Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Liên kết vùng trong phát triển logistics để giảm chi phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết vùng trong phát triển logistics để giảm chi phí

Hùng Lê

(TBKTSG Online) - TPHCM đang xây dựng đề án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ hậu cần (logistics) trên quan điểm đẩy mạnh liên kết vùng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Liên kết vùng trong phát triển logistics để giảm chi phí
TPHCM sẽ thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển logistics. Ảnh minh họa: Thành Hoa.

Đây là một trong các kế hoạch của TPHCM nhằm chủ động đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), theo sự chia sẻ của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tại cuộc hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA” của Chính phủ với 63 tỉnh, thành và lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU vào ngày 6-8.

Để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA, theo ông Dương Anh Đức, TPHCM đã xây dựng kế hoạch triển khai các hiệp định thế hệ mới, bao gồm CPTPP và EVFTA, thống nhất một đầu mối chỉ đạo thực hiện là Ban chỉ đạo TPHCM về hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, trung tâm kinh tế lớn nhất nước không thụ động chờ EVFTA có hiệu lực. Từ khi EU thông báo thông qua EVFTA vào tháng 10-2018, TPHCM đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nắm đón nhận cơ hội từ EVFTA với trọng tâm là hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa, xem đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp được hưởng thuế xuất ưu đãi từ hiệp định này.

Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn không chỉ của thành phố, mà còn của cả khu vực. Theo giới phân tích, để giữ vững được vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, thì việc hoàn thiện, trở thành đầu mối lĩnh vực dịch vụ logistics, kết nối được các vùng trong cả nước trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố có xu hướng dần dịch chuyển sang các tỉnh thành khác, là cần thiết.

Bên cạnh đó, TPHCM thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản xuất để khai thác về chiều sâu đối với thị trường quan trọng EU. Đồng thời, thành phố triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn với chuỗi cung ứng khu vực châu Á và kết nối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp FDI của EU.

TPHCM hiện đang trong tâm thế thực thi EVFTA như một trung tâm giao thương giữa EU và các tỉnh lân cận.

Cụ thể, TPHCM xác định đẩy mạnh liên kết vùng để gia tăng thế mạnh của từng địa phương. Trên thực tế, hầu hết nông sản xuất khẩu đi EU qua cửa khẩu TPHCM là nông sản từ các tỉnh, và ngước lại nhập khẩu máy móc, thiết bị từ EU là để trang bị cho các tỉnh.

Điều này cho thấy TPHCM giữ vai trò cửa ngõ xuất – nhập khẩu với thị trường EU của cả khu vực phía Nam. Ông Đức cho biết, chiến lược của TPHCM là phát triển dịch vụ hỗ trợ, phát triển hạ tầng logistic để cùng các tỉnh đưa hàng hóa vào EU nhanh hơn, với chi phí thấp hơn.

Sắp tới, TPHCM sẽ ban hàng Đề án phát triển logistic đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên tinh thần phát huy liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành Đông- Tây Nam bộ, giúp doanh nghiệp phía Nam giảm được chi phí xuất nhập khẩu, khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác.

Trên thực tế, sự thiếu hụt về hạ tầng logistics trên địa bàn TPHCM là một trong những mặt hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp châu Âu nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung phản ánh trong nhiều năm qua, và cho rằng sự yếu kém này đã dẫn đến sự kém cạnh tranh trong kinh doanh.

Vấn đề này cũng được Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhiều lần khuyến nghị. Đơn cử như vào tuần vừa qua, đại diện cộng đồng châu Âu tiếp tục lên tiếng rằng vấn đề chính cản trở phát triển của ngành logistics hiện nay của Thành phố là tình trạng thiếu kho bãi/khu đất hậu cần để tạo điều kiện phát triển các trung tâm phân phối/hậu cần có chất lượng, đặc biệt là khu vực ngoại ô TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Theo đại diện của EuroCham, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng yêu cầu hàng hóa chất lượng cao hơn, đa dạng hơn và giao hàng nhanh hơn. Điều này đặt ra một thách thức đáng kể trong việc tìm kiếm không gian và địa điểm để làm kho bãi và khu phân phối hàng hóa.

EuroCham cho rằng, khu vực đô thị của TPHCM lẫn Hà Nội khó có thể đáp ứng nhu cầu kho bãi ngày càng cao. Một khó khăn khác là nhiều chủ đất không đồng ý cho thuê riêng phần kho bãi, mà muốn vận hành toàn bộ khu vực hoặc ít nhất có thể kết hợp nhiều dịch vụ trong quá trình hoạt động.

Tại sự kiện diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác Liên minh châu Âu 2020 với chủ đề “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” diễn ra ở TPHCM, Eurocham khuyến nghị, Chính phủ cần đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và logistics nhằm hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu để Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ các lợi ích mà EVFTA đem lại. Theo đó, Chính phủ cần mạnh mẽ thực hiện vai trò giám sát để không chỉ đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả, mà còn đảm bảo tính an toàn và bền vững với môi trường của các công trình hạ tầng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới