Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lào nuôi tham vọng điện gió để giảm phụ thuộc vào thủy điện

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lào, một trong những nước xuất khẩu thủy điện lớn nhất châu Á, đang nuôi tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng gió vì xem đây là giải pháp để giảm phụ thuộc quá lớn vào nguồn tài nguyên nước đang căng thẳng.

Theo kế hoạch phát triển năng lượng của chính phủ Lào, đến năm 2030, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ dần thay thế các nhà máy nhiệt điện, đang góp góp 30% sản lượng điện của nước này. Ảnh: uxolo

Nằm sâu trong vùng núi dân cư thưa thớt ở phía đông nam Lào, một trang trại điện gió có tên gọi Monsoon, có tổng vốn đầu tư 950 triệu đô la Mỹ, đang được triển khai.

Trang trại này, dự kiến ​​bắt đầu hoạt động vào năm 2025, là dự án của tập đoàn thương mại Mitsubishi (Nhật Bản),  BCPG, công ty năng lượng tái tạo của tập đoàn lọc dầu nhà nước Thái Lan Bangchak và các nhà đầu tư ty khác. Bên thi công là Tổng Công ty xây dựng điện lực Trung Quốc (PowerChina). Khi hoàn thành, dự án sẽ bao phủ một khu vực rộng 70.000 hecta ở hai tỉnh Attapeu và Sekong với 133 tuốc-bin gió.

Hôm 10-4, Mitsubishi cho biết tập đoàn này và các cổ đông khác của dự án Monsoon đã huy động được 692 triệu đô la tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu  Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tập đoàn hgân hàng Sumitomo Mitsui và các bên cho vay khác.

Với công suất phát điện 600 MW, Monsoon sẽ là trang trại điện gió trên bờ lớn nhất ở Đông Nam Á. Nikkei Asia cho biết dự án này sẽ xuất khẩu điện sang Việt Nam trong 25 năm. Dự án sẽ giúp giảm phát thải cabon khoảng 35 triệu tấn  trong suốt thời gian hoạt động.

Đây không phải là dự án điện gió duy nhất sắp được triển khai ở Lào, nước nằm kẹt trong lục địa, đã xác nhận tầm nhìn “viên pin của Đông Nam Á” với chính sách năng lượng định hướng xuất khẩu.

Một dự án trang trại điện gió có công suất 250 MW, do các nhà đầu tư Việt Nam hậu thuẫn, được xem xét từ tháng 12. Ít nhất 10 dự án điện gió khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.

Khoảng 80% điện năng của Lào xuất khẩu sang hai nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam và đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của nước này. Năm ngoái, Lào bắt đầu xuất khẩu điện sang Singapore và xây dựng hạ tầng truyền tải hồi tháng 1-2023 để bán điện cho Campuchia.

Thủy điện hiến chiếm 70% tổng sản lượng điện của Lào. Hơn 70% diện tích đất của nước này là đồi núi và cao nguyên, với nhiều khu vực phù hợp để xây đập thủy điện. Nhưng những lo ngại về sự phụ thuộc vào thủy điện đã thúc đẩy Lào phát triển năng lượng gió.

Sản lượng thủy điện giảm mạnh trong mùa khô. Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với phần thượng nguồn của các con sông cũng tạo ra nguy cơ mực nước thay đổi đột ngột, một mối đe dọa đối với nông nghiệp và nghề cá ở vùng hạ nguồn bao gồm Lào.

Năm 2018, vụ vỡ đập thủy điện do mưa lớn ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, khiến ít nhất 71 người thiệt mạng và hơn 6.000 người mất nhà cửa.

Các trang trại điện gió cung cấp sự bổ sung đầy hứa hẹn cho các đập thủy điện. Với những luồng cơn gió ổn định thổi qua những địa hình có những độ cao khác nhau, tuốc-bin ở Lào có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm và hiệu quả hơn các tấm pin năng lượng mặt trời.

Kế hoạch phát triển năng lương của Viêng Chăn đến năm 2030 đặt mục tiêu duy trì  tỷ trọng sản lượng thủy điện hiện tại, đồng thời chuyển dần nhiệt điện, hiện đóng góp 30% tổng sản lượng điện,  sang các nguồn năng lượng tái tạo khác, chẳng hạn như điện gió.

Nhu cầu năng lượng tái tạo của các nước láng giềng Lào ngày càng tăng. Thái Lan và Việt Nam đều hướng tới mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Trung Quốc đã cung cấp vốn rất lớn cho các dự án thủy điện ở Lào nhưng ít tham gia vào các dự án điện gió. Điều đó có thể thay đổi khi các nhà sản xuất tuốc-bin gió của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng.

“Có rất nhiều cơ hội để các công ty Trung Quốc, vốn có nhiều chuyên môn phát triển điện gió trên đất liền, tham gia phát triển điện gió ở  nước Lào”, Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nói.

Theo Nikkei Asia, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới