Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lên cao nguyên Minangkabau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lên cao nguyên Minangkabau

Bài: Nguyễn Kim Oanh – Ảnh: Lệ Huyền

Chợ đêm ở thành phố Bukittinggi.

(TBKTSG Online) – Đêm thứ hai ở đây, chúng tôi trở lại cái quán đã vào ăn bữa tối hôm qua. Tình cờ gặp một anh bạn Indo làm phục vụ ở quán này, ngồi trò chuyện một lát, anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên, vui mừng khi biết chúng tôi từ Việt Nam sang đây.

Kỳ 1: >>> Khám phá quần đảo Sumatra, Indonesia.

Kỳ trước: >>> Một vòngquanh hồ núi lửa Toba.

Anh ta bảo, đây là lần đầu được tiếp xúc với người Việt nên hào hứng giới thiệu với chúng tôi các địa điểm nên tham quan trên đảo. Anh chàng này còn ngạc nhiên hơn khi biết chúng tôi đã thuê xe máy chạy vòng quanh đảo Samosir cả ngày hôm nay. Ngồi ‘tám’ một lúc, hai đứa tôi lội bộ về nhà nghỉ sau khi trả lại xe cho chủ của nó ngay tại quán.

Bến tàu ở làng Tuk Tuk trên đảo Samosir, hồ Toba.

Nhà trọ của chúng tôi quay hướng ra hồ lại ở cạnh bến tàu nên sáng ra sớm có thể nhìn thấy mọi sinh hoạt của những gia đình ở gần khu vực bến phà. Mọi nhu cầu dùng nước hàng ngày của họ đều từ nước hồ, từ giặt giũ quần áo cho đến tắm, gội, đánh răng… Cá dưới nước vẫn bơi lội tung tăng và bọn trẻ ở đây cũng vui chơi hồn nhiên với hồ nước này mỗi ngày. Bất kỳ lúc nào, nắng hay mưa, hễ thích là chúng nhảy xuống hồ bơi lội, đứa nào cũng đen nhẻm do ngụp lặn vào buổi trưa; chúng bơi rất giỏi, nhảy xuống rồi ngóc đầu lên thách thức đứa khác nhảy theo chúng.

Hôm sau, chúng tôi ăn sáng bằng mì gói vì muốn có tí nước để húp sau mấy ngày ăn toàn cơm và một ít trái cây. Do xe đã trả, nên chúng tôi chỉ đi loanh quanh ở bến phà rồi sang cái resort gần đó ngắm vườn lan và cái hồ có đầy bông súng đang nở trong lúc chờ tàu để vào bờ, mua vé xe đi Bukittinggi.

Khi tàu cập bến về lại đất liền, trời bỗng đổ một cơn mưa to, chúng tôi không kịp mặc áo mưa, chỉ kịp len lỏi vào mấy cái sạp trong chợ mà trú mưa, rồi thấy một cái quán ăn liền ghé vào. Trong quán lúc này toàn phụ nữ với trẻ con, ai cũng nhìn chúng tôi có vẻ hiếu kỳ. Cô bạn kêu phần ăn trước, tôi thì ra chợ dạo một vòng mua trái cây mang theo trên đường đi Bukittinggi. Đi đâu tôi cũng thích dạo chợ địa phương, tuy biết chợ ở đây không khác ở Việt Nam là mấy, song không khí họp chợ nhộp nhịp làm tôi thấy vui và mua món đồ nào cũng không quên trả giá như ở nhà. Ba mươi phút sau, tôi đã có một túi bánh trái mang theo.

Nhà chờ xe của công ty ALS nằm trong bến Aur Kuning ở Bukittinggi.

Trong khi ngồi chờ xe của hãng ALS chạy từ Medan ghé đón khách ở bến xe Parapat này, tôi lại đi dạo một vòng và cảm thấy vui vui khi nhìn thấy một cái cân Nhơn Hòa loại 100kg nằm chễm chệ trong nhà chờ xe. Cái hình chữ V cách điệu với ngôi sao 5 cánh đỏ chói (logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”) nổi bật khiến tôi nhận ra ngay trước khi đọc hai chữ Nhơn Hòa trên mặt đồng hồ cân. Một phát hiện nho nhỏ thế thôi cũng làm tôi thấy lâng lâng thứ cảm xúc rất lạ pha chút tự hào.

Nhìn đi ngó lại, giờ này khách ngồi chờ xe đi Bukittinggi chỉ có hai chúng tôi, một lúc sau có thêm một ông khách người châu Á nữa. Đúng 3 giờ chiều, xe của hãng ALS vào bến đón thêm 3 hành khách đi Bukittinggi. Xe chạy được hơn một tiếng thì tài xế phải dừng sửa xe hai lần.

Bầu trời âm u, đường vắng vẻ, trạm dừng chân cho khách ăn tối cũng thế, vắng lặng, mấy ngọn đèn tù mù không đủ sáng. Tôi chợt nhớ lúc này là đêm ba mươi tết, bên ‘nhà’ chắc mọi người đang chuẩn bị đón giao thừa sang năm mới, còn hai đứa tôi đang ‘bước sang năm mới’ trên một chuyến xe xung quanh toàn người lạ, đường đèo lên núi xứ người… Chợt cảm thấy có một chút nhớ nhà…

Bukittinggi  –  Thành phố bên cạnh núi lửa

Tháp đồng hồ Jam Gadang.

Chúng tôi đến Bukittinggi vào buổi sáng sớm, sau khi vượt qua quãng đường dài vật vờ trên chiếc xe lắc lư cả đêm vì liên tục ôm cua đường đèo. Bước xuống bến xe, cả hai đứa đều rã rời mỏi mệt, nên phải tìm chỗ ngồi nghỉ một lát rồi mới đón xe vô trung tâm thành phố. Bến xe Aur Kuning cách trung tâm Bukittinggi 3 km, có thể gọi là bến xe liên tỉnh vì hầu hết các phòng vé đều bán vé cho các tuyến bus đường dài đi các tỉnh ở Sumatra như Palempang, Batam, Lampung hay Medan…

Từ đây vào trung tâm thành phố có tuyến xe buýt nhưng phải chờ nên chúng tôi gọi hai chiếc xe ôm trong bến, nói họ chở chúng tôi tới khách sạn Orchard Hotel. Giá xe ôm ở đây cũng tương đương xe ôm ở Sài Gòn, hai bác tài này có vẻ rất dễ tính, vui vẻ và thân thiện với du khách. Khu trung tâm của Bukittinggi có nhiều khách sạn với giá tạm được dành cho du khách bình dân. Trong khi chờ nhận phòng, tôi hỏi thuê chiếc xe gắn máy ở khách sạn này với giá 60.000Rp.

Bukittinggi là một thành phố cao nguyên thuộc tỉnh Tây Sumatra, nằm trên cao nguyên Minangkabau nên khí hậu mát mẻ quanh năm (từ 16,1° đến 24,9°C), cách Padang, tỉnh lỵ của Tây Sumatra 90 km. Bukittinggi là quê hương của ông Sukarno – vị tổng thống đầu tiên, có công thống nhất Indonesia. Nhưng điều du khách chú ý đến nó chính là vì xung quanh thành phố này có các núi lửa như Singgalang (đã ngừng hoạt động) và ngọn núi lửa vẫn hoạt động là Marapi.

Hàng rong chất trên xe cút-kít ngồi bán quanh chân tháp đồng hồ Jam Gadang.
Bến xe ngựa cạnh tháp đồng hồ Jam Gadang, chuyên chở du khách dạo quanh Bukittinggi.

Ngay trung tâm thành phố có tháp đồng hồ Jam Gadang là món quà của nữ hoàng Hà Lan ban tặng, được xây dựng năm 1926 khi xứ sở này còn là thuộc địa của người Hà Lan. Tháp Jam Gadang ban đầu có kiến trúc mái vòm, nhưng sau khi Indonesia giành được độc lập, mái tháp thay đổi theo hình dáng sừng trâu cong vút, hình ảnh biểu tượng của người Minangkabau.

Từ tháp đồng hồ, du khách có thể tham quan một vòng thành phố bằng xe ngựa, hoặc nơi nào bạn muốn đến với giá thương lượng từ 20.000 đến 50.000Rp một chuyến. Khi đến tháp đồng hồ này tôi thấy một kiểu bán hàng rong khá độc đáo, người ta chất hàng lên những chiếc xe cút kít chở đến ngồi bán quanh khuôn viên tháp, trông gọn gàng sạch sẽ chứ không nhếch nhác hay xả rác bừa bãi như ở những khu vui chơi khác.

Buổi chiều, tôi hỏi nhân viên khách sạn về loại hoa khổng lồ Rafflesia thì được biết loài hoa này chỉ nở từ tháng 8 tới tháng 11. Không có bản đồ trong tay, chỉ có tờ rơi của khách sạn với sơ đồ đơn giản của khu trung tâm thành phố, vậy mà chúng tôi cũng cả gan lấy xe chạy theo hướng đi Medan một đoạn để đi tìm  cây hoa khổng lồ này mà không biết rằng Rafflesia chỉ là… hoa chứ không có thân với lá. Sau khi đã hỏi thăm và lộn đường mấy lần, dùng ‘ngôn ngữ tay chân’ hỏi dân địa phương hơn một tiếng để hỏi những bông hoa khổng lồ đó ở đâu nhưng cuối cùng chẳng có kết quả gì hơn.

Nhưng được một điều an ủi là đoạn đường này rất đẹp. Có lúc tôi cũng không màng đến việc tìm hoa nữa mà cứ xách xe lượn qua lượn lại mấy vòng đường đèo không chán vì cảnh hai bên đường quá đẹp, từng thửa ruộng bậc thang nằm sát bên đường với những hàng cau xanh mát, thỉnh thoảng lại gặp vườn trồng cây bơ đang mùa ra quả. Khí hậu và cảnh sắc thiên nhiên nơi đây mát mẻ, nhà nào cũng trồng hoa trước nhà, cây gì cũng tươi xanh và nông dân ra đồng có vẻ thư thả, cuộc sống nơi đây có vẻ nhẹ nhàng.

Cổng vào hang ngầm Nhật bản (Lobang Jepang) trong công viên.
Lối đi xuống hang ngầm Nhật bản (Lobang Jepang).
Cửa vào một rạp hát nhỏ trong hệ thống Lobang Jepang.

Trở về thành phố, chúng tôi vào công viên (Bukkitinngi Panorama park), mua vé tham quan hang Nhật Bản (Lobang Jepang). Đó là một hệ thống công sự ngầm do quân đội Nhật Bản xây dựng vào những năm 1942-1943, trong Thế chiến thứ II. Hầm được xây rất kiên cố, lối đi bên trong hầm rộng 2 mét, chiều dài 1.400 mét, có nhiều lối đi thông với nhau gồm nhiều công trình được xây bên trong như kho vũ khí, bệnh xá… Trong công viên này có một đàn khỉ rất hung dữ, thường giựt đồ của khách du lịch, nhất là thức ăn.

Cây cầu nối liền khu sở thú Stormpark và hệ thống pháo đài Fort De Kock.

Cách công viên không xa, khoảng 5 phút chạy xe máy là tới hệ thống pháo đài Fort de Kock được xây dựng bởi người Hà Lan trong chiến tranh Padri (1821 – 1837). Nằm trên một đồi cao, nơi này giờ còn lại một pháo đài phòng thủ và một vài khẩu pháo rỉ sét, do nằm trên một đồi cao khách du lịch có thể ngắm toàn bộ thành phố từ đây.

Từ pháo đài này, qua một cây cầu rất đẹp trên cao dài khoảng 90 mét, là đến khu vườn thú Stormpark được người Hà Lan xây dựng trong những năm 1900. Khách vào tham quan phải mua vé nhưng bên trong chuồng thú chỉ vài con như voi, gấu, nai, trăn… Ở đây còn có một nhà truyền thống theo kiến trúc của người Minangkabau, xung quanh ngôi nhà trưng bày các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, các vật dụng như cối xay, giã gạo hay khung dệt thủ công và các kiểu trang phục truyền thống của người Minangkabau.

Đêm đầu tiên ở Bukkitinngi, ăn tối xong chúng tôi đi bộ một vòng chợ đêm ngay sau tháp đồng hồ, chợ nhỏ  hàng hóa không nhiều, cũng không có gì cần thiết để mua nên chúng tôi sang Bukittinggi plaza nằm cạnh chợ, vào dạo xem hàng hóa. Có vẻ đây là trung tâm thương mại lớn nhất vùng cao nguyên này. Vào khu bán trang phục phụ nữ, xem qua ngó lại chỉ thấy toàn hàng dành cho người Hồi giáo nên sản phẩm không đa dạng, phong phú vì phụ nữ ở đây ai cũng mặc quần dài áo rộng, quấn khăn kín mít. Nhưng có cái tôi lại thích là ba lô và cặp học sinh, trông cái nào cũng bắt mắt về màu sắc lại có nhiều kiểu dáng, hàng có vẻ bền và đẹp. Tôi đoán, chắc đây là hàng Indo 100% chứ không phải hàng… xứ ‘lạ’.

Kỳ sau: Mininjau – Viên ngọc bích trên đỉnh núi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới