Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu chúng ta có đang đánh giá ‘AI’ quá cao?

Phan Đình Nguyện(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) tới thị trường lao động rõ ràng là có nhưng ở một phạm vi ra sao. Lắng lại một chút sau những bài báo, video clip, diễn đàn, nghiên cứu từ nước ngoài vào trong nước về AI, chúng ta liệu có đang đánh giá nó cao quá không?

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT - mới đây đã chia sẻ ý kiến cá nhân về “tầng lớp vô dụng” mới rằng: “Lập trình viên, dân marketing, hàng chục ngàn cô gái xinh đẹp đang ngồi ở quầy ngân hàng được học hành tử tế sẽ mất việc”. Đây là một trong rất nhiều ý kiến của các chuyên gia về việc AI có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến cơ cấu việc làm của một nền kinh tế. Hay cụ thể hơn, những phát triển gần đây của AI đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại cho các quốc gia, rằng khả năng tự học của AI có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm trên quy mô lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến pháp luật lao động quốc gia và quốc tế. Liệu những ý kiến này có hoàn toàn đúng hay không?

Lao động là nền tảng của mọi xã hội

Lao động từ sơ khai đã là một hoạt động có tầm quan trọng rất lớn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của con người. Vì vậy, “quyền lao động” được coi là một trong những quyền cơ bản nhất trong phạm trù “quyền con người” mà các quốc gia đã ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế và trong hệ thống pháp luật quốc gia. Ở một số quốc gia, các nhà lập pháp cho rằng “lao động” chính là nền tảng hình thành và tồn tại của nhà nước. Chẳng hạn, điều 2 Hiến pháp Ý năm 1946 nêu rõ: “Ý - nhà nước Cộng hòa dân chủ, dựa vào lao động”. Trong nền kinh tế thị trường, hay bất kỳ xã hội nào hiện nay, sức lao động là nguồn gốc của mọi sản phẩm, dịch vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh pháp lý về AI ở phạm vi khu vực và toàn cầu chưa được hoàn thiện, rất nhiều vấn đề pháp lý đã và đang được đặt ra. Có một số ý kiến cho rằng sự phát triển nhanh chóng của AI và khả năng tự học của nó có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động, cụ thể là dẫn đến tình trạng mất việc làm trên quy mô lớn, từ đó ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Liệu ý kiến này có hoàn toàn đúng, và rằng liệu chúng ta có đang đánh giá quá cao AI hay không?

AI có “thay thế” được người sử dụng lao động?

Trước hết, cần hiểu về khái niệm “quan hệ lao động”. Đây là mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Quan hệ này được điều chỉnh bởi hợp đồng lao động, theo đó người lao động phải thực hiện công việc mà người sử dụng lao động đưa ra, ngược lại họ có quyền được hưởng các chế độ về lương thưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Đây chính là mối quan hệ “tương hỗ”, khi người lao động và người sử dụng lao động phụ thuộc lẫn nhau.

Tuy nhiên, với sự áp dụng rộng rãi các giải pháp AI trong các doanh nghiệp hiện nay, tính “tương hỗ” này có thể dẫn bị lu mờ. Cụ thể, đặc trưng của AI chính ra khả năng tự đưa ra quyết định. Khi áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp, các nhà sử dụng lao động hoàn toàn có thể sử dụng AI để thay mình đưa ra quyết định. Việc này có thể dẫn tới trường hợp sai sót, gây ra nhiều hậu quả pháp lý cho doanh nghiệp. Chẳng hạn trong tình huống khi AI được yêu cầu đưa ra các quyết định sa thải nhân viên. Vì bản chất các “quyết định” của AI là kết quả của các dữ liệu đầu vào. Nếu những dữ liệu này không chính xác hoặc không đầy đủ thì sự sai sót sẽ nảy sinh. Do đó, các quyết định này hoàn toàn có thể bị người lao động khiếu nại về sự thiếu công bằng, gây nhiều hậu quả pháp lý và tốn chi phí cho doanh nghiệp.

Hay AI sẽ “thay thế” người lao động?

Khi đánh giá mức độ tác động của AI đến sự phân bổ việc làm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tiến hành đánh giá sự tác động của AI vào những ngành nghề có sự tiếp xúc nhiều với AI trong môi trường làm việc(1). Theo đó, các kết quả chỉ ra rằng hầu hết những công việc có sự tiếp xúc nhiều với AI là những công việc đòi hỏi người lao động có trình độ cao ví dụ như: chuyên gia phân tích dữ liệu, kỹ sư thiết kế phần mềm, kỹ thuật viên công nghệ sinh học…

Về mặt lý thuyết, khi xem xét liệu AI có khả năng thay thế người lao động trong các ngành nghề chất lượng cao này không, thì kết quả cho thấy rằng rất khó để thay thế các kỹ sư phần mềm hay các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm bằng các ứng dụng AI. Lý do được đưa ra là mặc dù AI nổi bật với khả năng tự học, tuy nhiên những ngành nghề chất lượng cao này lại yêu cầu các kỹ năng đặc biệt như kỹ năng lý luận logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng phán đoán, khả năng suy luận về các tình huống mới lạ… Đây đều là những kỹ năng phức tạp, đòi hỏi người lao động phải học tập và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Do đó, rất khó để công nghệ AI hiện tại có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn này.

Ngược lại, các ngành nghề được xem là “lao động chất lượng thấp” như nhân viên vệ sinh hoặc bảo vệ thường ít có sự tiếp xúc với AI. Theo OECD, đây là những ngành nghề có đặc trưng cơ bản là tính đơn giản, tính lặp đi lặp lại... Do đó, chúng có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị thay thế bởi các ứng dụng AI, đặc biệt là trong khoảng 20 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, khi xét về mặt kỹ thuật, hai nhà kinh tế học Gries Thomas và Wim Naude(2) đã đề cập đến “nghịch lý Moravec” trong bài nghiên cứu của mình. Họ chỉ ra rằng các công việc yêu cầu kỹ năng cao như phân tích, lý luận logic thường chỉ tốn một mức độ tương đối tài nguyên để AI tính toán. Ngược lại, các tác vụ của các ngành nghề kỹ năng thấp lại thường liên quan đến kỹ năng vận động cảm biến. Những tác vụ này từ góc độ của con người tuy là đơn giản nhưng từ góc độ của máy tính thường không rõ ràng và rất khó để chuyển đổi thành ngôn ngữ máy, do đó sẽ tốn nhiều tài nguyên hơn để xử lý. Mặc dù AI có khả năng tự học, tuy nhiên các tác vụ này không bao giờ là cố định, và luôn có thể phát sinh thêm các trường hợp mới, do đó rất khó để AI có thể thay thế hoàn toàn con người làm các công việc này.

Tương lai xa vời

Mặc dù có nhiều ý kiến của các chuyên gia tin AI có thể sẽ thay thế người lao động, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu hay khảo sát nào cụ thể để làm sáng tỏ về sự tác động tích cực hay tiêu cực của AI.

AI có thể làm mất đi nhiều loại việc làm, nhiều ngành nghề truyền thống, nhưng song song với đó là các ngành nghề mới, đòi hỏi trình độ, kỹ thật cao sẽ ra đời. Những công việc này cần một nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp, tiên tiến, đổi mới hơn. Vì vậy, có thể kết luận, công nghệ AI sẽ không thay thế được con người, nhưng những người nắm giữ được công nghệ AI sẽ thay thế những người không sử dụng được nó. Và để đảm bảo công bằng xã hội và quyền lợi của người lao động, khuôn khổ pháp luật và các chính sách của Việt Nam cần tạo điều kiện để khuyến khích phát huy năng lực tối đa của lực lượng lao động, cũng như tận dụng lợi thế của sự phát triển công nghệ trong bối cảnh AI chính là tương lai của toàn cầu.

(*) Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Huế.

(1) Lane M và Saint-Martin A (2021), The impact of Artificial Intelligence on the labour market, https://doi.org/10.1787/7c895724-en, truy cập: 17-11-2023.

(2) Gries T and Naudé W (2018), Artificial intelligence, jobs, inequality and productivity: Does aggregate demand matter?, https://www.econstor.eu/bitstream/10419/193299/1/dp12005.pdf truy cập 16-11-2023.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nguy cơ AI thì có, nhưng không thể không nhận diện, cũng như không thể không kiểm soát được. Nhiều quốc gia phát triển, hiện nay đã tập trung sự chú ý, ban hành hành lang pháp lý ban đầu về vấn đề này. Trong mọi cuộc chơi, quan trọng nhất là người chủ trì, kế đến là người thực thi, và thành phần nữa không thể thiếu vắng đó là người giám sát. Để AI thực sự là công cụ hữu hiệu trong bàn tay con người, điều đáng quan tâm không phải là sợ hãi, mà phải luôn giữ được vị thế chủ nhân của muôn loài. Bởi chỉ có con người, mới là nhân tố duy nhất kiến tạo nên cảm xúc, và truyền cảm hứng cho mọi dòng chảy của thời đại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới