Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu giải đua F1 có trở thành “món hời” của Việt Nam?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu giải đua F1 có trở thành “món hời” của Việt Nam?

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Giải đua xe công thức 1 (F1) sắp tới ở Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Với lượng khán giả mua vé xem trực tiếp trung bình 200.000 người cho mỗi chặng đua (hơn 50% là du khách nước ngoài) và tổng lượng khán giả truyền hình có thể lên đến gần 1,8 tỉ người, giải đua F1 là cơ hội béo bở tạo ra các lợi ích kinh tế cho nước đăng cai, chẳng hạn thúc đẩy doanh thu ngành du lịch, tạo việc làm và quảng bá hình ảnh đất nước.

Giá khách sạn mùa đua xe F1 "nhảy múa", du lịch có thất thu?

Savills: Hà Nội 'cháy' phòng khách sạn mùa đua xe F1

Mở bán vé xem đua xe F1 tại Việt Nam, giá rẻ hơn các giải đua thế giới

Liệu giải đua F1 có trở thành “món hời” của Việt Nam?
Tay đua Sebastian Vettel chào khán giả sau khi về nhất trong chặng đua Singapore Grand Prix hồi tháng 9-2019. Ảnh: Straits Times

Du lịch Singapore thắng lớn nhờ F1

Chặng đua xe F1 ở Singapore (Singapore Grand Prix) đã bước vào năm thứ 12. Singapore lần đầu tiên tổ chức chặng đua F1 vào năm 2008 theo một hợp đồng đăng cai kéo dài 5 năm. Từ đó đến nay, nước này đã hai lần gia hạn hợp đồng đăng cai vào các năm 2012 và 2017 để tận dụng các lợi ích kinh tế mà cuộc đua này mang lại.

Theo số liệu của Ủy ban Du lịch Singapore, tính đến năm 2017, giải F1 thu hút hơn 450.000 du khách nước ngoài, đóng góp cho ngành du lịch khoảng 1,4 tỉ đô la Singapore.

Với chi phí tổ chức xấp xỉ 150 triệu đô la Singapore mỗi năm, trong đó 60% đến từ ngân sách của chính phủ, Singapore Grand Prix thực sự “có lãi”. Kể từ năm 2017, chi phí tổ chức cuộc đua F1 ở nước này giảm về mức 130 triệu đô la Singapore, trong đó, khoảng 90 triệu đô la Singapore (66 triệu đô la Mỹ) là phí đăng cai.

Một tác động kinh tế tích cực khác là cuộc đua F1 tạo ra nguồn doanh thu mới cho các công ty địa phương vì 90% hoạt động chuẩn bị và điều hành giải này được giao cho các nhà thầu phụ trong nước. Trong khi đó, các khách sạn và cơ sở ăn uống kinh doanh khởi sắc trong thời gian cuộc đua diễn ra.

Ngoài ra, có nhiều lợi ích khác khó có thể đong đếm, chẳng hạn hình ảnh đất nước, ẩm thực và văn hóa của quốc gia này được quảng bá với hàng trăm triệu khán giả truyền hình khắp thế giới.

Các cuộc đua thường diễn ra vào ban đêm trên đường phố dưới những giàn đèn pha sáng rực cũng là một nét độc đáo. Vào những ngày trước khi Singapore Grand Prix khai mạc, hàng loạt sự kiện ăn theo như hòa nhạc, lễ hội, tiệc tùng, hội nghị được tổ chức tại khu vực đua và trên khắp đất nước tạo ra một tuần lễ cực kỳ sôi động.

Ông S. Iswaran, Bộ trưởng Công thương Singapore vào thời điểm năm 2017, nói: “Giải Singapore Grand Prix đã tạo ra các lợi ích lớn đối với nền kinh tế chúng tôi cũng như thương hiệu nhượng quyền Formula 1. Cuộc đua F1 củng cố hình ảnh của Singapore như là một thành phố sáng tạo, năng động trước lượng khán giả đông đảo khắp thế giới. Nó cũng tạo ra các cơ hội kinh doanh tốt đối với người dân và doanh nghiệp”.

Sức hút cuộc đua F1 vẫn chưa thuyên giảm. Singapore Grand Prix năm 2019 lôi kéo 268.000 khán giả đến xem trực tiếp trong 3 ngày, mức cao thứ hai trong lịch sử chặng đua này ở Singapore, chỉ đứng sau lần đăng cai lần đầu tiên vào năm 2008.

Malaysia thôi đăng cai vì hiệu ứng suy giảm

Các cuộc đua F1 diễn ra vào ban đêm trên đường phố là nét độc đáo của chặng đua Singapore Grand Prix. Ảnh: Ttgasia

Tuy nhiên, hiệu ứng tích cực của cuộc đua F1 có thể giảm dần khi một nước đăng cai giải này trong nhiều năm đồng thời ngày càng có nhiều nước tham gia đăng cai. Giải Grand Prix ở Malaysia là một một minh chứng.

Giải Malaysia Grand Prix trong khuôn khổ Giải vô địch F1 thế giới được tổ chức hàng năm tại trường đua Sepang International Circuit ở bang Selangor, Malaysia trong giai đoạn 1999-2017.

Tháng 4-2017, Malaysia thông báo Malaysia Grand Prix 2017 là giải cuối cùng được tổ chức dù hợp đồng đăng cai đến năm 2018 mới hết hạn. Tuy nhiên, ông Khairy Jamaluddin, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia, vào lúc đó nói rằng nước này dừng tổ chức Malaysia Grand Prix vì phí đăng cai đắt đỏ nhưng doanh thu bán vé lại giảm.

Ông cho biết: “Tôi nghĩ nên chấm dứt đăng cai F1, ít nhất là trong một thời gian vì chi phí tổ chức quá cao nhưng doanh thu hạn chế. Khi chúng tôi lần đầu tiên đăng cai F1, đó là một sự kiện trọng đại vì chúng tôi là nước thứ hai ở châu Á sau Nhật Bản tổ chức chặng đua F1. Giờ đây, có quá nhiều nước đăng cai F1. Nó không còn mới lạ nữa”, Razlan Razali, Giám đốc điều hành trường đua Sepang International Circuit, cho biết sau 17 năm tổ chức liên tục.

Malaysia chi khoảng 300 triệu ringgit (73 triệu đô la Mỹ) mỗi năm để tổ chức cuộc đua. Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Malaysia, Nazri Abdul Aziz, cho biết chi phí tổ chức đã tăng 10 lần trong giai đoạn 2009-2016.

Trường đua Sepang International Circuit, với 120.000 chỗ ngồi, chứng khiến lượng khán giả kỷ lục 140.000 người trong 3 ngày cuộc đua F1 diễn ra vào năm 2006. Nhưng kể từ năm 2014, lượng khán giả tụt dần và rơi về mức 44.611 người vào năm 2016.

Bên cạnh đó, Malaysia Grand Prix đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các chặng đua F1 khác trong khu vực, đặc biệt là Singapore Grand Prix. Năm 1999, chỉ có 16 nước đăng cai tổ chức các chặng đua F1, bao gồm 2 nước châu Á là Nhật Bản và Malaysia. Đến năm 2017, số nước đăng cai lên đến 21, trong đó, có đến 6 nước châu Á.

Song những lợi ích to lớn mà giải đua F1 mang lại cho nền kinh tế Malaysia là điều không thể phủ nhận. Kể từ năm 1999 đến 2016, Malaysia Grand Prix đã thu hút hơn 1,8 triệu khán giả xem trực tiếp, trong đó có 450.000 du khách nước ngoài.

Hình ảnh đất nước Malaysia được quảng bá rộng rãi trên thế giới nhờ giải đua này. Một nghiên cứu của hãng kiểm toán PwC cho biết giải Malaysia Grand Prix vào năm 2012 tạo ra hơn 4.500 việc làm và các  lợi ích kinh tế trị giá 300 triệu ringgit.

Hồi tháng 4-2019, Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, cho biết ông muốn đưa cuộc đua F1 trở lại Malaysia, sớm nhất là vào năm 2020 hoặc 2021 và theo ông, giải Malaysia Grand Prix có thể tiếp tục nhận được sự hâm mộ của nhiều người.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng sự quan tâm giải Malaysia Grand Prix vẫn còn rất lớn và chúng tôi muốn đưa cuộc đua F1 trở lại đây. Chúng tôi nghĩ rằng nếu tổ chức giải Malaysia Grand Prix trở lại, chúng tôi có thể thu hút hơn 100.000 khán giả đến xem trực tiếp. Ngoài ra, khi chúng tôi tổ chức cuộc đua F1, các đài truyền hình trên khắp thế giới sẽ phát sóng trực tiếp, thu hút hơn 200 triệu khán giả”.

Ông cho rằng giải F1 đã kích thích sự quan tâm ô tô của người Malaysia. Nhờ vậy mà giờ đây, người dân mua sắm đủ các loại ô tô mới. Lượng khán truyền hình khổng lồ của F1 là cơ hội quảng bá tuyệt vời cho hình ảnh đất nước Malaysia, ông cho biết.

Cơ hội tốt cho Việt Nam?

Năm nay Grand Prix chính thức được đưa đến Việt Nam. Chặng đua mới duy nhất trong khuôn khổ Giải vô địch F1 thế giới năm 2020 là Giải đua Công thức 1 Việt Nam  (F1 Vietnam Grand Prix) - diễn ra từ ngày 3 đến 5-4 tại Hà Nội.

Với lộ trình đua nằm trên các con phố, chặng F1 tại Việt Nam là chặng đua ngoài phố thứ 4 sau các chặng đua F1 ngoài phố ở Monaco, Singapore và Azerbaijan, với chiều dài là 5.607 mét với 23 khúc cua.

Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á thứ ba đăng cai Grand Prix trong lịch sử của giải này, sau Malaysia và Singapore. Mùa giải vô địch F1 thế giới năm 2020 sẽ bao gồm 22 chặng đua. Hà Nội là nơi diễn ra chặng đua thứ 3, sau hai chặng đua ở Úc và Bahrain.

Với chi phí điều hành một đội đua tầm trung (bao gồm chi phí thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng xe đua cũng như chi phí lương bổng, đi lại cho các tay đua và đội ngũ hỗ trợ...) lên đến 120 triệu đô la mỗi năm, giải đua F1 tạo ra hiệu ứng kinh tế và việc làm rất rõ ràng.

Hiện nay, chi phí trung bình hàng năm cho 10 đội đua F1 là 2,6 tỉ đô la Mỹ. Năm 2018, doanh thu của giải đạt 1,8 tỉ đô la và tổng lượt khán giả xem các chặng đua trên truyền hình và các phương tiện kỹ thuật số đạt con số 1,758 tỉ.

F1 Vietnam Grand Prix được xem sự kiện nổi bật đầu tiên của giải đua F1 kể từ khi Tập đoàn truyền thông Liberty Media (Mỹ) tiếp quản quyền sở hữu nhượng quyền F1 vào đầu năm 2017.

Năm 2010, Hàn Quốc lần đầu tiên đăng cai giải Korea Grand Prix với thời hạn 7 năm nhưng chấm dứt hợp đồng đăng cai trước thời hạn 3 năm vào năm 2013 vì thua lỗ 26 triệu đô la vào năm 2012.

Các nhà tổ chức Korean Grand Prix đã nỗ lực tái thương lượng các điều khoản hợp đồng cấp phép đăng cai với Công ty Formula One Group nhưng thất bại.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng dừng tổ chức chặng đua F1 vào năm 2011 sau 7 năm đăng cai liên tục. Phí đăng cai đắt đỏ là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ nước này không ủng hộ.

Trước khi dừng chặng đua F1, Malaysia trả phí đăng cai lên đến 46,7 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Số liệu của Tập đoàn truyền thông Liberty Media cho thấy phí đăng cai trung bình hàng năm chặng đua F1 trong năm 2018 đạt 29,4 triệu đô la Mỹ, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Mức suy giảm này chủ yếu do Pháp và Đức chỉ trả tổng cộng 44,8 triệu đô la Mỹ cho phí đăng cai hàng năm. Có nghĩa là mỗi nước chỉ trả trung bình 22,4 triệu đô la phí đăng cai mỗi năm. Hai nước này không cần dựa vào F1 để thu hút du khách nữa nên họ không chấp nhận trả phí đăng cai cao.

Theo Reuters, Straits Times, Business Times

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới