Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lễ hội té nước tại TPHCM có phản cảm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lễ hội té nước tại TPHCM có phản cảm?

Chính Phong

Lễ hội té nước tại TPHCM có phản cảm?
Lễ hội té nước Songkran tại TPHCM năm 2015. Ảnh: thegioidulich.com

(TBKTSG Online) – Trong khi tại Thái Lan là "cái nôi" của Lễ hội té nước, chính quyền đang yêu cầu người dân hạn chế hoạt động này, và trong khi người dân các tỉnh Miền Tây nhịn ăn để mua nước sạch với giá lên tới 150.000 đồng/m3, thì nhiều bạn trẻ TPHCM lại háo hức chuẩn bị cho lễ hội té nước tại thành phố…

Và lễ hội này sắp diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh Niên.

“Hàng năm, hàng ngàn người từ khắp thế giới và Đông Nam Á hăm hở đến Thái để chung vui lễ hội té nước Songkran. Năm nay cũng vậy, với tâm điểm Bangkok. Nếu như mấy bồ không thể có mặt ở thủ đô Thái Lan dịp này thì cũng KHÔNG SAO, ĐÃ CÓ SAIGON OUTCAST. Tụi mình có tham vọng sẽ tổ chức Songkran bự nhất Sài Gòn. Tiếp tục thành công vang dội của phiên bản 2015, năm nay team Saigon Outcast sẽ khẩn trương lên kế hoạch tổ chức một lễ hội té nước hoành tráng vào ngày 16 tháng 4”.

“Lễ hội này năm ngoái tại Outcast đã là một cú hit tuyệt vơi khi thu hút được gần 10.000 người, Saigon Outcast vô cùng bất ngờ vì sự ủng hộ của các bạn. Tuy nhiên, tụi mình chỉ được phép tổ chức trận chiến cho 1.000 chiến sĩ súng nước. Vì thế năm nay, Saigon Outcast sẽ tổ chức chu đáo hơn với quy mô 5.000 người trong một không gian khác ở Sài Gòn”.

Trên đây là một phần nội dung quảng cáo về Lễ hội té nước Songkran phiên bản Việt Nam được đăng trên các trang vui chơi dành cho giới trẻ. Lễ hội này dự kiến tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, số 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1 từ 12 giờ đến 22 giờ ngày 16-4-2016. Đơn vị tổ chức là Saigon Outscast, một không gian sáng tạo ở Quận 2 chuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, giao lưu cho các bạn trẻ mê nghệ thuật. Vé dự lễ hội té nước nói trên đã được rao bán trên trang ticketbox.vn, với giá cho những người mua sớm là 130.000 đồng, mua vào ngày gần sự kiện là 260.000 đồng, và mua tại cửa khi lễ hội chuẩn bị diễn ra là 360.000 đồng.

Songkran là tết cổ truyền của Thái Lan được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch, tương ứng với dương lịch năm nay từ 12 đến 14-4 để đón năm mới. Theo truyền thống của người Thái, vào ngày tết khi ra đường gặp nhau, bất kể là người lạ hay quen đều phải hất nước vào nhau. Điều này được cho rằng sẽ giúp bạn tẩy sạch thân thể, bỏ đi mọi xui xẻo trong năm cũ để chuẩn bị đón nhận nhiều may mắn của năm mới.

Tết Songkran ở Thái Lan năm nay vào gần dịp cuối tuần nên thời gian nghỉ ăn tết của người Thái kéo dài từ 12 đến 17-4. Năm nay, do tình trạng thiếu nước sạch nên chính quyền Bangkok ban bố lệnh hạn chế các hoạt động té nước, chỉ được té trong 3 ngày 12 đến 14-4, và phải kết thúc trước 9 giờ tối. Nước vào các ngày lễ hội thường được dùng gấp 3 lần ngày thường. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng vận động các thành phố khác trên khắp Thái Lan thực hiện việc hạn chế dùng nước trong lễ Songkran.

Người Thái vào tết cổ truyền lâu đời của họ còn hạn chế truyền thống như vậy để tiết kiệm nước sạch, thế mà tại TPHCM, một nơi không dính dáng gì đến Songkran (trừ một số ít du học sinh, người Thái đang sống và làm việc tại Việt Nam) lại mở lễ hội đình đám đến thế. Nghe tin lễ hội té nước tổ chức tại TPHCM, bên cạnh tin 11 tỉnh miền nam đã công bố tình trạng thiên tai hạn hán xâm nhập mặn, tin ngay cả TPHCM cũng đang thiếu nước sạch, và tin người dân các tỉnh miền tây nhịn ăn để mua nước sạch với giá lên tới 150.000 đồng/m3 cứ thấy nuốt không trôi thế nào.

Hội nhập với thế giới, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc trên thế giới là việc làm cần khích lệ, vì đó là một yếu tố quan trọng giúp gắn kết văn hóa Việt Nam với văn hóa nhân loại. Song, hiện tượng du nhập thiếu chọn lọc một số tập quán, lễ hội từ nước ngoài, rồi biến đổi theo hướng thiếu tích cực lại là điều không nên.

Các bạn trẻ tổ chức lễ hội té nước này có nghĩ rằng những người dân ở vùng hạn nặng đang vật lộn từng ngày để có từng bình nước sạch dùng cho sinh hoạt tối thiểu sẽ cảm thấy tủi thân và bất công ra sao nếu chứng kiến hình ảnh hàng ngàn bạn trẻ phung phí nước sạch trong một lễ hội ngoại lai? Và đơn vị cấp phép tổ chức lễ hội này nghĩ sao trong khi các đơn vị khác đang nỗ lực tuyên truyền cho người dân tiết kiệm nước sạch, sử dụng nước sạch có ý thức?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới