Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Liệu Trung Quốc có rơi vào khủng hoảng tài chính?

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sự mất cân bằng tài khóa và tài chính nghiêm trọng do nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn đang đưa Trung Quốc vào tình thế chưa từng có trước đây. Với sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai khó rơi vào khủng hoảng nhưng rủi ro không thể loại trừ hoàn toàn.

Gánh nặng từ nợ của chính quyền địa phương

Bong bóng bất động sản ở Trung Quốc đang xì hơi, còn các chính quyền địa phương đang vật lộn để trả nợ. Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề từ cả hai vấn đề này. Ở bất kỳ nơi nào khác, các điều kiện khó khăn đó được xem là dấu hiệu báo trước của một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng ở Trung Quốc, điều đó không đúng, theo lẽ thông thường, vì các khoản nợ của nước này chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ, chứ không phải nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn phần lớn hệ thống tài chính và các nhà kỹ trị có năng lực đang kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, lẽ thông thường đó có thể đã lỗi thời.

Tình trạng mất cân đối về tài khóa và tài chính của Trung Quốc lớn đến mức đang đưa nước này, và cả thế giới, vào một địa hạt xa lạ. Đơn giản là mọi người không biết nền kinh tế Trung Quốc và đội ngũ lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể vượt qua những căng thẳng trên ở mức độ suôn sẻ như thế nào. Quy mô vấn đề tài chính của Trung Quốc được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề cập đến trong một loạt báo cáo gần đây.

Trước hết, dù báo cáo mức tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến là 4,9% trong quí 3, triển vọng trung hạn của Trung Quốc rõ ràng đã xấu đi. IMF dự đoán, mức tăng trưởng trung bình của Trung Quốc chỉ là 4% mỗi năm trong 4 năm tới, giảm so với mức dự báo 4,6% đưa ra một năm trước. Điều này có nghĩa là việc giải quyết nợ nần khó khăn hơn nhiều so với khi Bắc Kinh chứng kiến tăng trưởng ở mức 10% vào hơn một thập niên trước.

Thứ hai, IMF cũng nâng dự báo thâm hụt ngân sách của chính phủ Trung Quốc từ 7,1% GDP trong năm nay lên 7,8% vào năm 2028. Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Mỹ có mức thâm hụt lớn gần mức này.

Vấn đề không nằm ở chính quyền trung ương mà là các chính quyền địa phương vì họ vay rất nhiều thông qua các công ty tài chính (LGFV) nằm ngoài sổ sách kế toán để tài trợ cho các dự án phát triển đô thị. Các khoản nợ ở khu vực chính quyền địa phương hiện tương đương 45% GDP và nếu tính chúng vào nợ chính phủ thì tổng nợ công của Trung Quốc sẽ lên tới 149% GDP vào năm 2027, cao hơn mức 141% của Ý.

Các chính quyền địa phương của Trung Quốc đang vật lộn để trả nợ trong bối cảnh nguồn thu chính từ bán đất suy giảm mạnh. Nguồn thu của các chính quyền địa phương từ việc bán đất trong 8 tháng đầu năm giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

IMF ước tính, 30% LGFV của các chính quyền địa phương sẽ không trụ vững nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền trung ương. Đây là một vấn đề lớn đối với các ngân hàng Trung Quốc vì họ đang nắm giữ khoảng 80% số nợ của các chính quyền địa phương. IMF ước tính, chỉ cần một nửa chi phí tái cơ cấu khoản nợ đó sẽ khiến các ngân hàng chịu tổn thất lên tới 465 tỉ đô la.

Ngân hàng không có nguồn vốn đầy đủ

So với các ngân hàng trên toàn cầu, các ngân hàng Trung Quốc ngay từ đầu đã không có nguồn vốn đầy đủ. Và một cơn suy thoái sẽ làm cạn kiệt nguồn vốn đó một cách đáng kể, như IMF đã chỉ ra trong bài kiểm tra căng thẳng (stress test) thực hiện với các ngân hàng trên thế giới. Đối với Trung Quốc, IMF đã giả định một kịch bản bất lợi, trong đó tăng trưởng trung bình đạt 1% thay vì 5% trong ba năm và giá trị bất động sản sụt giảm. Kết quả là tỷ lệ vốn an toàn của các ngân hàng Trung Quốc sẽ giảm mạnh từ 11% năm ngoái xuống còn 7,1% vào năm 2025, mức tồi tệ nhất so với bất kỳ khu vực nào.

Theo báo cáo của S&P Global Ratings công bố trong tuần qua, các ngân hàng khu vực ở Trung Quốc có thể thiếu hụt vốn 2,2 nghìn nhân dân tệ (301 tỉ đô la Mỹ) nếu khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương xảy ra. Báo cáo ước tính, các ngân hàng khu vực Trung Quốc có tổng dư nợ 12 nghìn tỉ nhân dân tệ ở các LGFV, tính đến cuối năm ngoái.

Ngoài ra, có khả năng xảy ra vòng luẩn quẩn. Khi thua lỗ cho vay tăng lên, các ngân hàng Trung Quốc sẽ cho vay ít hơn. Nếu không thể vay thêm tiền, các chính quyền địa phương buộc phải cắt giảm đầu tư hạ tầng và các dịch vụ xã hội. Điều này khiến tăng trưởng kinh tế và giá trị bất động sản suy yếu hơn nữa.

Các cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ Latinh vào thập niên năm 1980, ở Đông Nam Á vào thập niên 1990 và khu vực sử dụng đồng euro vào thập niên 2000 trở nên nghiêm trọng hơn do dòng vốn nước ngoài tháo chạy. Ngược lại, Trung Quốc là nước cho vay ròng trên thế giới và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra vào. Phần lớn nợ của Trung Quốc là nợ trong nước.

Hầu hết các ngân hàng ở Trung Quốc nằm dưới quyền sở hữu hoặc kiểm soát của chính quyền trung ương hoặc địa phương. Điều này có lẽ sẽ giúp chúng tránn bị sụp đổ, ngăn chặn làn sóng rút tiền hàng loạt và hoảng loạn. Trong cơn biến động ngân hàng của Trung Quốc cách đây 20 năm, các khoản nợ xấu được chuyển cho các công ty quản lý tài sản nhà nước theo mệnh giá.

Nhưng đôi khi khủng hoảng tài chính xảy ra do tâm lý bi quan của các nhà đầu tư trong nước chứ không phải vốn nước ngoài tháo chạy. Những cuộc khủng hoảng đó không phải lúc nào cũng diễn ra nhanh và dữ dội, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài từ năm 2007 đến năm 2009. Một số cuộc khủng hoảng diễn ra trong nhiều năm như đã xảy ra ở Tây Ban Nha vào thập niên 1970, ở Thụy Điển và Nhật Bản vào thập niên 1990.

Rủi ro tâm lý ỷ lại

Nguồn gốc của những khoản nợ lớn của Trung Quốc là trường hợp điển hình về rủi ro đạo đức (moral hazard), hay còn gọi là tâm lý ỷ lại. Các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương vay rất nhiều vì họ có thể nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ bảo lãnh cho họ. Nhưng đó là sự đảm bảo ngầm định, chứ không phải rõ ràng. Vì vậy, sự mơ hồ đó có khả năng gây bất ổn.

Logan Wright, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc của Công ty nghiên cứu Rhodium Group, cho rằng một cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc sẽ không bắt nguồn từ một cú sốc bên ngoài hoặc việc định giá lại tài sản đột ngột để phản ánh giá thị trường thấp hơn.

Thay vào đó, khủng hoảng sẽ xảy ra khi các nhà đầu tư, vốn cho rằng chính phủ sẽ bảo vệ tài sản của họ, nhận ra giả định đó không đúng. “Thị trường tài chính khi đó cần phải nhanh chóng định giá lại những rủi ro này”, Wright nói.

Chẳng hạn, lĩnh vực bất động sản trước đây được coi là quá lớn đến nỗi chính phủ Trung Quốc có thể không cho phép sụp đổ, cho đến khi các ưu tiên chính sách của Bắc Kinh đột nhiên được nhìn nhận khác đi. Sau đó, rủi ro tín dụng xuất hiện rất nhanh khi ngày càng có nhiều chỉ số tài chính của các chủ đầu tư bất động sản bị hoài nghi.

Wright cho biết, khi sự hỗ trợ ngầm định của chính phủ bị rút khỏi các tài sản không quan trọng, giới đầu tư có thể cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ không còn bảo đảm cho các tài sản cốt lõi như ngân hàng nhỏ, các khoản vay thế chấp và sau đó là nợ của chính quyền địa phương.

“Đó là con đường tiềm tàng dẫn đến khủng hoảng tài chính (ở Trung Quốc)”, Wright nhận định.

Các quan chức Trung Quốc nhận thức rõ những rủi ro này và đã thực hiện các bước đi để cơ cấu lại nợ của khu vực chính quyền địa phương. Họ cũng thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản hoàn thành các dự án.

Theo Martin Chorzempa, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, các khoản nợ quá lớn và tăng trưởng quá chậm khiến Trung Quốc khó có thể che giấu nợ xấu như cách đây 20 năm. Ông cũng lo lắng rằng chất lượng quản lý của chính phủ Trung Quốc hiện nay đã kém đi.

“Tôi lo ngại về tình trạng nhân tài rời bỏ đất nước, việc giới chức trách giảm các chỉ số kinh tế được công bố, giảm không gian tranh luận kinh tế ở Trung Quốc”, Chorzempa nói.

Một cơn khủng hoảng tài chính kéo dài nhiều năm sẽ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu suy giảm, trong khi xuất khẩu tăng mạnh, gây áp lực lên các nhà sản xuất nước ngoài.

Và dù rủi ro lây lan không lớn do các kết nối hạn chế giữa hệ thống tài chính của Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, nhưng về mặt tuyệt đối, hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn rất khổng lồ. Nếu hệ thống đó bắt đầu lung lay, hiệu ứng gợn sóng chắc chắn sẽ được cảm nhận ở bên ngoài.

Theo WSJ

1 BÌNH LUẬN

  1. Khi dựa quá nhiều những giá trị ảo được bơm lên trong nền kinh tế qua các sàn giao dịch tài chính, chứng khoán, người ta trao đổi bán cho nhau những giá trị ảo đó nhưng khi quay về giá trị thật thì hỡi ơi!! Phần “hơi” trên giấy tờ còn đó nhưng phần “nạc” biến mất

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới