20-12-2006, có 162 hộ tham gia sản xuất. Sản phẩm của làng gồm Lãnh Mỹ A, nylon satin, gấm các loại.

 

 

 

Nét quý phái, sang trọng của chất liệu Lãnh Mỹ A đã gợi cảm hứng để nhà tạo mẫu Võ Việt Chung thiết kế ra những bộ sưu tập áo dài quyến rũ, ấn tượng mang vẻ vừa cổ điển, vừa hiện đại ra các sàn diễn thời trang quốc tế. Và sau 20 năm gắn bó với Lãnh Mỹ A, thế nhưng chưa bao giờ Võ Việt Chung cạn ý tưởng.

Cần lắm những người thợ lành nghề…

Ông Tám Lăng có chín người con nhưng hiện chỉ còn Nguyễn Thị Hằng trông coi kỹ thuật làm lãnh đen, gấm đang ngày ngày cùng cha tiếp tục nghiệp quay tơ dệt lụa và nhuộm vải bằng mặc nưa. Nguyễn Hữu Trí thì hỗ trợ, chuyên về “hàng màu”. Từ cuối năm 2015, bảng màu nhuộm vải từ thiên nhiên của Nguyễn Hữu Trí đã tăng lên 15. Ông cũng đã nhập một máy dệt của Nhật Bản để thêm hoa văn cho Lãnh Mỹ A chứ không chỉ làm hàng trơn như lâu nay.

“Lãnh Mỹ A xưa có hoa văn như: bông dâu, mặt đệm, bông Thượng Hải… nhưng mình chỉ mới khôi phục Lãnh Mỹ A trơn. Với mặc nưa, tôi cũng đã thử nghiệm nên chất liệu đũi nhuộm đen. Còn với lụa tôi đã bổ sung được sáu màu lụa từ nguyên liệu thiên nhiên”, ông Trí nói.

Với ánh mắt xa xăm, giọng đầy ưu tư, ông Trí nói: “Chỉ mất hai tháng là đào tạo được một người thợ dệt vải nylon, nhưng để người thợ biết dệt vải satin, lụa tơ tằm, biết nhuộm vải bằng mặc nưa và bằng màu sắc tự nhiên khác thì phải kỳ công chỉ dạy trong ít nhất hai năm trời. Mà rồi đến lúc ấy cũng chưa chắc tôi đã dám cho người ta đứng máy hay tự nhuộm vải. Đơn cử, ngày trước, một tấm Lãnh Mỹ A có thể mắc mười lỗi dệt người ta vẫn mua, nay thì chỉ có một lỗi cũng lập tức bị từ chối”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới