Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Liên kết vùng ở ĐBSCL còn hạn chế gì, cần thúc đẩy ra sao?

Đinh Tấn Phong, Lưu Giang Đông (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sự phát triển thời gian qua của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với lợi thể sẵn có. Một số nguyên nhân được chỉ ra là chưa có sự phối hợp giữa các địa phương trong thu hút đầu tư, giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng như logistics, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.

ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản xuất lúa gạo. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Trước những yêu cầu, mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới cũng như những quan điểm, định hướng của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã tăng cường các hoạt động liên kết nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, do cơ chế giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn bất cập nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải dẫn đến một số chương trình, dự án hợp tác chưa phát huy được kết quả như kỳ vọng.

Tăng quy mô kinh tế nhờ tăng liên kết

Về mặt kinh tế, quá trình liên kết góp phần tăng quy mô kinh tế của cả vùng. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, quy mô kinh tế của vùng đạt khoảng 970 ngàn tỉ đồng, chiếm 11,95% GDP cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm.

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GRDP nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn đạt 1,6%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước.

Đến năm 2023, GRDP của ĐBSCL tăng 6,6% so với cùng kỳ, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,6% của năm 2022 trong giai đoạn 2020-2023. Theo đó, ĐBSCL cùng với Tây Nguyên tiếp tục là hai vùng kinh tế mà tất cả địa phương đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, trong cả năm 2022 và 2023.

Theo kết quả nghiên cứu của VCCI và Đại học Fulbright (2022), ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn lúa (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước); 0,78 triệu tấn tôm (83,51%); 1,472 triệu tấn cá tra (chiếm 98% tổng sản lượng cá tra cả nước) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60% tổng sản lượng trái cây cả nước).

Liên kết vùng ở ĐBSCL còn những hạn chế gì?

Về mặt kinh tế, sự hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng còn lỏng lẻo từ khâu xây dựng quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực đến cơ chế phối hợp điều hành. Điều này dẫn đến tình trạng trùng lặp về cơ cấu, ngành, lĩnh vực đầu tư giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.

Điển hình như trường hợp tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng nhà máy đường Bến Nhất, trong khi tỉnh Hậu Giang cạnh đó đã có ít nhất bốn nhà máy đường; tình trạng trùng lắp về sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn tại các địa phương… Sự phát triển cục bộ, thiếu liên kết đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, làm môi trường đầu tư kém hấp dẫn, thậm chí tạo thành “lực cản” đối với sự phát triển của vùng.

Bên cạnh đó, một số địa phương trong vùng vẫn còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc liên kết phát triển các cụm ngành chủ lực, lợi thế của vùng (lúa gạo, trái cây và thủy sản). Việc thiếu liên kết trong sản xuất nông nghiệp làm giảm giá trị nông sản, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp của vùng.

Đồng thời, quá trình liên kết giữa các bên trong quá trình sản xuất: bên cung ứng giống, vật tư sản xuất (đầu vào), người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến (đầu ra) còn khá lỏng lẻo, vẫn còn xảy ra tình trạng “phá vỡ” hợp đồng liên kết xảy ra khá phổ biến. Thực trạng thiếu liên kết trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro do biến động thị trường, thời tiết diễn biến thất thường gây nhiều thiệt hại, nguy cơ đói nghèo, bất ổn xã hội.

Về mặt xã hội, sau quá trình liên kết sản xuất, đời sống người nông dân và lao động nông thôn được cải thiện nhưng chưa thật sự bền vững. Theo Tổng cục Thống kế, thu nhập người dân vùng ĐBSCL ngày càng thấp so với mặt bằng chung cả nước. Giai đoạn 1999 - 2002, thu nhập bình quân đầu người trong vùng cao hơn mức bình quân cả nước, nhưng đến năm 2004, thu nhập người dân trong vùng chỉ bằng 97,3%, năm 2020 đạt 91,2%, năm 2021 là 88,3% và đến năm 2022 là 87,2% mức bình quân cả nước.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư, đa dạng hóa kinh tế khu vực nông thôn chưa hiệu quả đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn còn phổ biến. Điều này đã làm gia tăng tình trạng di cư khỏi khu vực nông thôn lên đô thị tìm kiếm việc làm.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2019, số lượng di cư ra khỏi vùng ĐBSCL gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh, thành phố trong vùng; tương đương với tốc độ gia tăng dân số tự nhiên của vùng.

Bên cạnh đó, mặc dù một lượng lớn lao động trong vùng di dân đến nơi khác tìm việc làm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong năm 2022 của ĐBSCL vẫn cao nhất nước, với tỷ lệ thất nghiệp là 2,76% (đứng sau Đông Nam Bộ là 2,88%) so với mức 2,34% cả nước; tỷ lệ thiếu việc làm là 3,61% so với mức 2,21% cả nước.

Về ứng phó biến đổi khí hậu, các chương trình, dự án thích ứng biến đổi khí hậu thời gian qua chủ yếu được xây dựng và thực hiện một cách cục bộ, manh mún theo địa giới hành chính của từng địa phương. Do cơ chế giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn bất cập nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải dẫn đến công tác ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn vùng đạt hiệu quả không cao.

Giải pháp nào để tăng hiệu quả liên kết vùng?

Giải pháp đầu tiên là tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Việc đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp như tình trạng “được mùa mất giá”, thiên tai, dịch bệnh…

Tiếp theo đó là khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Những yếu kém về hạ tầng giao thông đã tác động rất lớn đến chi phí vận chuyển nông, thủy sản của ĐBSCL đến thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, hạ tầng giao thông ĐBSCL đã từng bước được cải thiện không chỉ giúp thu hút đầu tư hiệu quả mà còn thúc đẩy quá trình hợp tác, liên kết giữa các địa phương ngày càng hiệu quả hơn.

Cần tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình liên kết theo tiểu vùng sinh thái và theo cụm ngành hàng. Bởi thực tế cho thấy, việc triển khai liên kết thống nhất trên toàn vùng với tất cả 13 địa phương hết sức khó khăn, gặp nhiều hạn chế do mô hình, nội dung liên kết còn dàn trải trên phạm vi lĩnh vực quá rộng, chủ yếu mang tính định hướng, khó triển khai thành những chương trình, dự án cụ thể.

Do đó, liên kết theo tiểu vùng và theo cụm ngành hàng là một giải pháp căn cơ, cần thiết trên cơ sở tận dụng những lợi thế của từng địa phương để bổ sung cho nhau, tập trung vào phát triển những ngành, mặt hàng thế mạnh của mỗi địa phương với sự hợp tác cụ thể, chặt chẽ. Từ đó, hoạt động liên kết giữa các tỉnh mới đi vào thực chất và hiệu quả.

Giải pháp quan trọng then chốt là tiếp tục hoàn thiện thể chế điều phối vùng. Trong quá trình liên kết giữa các địa phương cho thấy, thể chế điều phối liên kết vùng chậm được cụ thể hóa bằng pháp luật, bộ máy quản trị vùng chủ yếu hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm dẫn đến tình trạng lỏng lẻo. Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ thể chế hóa cơ chế điều phối vùng bằng những quy định pháp luật với nguồn lực thực hiện cụ thể, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển liên kết vùng.

 (*) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới