Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lễ hội đua ghe ngo thu hút hơn 510.000 người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lễ hội đua ghe ngo thu hút hơn 510.000 người

Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng, khoảng trên 510.000 người tham gia lễ hội đua ghe ngo đồng bào dân tộc Khmer tại ĐBSCL lần thứ nhất, được được tổ chức tại địa phương này từ ngày 14 đến hết ngày 17-11.

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, trong bốn ngày diễn ra lễ hội, Sóc Trăng đã đón trên 500.000 người dân địa phương và trong khu vực miền Tây Nam bộ, trên 10.000 du khách du trong nước và khoảng 1.000 lượt khách quốc tế.

Lễ hội đua ghe ngo thu hút hơn 510.000 người
Lễ hội đua ghe ngo năm nay có 62 đội tham dự, trong đó có 13 đội nữ đến từ 9 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Từ 12 giờ trưa hôm nay (17-11) đến 17 giờ chiều là cuộc tranh tài giữa các đội để vào vòng chung kết xếp hạng. Mỗi đội nam hoặc nữ giành ngôi vị cao sẽ nhận giải thưởng trị giá tới 200 triệu đồng/đội. Ảnh: Uyên Viễn

Căn cứ từ số liệu vừa nêu, ông Quang cho rằng Sóc Trăng có cơ sở để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng với các tỉnh tại ĐBSCL vì đã tạo được thương hiệu từ lễ hội lúa gạo trước đây, còn bây giờ là lễ hội đua ghe ngo. Từ năm 2014, ngoài phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, tỉnh này cũng sẽ đẩy mạnh loại hình du lịch miệt vườn sông nước và du lịch tâm linh.

Sóc Trăng là tỉnh có đường đua ghe ngo được Chính phủ đầu tư 500 tỉ đồng. Tỉnh này dự định sẽ xin phép trung ương đăng cai tổ chức đua ghe ngo cấp quốc tế, với sự tham dự của các đội ghe đua đến từ Thái Lan, Myamar, Lào và Campuchia. Riêng lễ hội cấp khu vực ĐBSCL, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức hai năm/lần.

Ngoài ra, Sóc Trăng đang kêu gọi đầu tư tuyến đường du lịch bằng tàu cao tốc từ Sóc Trăng đi Côn Đảo với thời gian là hai tiếng, thay vì mất 8 tiếng nếu khai thác bằng loại tàu sắt như hiện nay.

Hiện Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer đông nhất trên cả nước với trên 400.000 dân, chiếm một phần ba dân số cả tỉnh. Trên địa bàn tiỉnh hiện có trên 90 ngôi chùa Khmer, bao gồm chùa Dơi, chùa Kh'leang, chùa Chén Kiểu (Sà Lôn) và chùa Đất Sét.

Từ tối 16-11 đến sáng sớm ngày 17-11, hàng trăm ngàn người dân địa phương và du khách đã lũ lượt đổ về khu vực ven sông Maspero để xem hội thi thả đèn nước. Ảnh: Uyên Viễn

Lễ thả đèn nước theo tiếng Khmer gọi là Lôiprotip có từ thời xa xưa. Truyền thuyết cho rằng đèn nước là chiếc răng Phật được vua loài rắn Naga giữ, do đó người Khmer tổ chức lễ này để tưởng nhớ đến Đức Phật và cũng để tạ lỗi với thần Đất, thần Nước vì đã bị con người làm ô uế trong một năm qua.

Cấu tạo chiếc đèn nước thường được mô phỏng theo dạng các ngôi chùa, tháp Khmer. Lễ thả đèn nước thường được diễn ra sau một ngày lễ cúng trăng (13-10 âm lịch). Trước đây đèn nước thường được làm bằng bè chuối, với các vật liệu đơn giản, ánh sáng trên bè được dùng từ những cây nến. Ngày nay đèn nước được thiết kế bán kiên cố như gỗ, mút xốp, giấy kiếng, đèn điện hoặc dùng pin ắc quy. Phía trước đèn người ta treo cờ phướn, chung quanh cắm nhang và bên trong đèn còn bày các vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo, muối…

Tham gia hội thi đèn nước năm nay có 11 đội đến từ 11 huyện thị trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đoạt giải nhất hội thi năm nay thuộc về huyện Thạnh Trị, giải nhì huyện Long Phú và giải ba thuộc đội huyện Châu Thành.

Trong thời gian diễn ra lễ hội đua ghe ngo, riêng hai ngày cuối tuần (16 và 17-11), hàng chục gian hàng bán cây kiểng và cây giống tại hội chợ thương mại lúc nào rất tấp nập khách đến mua hàng. Nếu như ngày 14 và 15-11, mỗi ngày các chủ trang trại cây kiểng bán khoảng vài trăm gốc thì hai ngày cuối lễ hội số cây bán ra mỗi ngày từ 2.000-4.000 gốc.

Những người bán cây kiểng hầu hết đến từ tỉnh Bến Tre được Ban tổ chức hỗ trợ 100% phí thuê gian hàng, đồng thời còn được hỗ trợ điện nước và chi phí trang trí gian hàng tương đương 1,5 triệu đồng. Nhờ những hỗ trợ này mà giá bán cây kiểng bán tại hội chợ rẻ khoảng 30% so với giá ngày thường. Ảnh: Uyên Viễn

Vào tối 17-11 (tức ngày Rằm tháng 10 âm lịch), tại mỗi tư gia của đồng bào Khmer miền Tây Nam Bộ hoặc tại ngôi chùa địa phương sẽ diễn ra lễ cúng trăng. Đây là hoạt động tâm linh của người Khmer nhằm tri ân thần mặt Trăng đã ban phúc cho mọi người sức khỏe dồi dào, mùa màng tươi tốt. Lễ vật chính của lễ cúng trăng là cốm dẹp.

Nhân dịp này, Công ty Tân Huê Viên đã sản xuất mâm bánh cốm dẹp có trọng lượng 108 ki lô gam, chiếc bánh in nặng 595 ký và chiếc bánh pía nặng 306 ký. Ba chiếc bánh này được cắt ra mời các vận động viên đội đua ghe ngo và du khách. Ảnh: Uyên Viễn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới