Liên minh cứu sông Mê Kông kêu gọi bỏ 11 dự án thủy điện
Văn Nam
![]() |
Sông Mê Kong đoạn chảy qua nước Campuchia - Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) – Liên minh cứu sông Mê Kông (Save the Mekong Coalition) vừa lên tiếng kêu gọi các quốc gia hủy bỏ 11 dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông vì cho rằng các dự án thủy điện sẽ phá hủy môi trường đa dạng sinh học và hiệu suất kinh tế của dòng Mê Kông.
>> Dòng Mê Kông đang bị đe dọa bởi nước thải đô thị
Trong một bức thư gởi thủ tướng bốn nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia ngày 3-4 vừa qua, Liên minh cứu sông Mê Kông cho rằng các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông là mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng đất ngập nước, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của hàng triệu người dân địa phương hạ lưu sông Mê Kông.
Liên minh này cho rằng nếu tất cả 11 dự án thủy điện được xây dựng, tổn thất tài nguyên cá ước tính lên tới 550.000 – 880.000 tấn, tương đương 26 – 42% sản lượng cá hiện tại của dòng Mê Kông và do vậy sẽ đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của người dân trong lưu vực.
Bên cạnh đó, các đập thủy điện trên dòng chính Mekong nếu được xây dựng, sẽ tác động đến đời sống văn hóa của 40 triệu người dân vùng hạ lưu Mê Kông, hơn 106.000 người chịu tác động trực tiếp buộc phải di cư và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.
Liên minh cứu sông Mê Kông gồm khoảng 55 tổ chức về bảo vệ môi trường, nguồn nước trên thế giới.
Trong 20 năm qua, các nhà máy thủy điện với công suất hơn 3.235 MW đã được xây dựng trên các hệ thống sông nhánh của lưu vực sông Mê Kông. Các chuyên gia về năng lượng đánh giá tiềm năng về thủy điện của sông Mê Kông khoảng 30.000 MW, như vậy hiện nay công suất khai thác mới hơn 10% và sẽ còn tiếp tục được khai thác trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc khai thác thủy điện trên hệ thống sông này sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tại TPHCM sáng nay (5-4), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định chưa bao giờ lưu vực sông Mê Kông đứng trước nhiều thách thức như hiện nay do nhu cầu năng lượng, lương thực gia tăng tạo thêm áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước, môi trường sinh thái cho lưu vực sông Mê Kông.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (góc trái) đang phát biểu tại hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mê Kong quốc tế diễn ra tại TPHCM ngày 5-4. |
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lưu vực sông Mê Kông là một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Dòng chảy trung bình năm của sông Mê Kông tại vùng hạ lưu đã giảm 10% trong vòng 30 năm qua.
Cụ thể, ở Lào, sông Mê Kông đoạn chảy qua thủ đô Vientiane 10 năm qua khô hạn đến mức người ta có thể lội qua sông trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Praya vốn hiền hòa cũng xảy ra lũ lớn, gây thảm họa lũ lụt quốc gia trong nhiều tháng liền hồi năm 2011. Ở ĐBSCL của Việt Nam, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu ở tỉnh An Giang, điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sông Mê Kông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trên 40.000 km vuông là nơi sinh sống của 20 triệu dân, hàng năm đóng góp đến 27% GDP cả nước với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất thủy sản của Việt Nam.
“Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL hiện cũng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Và sự phát triển các công trình ở thượng nguồn sông Mê Kông gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu người dân trong lưu vực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tại hội nghị sáng nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông cần ưu tiên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995 cũng như các quy định của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước, trong đó có thủ tục thông báo trước và thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong lưu vực sông Mê Kông; đẩy mạnh nghiên cứu các tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông …
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai việc nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và dự kiến kết quả nghiên cứu này sẽ có vào cuối năm 2015.
Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia; Myanmar và Trung Quốc là quan sát viên) cần tập trung vào việc thực hiện những quy định chung về sử dụng nguồn nước mà các nước đã cam kết để quản lý bền vững dòng Mê Kông. Ngoài ra, Campuchia cũng sẵn sàng tổ chức hội nghị cấp cao lần thứ 3 của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế vào tháng 4-2018.
Theo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, gần đây dưới áp lực tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế, các dự án thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh Mê Kông phát triển rất mạnh, nhu cầu lấy nước tưới, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy… đang ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái dòng sông.
Sông Mê Kông bắt nguồn từ phía đông cao nguyên Tây Tạng đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam với tổng diện tích lưu vực 795.000 km vuông và là nơi sinh sống của hơn 20.000 loài thực vật và hơn 850 loài cá.