Lao động Việt Nam sang các nước khu vực có xu hướng tăng
Thùy Dung
(TBKTSG Online) - Ước tính có hơn 76.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các quốc gia Campuchia-Lào-Myanmar-Thailand và Việt Nam (CLMTV). Trong đó, có khoảng 50.000 người Việt đang làm việc tại Thái Lan, 20.000 người làm việc tại Lào, 6.000 người làm việc tại Campuchia. Đây không phải là con số lớn so với các thị trường tiếp nhận lao động hàng đầu của Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng lại đang có xu hướng tăng lên.
Các quốc gia trong khu vực bàn giải pháp liên thông bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động di cư - Ảnh: TD |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị quan chức cấp cao về hợp tác lao động Campuchia-Lào-Myanmar-Thailand và Việt Nam (CLMTV) lần thứ 4 với chủ đề “An sinh xã hội: Tính liên thông của bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư trong CLMTV” diễn ra 20-8 tại Hà Nội.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, lao động di cư đi làm việc sang Thái Lan, Campuchia, Lào chủ yếu là đi tự do theo hình thức cá nhân. Số còn lại đi theo các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư.
Phác thảo bức tranh chung về tình trạng lao động di cư trong khu vực, bà Anna Engblom, Giám đốc chương trình cao cấp, Dự án Triangle trong ASEAN, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực cho hay, số người di cư trong ASEAN đã tăng 3 lần trong 25 năm qua. Dù lao động có xu hướng tăng lên nhưng họ chủ yếu là lao động bất hợp pháp và gặp hạn chế trong khả năng tiếp cận lưới an sinh xã hội.
Theo một nghiên cứu của ILO vào tháng 12 năm ngoái dựa trên kết quả phỏng vấn 1.800 người lao động đã làm việc ở Thái Lan, Malaysia trở về Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Kết quả cho thấy, có khoảng 52% trong số họ đã làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan; 12% làm việc bất hợp pháp tại Malaysia. Đa số lao động di cư làm các công việc nặng nhọc trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng.
Ông Markus Ruck, Chuyên gia cao cấp về An sinh xã hội, Văn phòng ILO khu vực cho hay: “An sinh xã hội cho lao động di cư trong khu vực hiện rất yếu".
Điều này là do các quy định pháp lý của các nước trong khu vực chưa đầy đủ, chưa có thỏa thuận song phương giữa các nước. Hệ thống BHXH chủ yếu bao phủ lực lượng lao động chính thức.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, chuyên gia về BHXH, trước mắt, các nước cần có quy định cho phép cả lao động hợp pháp và bất hợp pháp đều được tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động như Hàn Quốc đã áp dụng đối với lao động nước ngoài.
Bước tiếp theo là liên thông bảo hiểm hưu trí. Tuy nhiên, để làm được việc này là rất khó vì mỗi nước có một hệ thống hưu trí khác nhau. Do đó, cần làm thí điểm giữa hai nước trong khu vực có hệ thống bảo hiểm hưu trí tương đương nhau, sau đó mở rộng sang các nước trong khu vực.
Mời đọc thêm:
BHXH bắt buộc với lao động nước ngoài: yếu cơ sở, thiếu ngoại trừ