Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lập quy hoạch tốt để có dự án và nhà đầu tư tốt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lập quy hoạch tốt để có dự án và nhà đầu tư tốt

Hoàng Thắng

(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng công tác lập quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, bao quát và có định hướng.

Lập quy hoạch tốt để có dự án và nhà đầu tư tốt
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch sáng 19-8. Ảnh: baochinhphu.vn

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch sáng 19-8, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành có một số vướng mắc, khó khăn, hạn chế như tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Việc tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực khi triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng. Ngoài ra, sự phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành, địa phương chậm và còn nhiều hạn chế và chưa thúc đẩy tính liên kết vùng. Thậm chí, tư duy cục bộ trong quản lý và phát triển vẫn tồn tại.

Còn việc xác định nguồn vốn cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguồn lực cho công tác quy hoạch do các quy hoạch này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.

Lý giải nguyên nhân khách quan, ông Dũng cho rằng Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới về nội dung, phương pháp lập quy hoạch, quản lý nhà nước theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành và áp dụng công nghệ tiên tiến. Vì vậy, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn cần nhiều thời gian nghiên cứu, thống nhất giữa các bộ, ngành để ban hành.

Ngoài ra, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, theo ông Dũng. Đặc biệt, nhiều quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành nên nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Dũng cho biết tư duy trong việc lập quy hoạch và quản lý nhà nước chậm đổi mới, trì trệ, chưa muốn thay đổi theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, nhất là việc trông chờ điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2020 để dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, số lượng quy hoạch phải lập nhiều và phải được lập đồng thời trong bối cảnh phải các đơn vị, địa phương áp dụng phương pháp lập quy hoạch mới. Còn cán bộ chuyên môn của các cơ quan và đơn vị tư vấn lập quy hoạch chưa có kinh nghiệm, thậm chí thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quy hoạch phải đi trước một bước và bảo đảm các yếu tố gồm tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Ngoài ra, quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương.

“Nếu không bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, địa phương thì rất khó phát triển bền vững, chuyển phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. Cũng theo Thủ tướng, có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt, nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công.

Với việc triển khai Luật Quy hoạch, Thủ tướng cho biết điểm mới là phải đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành. Để làm tốt việc này, ông nhấn mạnh tinh thần ‘đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết’. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Các bộ, địa phương phải làm tốt nhất quy hoạch ngành mình, địa phương mình. Đồng thời, phối hợp thật tốt, tăng cường trao đổi giữa địa phương và trung ương, giữa các địa phương trên tinh thần không câu nệ về hành chính, thủ tục, không cục bộ, chia cắt, manh mún. Các bộ trưởng công bố khung quy hoạch ngành để các địa phương nghiên cứu, tiếp thu, tích hợp, cụ thể hóa vào quy hoạch địa phương, phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Với công tác lựa chọn tư vấn quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương chọn đơn vị tư vấn thực sự chất lượng. Đồng thời, tiến hành trao đổi, hỗ trợ và học tập từ đơn vị tư vấn, nhưng vẫn phải giữ vai trò là cơ quan quyết định quy hoạch cuối cùng.

“Chúng ta vẫn là quyết định, để mặc cho tư vấn thì quy hoạch không có chất lượng”, Thủ tướng nói.

Về vướng mắc tại các nghị định, Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, xin lại ý kiến các địa phương, trình Chính phủ sửa đổi các nghị định phù hợp tình hình để nâng cao chất lượng các quy định, đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10-2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới