'Lấy' đất rừng ở Long An làm điện mặt trời phải trồng rừng mới thay thế
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Liên quan đến việc một số nhà đầu tư được chuyển đổi đất rừng ở tỉnh Long An sang làm dự án điện năng lượng mặt trời, Sở Công Thương địa phương này cho biết, các doanh nghiệp thực hiện dự án có trách nhiệm phải trồng rừng mới thay thế.
Long An lập dự án điện khí hóa lỏng để thay thế nhiệt điện than
Sử dụng đất rừng làm điện mặt trời, doanh nghiệp phải trồng rừng mới. Trong ảnh là một góc rừng tràm. Ảnh minh họa: Trung Chánh |
Mới đây, UBND tỉnh Long An có quyết định chuyển đổi hơn 223 héc ta đất rừng sang mục đích sử dụng khác, trong đó, có gần 200 héc ta được xác định chuyển đổi sang đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời.
Theo đó, quyết định của UBND tỉnh Long An cho phép Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An chuyển đổi hơn 47 héc ta đất rừng để làm nhà máy điện mặt trời Solar Park 01; Công ty cổ phần Vietnam Solar chuyển gần 49 héc ta sang làm dự án nhà máy điện mặt trời Solar Park 02, Công ty cổ phần Long An Solar Park chuyển hơn 48 héc ta sang làm nhà máy điện mặt trời Solar Park 03 và Công ty cổ phần Solar Energy LA chuyển hơn 48 héc ta đất rừng sang làm dự án nhà máy điện mặt trời Solar Park 04.
Trao đổi với TBKTSG Online về vấn đề nêu trên vào hôm nay, 14-5, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, ngoại trừ hai khu vực là rừng quốc gia, thì đa phần diện tích rừng của địa phương là rừng tràm do người dân trồng để thu hoạch.
“Chẳng hạn, hộ dân này có 5 héc ta trồng tràm, hộ dân kia có 10 héc ta, tức rừng ở Long An được hình thành do người dân trồng tràm để sản xuất”, ông Đức cho biết và nói rằng trước đây tỉnh Long An có khoảng 75.000 héc ta diện tích rừng tràm, nhưng hiện chỉ còn hơn 20.000 héc ta.
Theo ông, do việc sản xuất tràm không còn hiệu quả về mặt kinh tế, cho nên, theo thời gian, người dân đã quyết định chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo ông Đức, các dự án đầu tư năng lượng mặt trời nêu trên của địa phương là sử dụng đất đất trồng rừng kém hiệu quả để chuyển sang đầu tư năng lượng có hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng khác, thì phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Chính vì vậy, UBND tỉnh Long An đã có quyết định chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng khác, trong đó, có đầu tư các dự án năng lượng mặt trời.
Ông Đức cho biết, đối với trường hợp của Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An, trước đây đơn vị này thực hiện dự án trồng cây. Nhưng hiện nay, cũng trong dự án đó, họ chuyển sang đầu tư năng lượng mặt trời. “Nhưng, quy định hiện nay là phải xin chuyển đổi”, ông cho biết.
Còn trường hợp nhà đầu tư đầu tư dự án trên đất rừng tràm của người dân, thì ngoài việc xin chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng khác, thì nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục khác liên quan, bao gồm đền bù, giải tỏa.
Tuy nhiên, ông Đức cho biết, theo quy định hiện nay, khi làm dự án trên đất rừng, thì đơn vị thực hiện dự án phải có kế hoạch trồng rừng ở chỗ khác để thay thế. “Trường hợp nếu không trồng rừng chỗ khác, thì phải nộp tiền trồng rừng”, ông cho biết.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tại thông tư quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông ban hành ngày 25-10-2019 quy định: tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế.
Trường hợp chủ dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế, thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để tổ chức trồng rừng theo quy định; trường hợp chủ dự án tự trồng rừng thay thế, nhưng còn thiếu so với diện tích phải trồng do không có đủ diện tích đất để tự trồng rừng, thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đối với phần diện tích còn thiếu.
Với quy định như nêu trên, trường hợp các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng mặt trời trên đất rừng tràm ở tỉnh Long An phải thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng trong trường hợp không có điều kiện thực hiện trồng rừng thay thế.
Bộ Công Thương thống nhất để Long An chuyển dự án nhiệt điện than sang LNG Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, UBND địa phương này vừa có buổi làm việc với Bộ Công Thương để giải trình một số vấn đề về kiến nghị chuyển đổi công nghệ các dự án nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 sử dụng nhiên liệu than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh sang sử dụng khí hóa lỏng (LNG). Đồng thời, đề nghị cho phép điều chỉnh quy mô công suất của nhà máy. Theo ông Đức, qua buổi làm việc, Bộ Công Thương đã thống nhất đề nghị chuyển đổi như nêu trên của UBND tỉnh Long An. Ông Đức cho biết, sắp tới, địa phương cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua việc chuyển đổi dự án nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2. |