Livestream bán hàng bùng nổ ở Trung Quốc nhưng không dễ ăn
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Thị trường mua sắm trực tuyến thông qua kênh bán hàng phát sóng trực tiếp (livestream) ở Trung Quốc có thể đạt giá trị 170 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Nhưng đó là thị trường không dễ thâm nhập thành công.
Meng Hu, từ bỏ công việc tiếp viên hàng không ở Quảng Châu, để theo đuổi giấc mơ trở thành ngôi sao bán hàng trực tuyến bằng cách livestream quảng bá sản phẩm trên nền tảng Taobao Live của Alibaba. Ảnh: CNN |
Bùng nổ livestream bán hàng nhờ Covid-19
Cách đây tám tháng, Meng Hu, 27 tuổi, ở Quảng Châu, bỏ nghề làm tiếp viên hàng không để theo đuổi giấc mơ trở thành ngôi sao bán hàng trực tuyến. Cô đã gửi đơn xin thôi việc ngay trước khi dịch Covid-19 tàn phá hoạt động kinh doanh của ngành hàng không. Sau đó, cô cải tạo căn hộ một phòng ngủ của mình thành một phòng thu dã chiến để bắt đầu con đường trở thành người ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội.
Kể từ tháng 1-2020, cô trở thành chủ một kênh livestream bán hàng trên nền tảng Taobao của Alibaba và nhanh chóng thu hút được 400.000 người theo dõi. Hu nói: “Tôi nói không ngừng, đến mức khản cả cổ họng. Trong nghề này, bạn phải cần nói nhiều vì bạn có thể lan truyền tâm trạng cho người khác. Bạn không thể làm mọi chuyện nửa vời. Chỉ khi bạn nhiệt tình trò chuyện, bạn mới khiến khá giả của bạn cảm thấy hào hứng”.
Hu là một phần của tầng lớp nhà sáng tạo nội dung đang trỗi dậy ở Trung Quốc, những người đang đua nhau gia nhập vào kênh bán hàng qua livestream. Dù xu hướng này đã trở thành một phần của văn hóa Internet trong những năm qua, giới phân tích cho rằng đại dịch Covid-19 là chất xúc tác biến livestream thành kênh bán hàng chính thống.
Mua sắm qua kênh livestream là sự kết hợp giữa thương mại điện tử và giải trí. Người xem mua hàng trực tuyến từ những người quảng bá những sản phẩm mới nhất từ son môi cho đến bột giặt trong những video phát sóng trực tiếp theo thời gian thực. Chủ nhân các buổi livestream có thể tặng người xem các coupon giảm giá hoặc bán hàng giảm giá cho họ trong một khung giờ nhất định (flash sale).
Trong nửa đầu năm nay, hơn 10 triệu buổi livestream bán hàng được tổ chức trực tuyến, theo số liệu của chính phủ Trung Quốc. Tính đến tháng 3, có 560 triệu người xem livestream bán hàng ở Trung Quốc, tăng 120 triệu người so với tháng 6-2019, theo báo cáo của Trung tâm Thông tin mạng Internet Trung Quốc. Phân nửa trong số này mua sắm trực tuyến nhờ xem livestream.
Trước đại dịch Covid-19, Sandy Shen, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thương mại số hóa ở Công ty nghiên cứu thị trường Gartner, cho biết mua sắm qua kênh livestream sẽ trở thành xu hướng phổ biến ở Trung Quốc trong vòng 2-3 năm nữa. Nhưng giờ đây, bà cho biết dự báo đó đã thành hiện thực trong vòng 2-3 tháng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc.
Các chuyên gia dự báo ngành công nghiệp livestream bán hàng ở Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Trong năm 2019, thị trường mua sắm qua livestream ở Trung Quốc đạt giá trị 451,3 tỉ nhân dân tệ (66 tỉ đô la Mỹ) và con số này có thể tăng hơn gấp đôi lên gần 1.200 tỉ nhân dân tệ (gần 170 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay, theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường iResearch ở Thượng Hải.
Chính phủ khuyến khích
Cũng giống như các nước khác trên thế giới, Trung Quốc chứng kiến cơn rung chuyển do khủng hoảng kinh tế và việc làm trong năm nay dù nước này gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Để giúp người dân kiếm sống trong thời kỳ khó khăn, Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích họ livestream bán hàng. Chẳng hạn, hồi tháng 3, Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ nông dân bán nông sản trực tuyến, đặc biệt là thông qua kênh livestream.
Ngay cả Chủ tịch Tập Cận Bình cũng lưu ý đến xu hướng này. Hồi tháng 4, khi đến thăm một ngôi làng ở Tây Bắc Trung Quốc, ông đã trò chuyện với những người dân bán nông sản qua kênh livestream. Ông khen ngợi sức mạnh của thương mại điện tử và cho rằng nó có tiềm năng lớn để giúp người dân thoát nghèo.
Vào tháng 5, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc thậm chí đưa livestream bán hàng vào danh mục nghề nghiệp được ghi nhận chính thức.
Một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng thành phố của họ trở thành các trung tâm mua sắm qua kênh livestream. Tại thành phố Quảng Châu, giới chức trách đang hy vọng biến thành phố này trở thành thủ phủ livestream bán hàng của Trung Quốc. Để hướng đến mục tiêu đó, hồi tháng 6 vừa qua, họ đã tổ chức lễ mội mua sắm qua kênh livestream kéo dài ba ngày, giúp các doanh nghiệp tổ chức 200.000 buổi phát sóng trực tiếp để bán hàng.
Tháng trước, Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, xem bán hàng qua kênh livestream là hoạt động quan trọng để ổn định thị trường lao động.
Dù vậy, tác động của ngành công nghiệp livestream đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể chỉ ở mức nhất định nào đó, theo Xiaofeng Wang, nhà phân tích ở Công ty nghiên cứu Forrester. Bà lưu ý rằng mua sắm qua kênh livestream vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, khoảng 5% trong tổng doanh số của thị trường thương mại Trung Quốc. Con số này còn nhỏ hơn hơn nữa nếu so với tổng doanh số ngành bán lẻ tổng thể của Trung Quốc.
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng ING, ước tính trong số 400.000 người chủ trì các sự kiện bán hàng qua livestream trong nửa đầu năm 2020 ở Trung Quốc, chỉ có khoảng 5-10% sẽ thành công và sống được với nghề này. Bà cho rằng rất khó để xác định có bao nhiêu việc làm được tạo ra vì nhiều người làm việc trong lĩnh vực này chỉ xem đó là công việc tạm thời, bán thời gian.
Bà nói: “Tôi nghĩ số việc làm tăng thêm nhờ ngành công nghiệp livestream rất ít. Con số đó không đủ để tạo ra tác động đáng chú ý trên thị trường việc làm”.
Cực nhọc vì cường độ làm việc cao
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trò chuyện với chủ nhân của một buổi livestream bán nông sản địa phương ở một ngôi làng ở huyện Tạc Thủy, thành phố Thương Lạc, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc hồi tháng 4-2020. Ảnh: Getty |
Sức hấp dẫn của nghề livestream bán hàng đến từ cơ hội kiếm thu nhập rất cao. Các thương hiệu thường bán được hàng chục triệu hoặc hàng trăm triệu đô la Mỹ chỉ trong một chiến dịch livestream. Và những người ảnh hưởng hàng đầu Trung Quốc có thể đút túi hàng triệu đô la mỗi năm, theo ước tính của Taobao. Nhưng các chuyên gia lưu ý rằng không dễ để trở thành một người livestream bán hàng thành công.
Sandy Shen nói: “Nếu bạn chỉ là một người bán hàng bình thường trên Taobao và bạn đang sử dụng tất cả nhân viên mà không quảng cáo kênh livestream của bạn trước, bạn có thể chỉ nhận được vài trăm khán giả theo dõi. Và họ chỉ có thể theo dõi bạn trong vòng 5-10 giây rồi rời đi nếu như họ không thấy hứng thú”.
Đối với những người như Hu, cơn bùng nổ livestream bán hàng vừa là cơ hội vừa là thách thức.
“Lượng người xem có thể tăng gập đôi nhưng lượng người livestream bán hàng giờ đây có lẽ đã tăng thêm gấp 7, gấp 8 lần. Một số người từng làm nghề tiếp viên hàng không giống tôi cũng gia nhập đội quân livestream bán hàng để bán những sản phẩm và làm những điều tương tự như tôi”, Hu nói.
Hu cho biết giờ đây, số tiền cô kiếm được mỗi tháng bằng thu nhập cả năm của cô trước đây. Nhưng giờ giấc làm việc của nghề livestream rất khắc nghiệt. Cô thường phải dành bảy tiếng mỗi ngày để trò chuyện với người xem, chào mời mọi thứ, từ các gói du lịch nghỉ dưỡng cho đến đồ ăn vặt và mỹ phẩm chăm sóc da. Sau đó, cô phải bỏ ra tám tiếng mỗi tối để đọc thông tin về những sản phẩm mà cô dự định quảng bá vào ngày hôm sau.
Cô nói: “Mỗi ngày, tôi làm việc ngay sau khi thức dậy rồi ăn, rồi làm việc, rồi ngủ. Công việc này rất cực nhọc”.
Để lên sóng trong một buổi livestream, có cả một đội ngũ 20 người làm việc hỗ trợ Hu ở hậu trường, trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong số đó, có các nhân viên từ một công ty đào tạo tài năng ở địa phương, những người giúp cô lựa chọn sản phẩm để quảng bá, mức giảm giá dành cho những khán giả hâm mộ cô và lên kế hoạch quay phim để phát sóng. Chồng của Hu cũng hỗ trợ cô làm những công việc vụn vặt khác và thỉnh thoảng cũng xuất hiện trước ống kính máy quay.
Hu và đội ngũ của cô kiếm tiền bằng hai cách: các công ty trả tiền để Hu quảng bá sản phẩm của họ và Hu cũng kiếm được hoa hồng trên một giao dịch bán hàng. Mức hoa hồng này thường dao động từ 6-16%, theo iResearch
Vỡ mộng
Heng Xia, Giám đốc điều hành Công ty đào tạo tài năng NICE MCN ở Hàng Châu, nói: “Những người làm nghề livestream phải thực sự làm việc rất cất lực. Đây là nghề nghiệp có cường độ làm việc rất cao. Hầu hết mọi người thực sự không thể theo đuổi nó. Chúng tôi đã thuê nhiều sinh viên mới tốt nghiệp nhưng chỉ một số ít họ thực sự thành công”.
Đó là vấn đề mà Seven Zhou, 30 tuổi, một ‘livestreamer’ ở tỉnh Hà Bắc, đang đối mặt. Ban đầu, anh hồ hởi phát triển sự nghiệp livestream bán hàng trên nền tảng tạo và chia sẻ video ngắn Douyin nhưng giờ đây, anh đang cân nhắc dừng công việc này.
Hồi tháng 1, anh bị cho nghỉ việc tạm thời sau khi công ty anh mất khách hàng do tác động của dịch Covid-19. Cũng giống như Hu, anh quyết định nghỉ việc hẳn với hy vọng sẽ kiếm được thu nhập lớn hơn với nghề livestream.
Nhưng rồi, Zhou nhận ra rằng mục tiêu của anh khó có thể đạt được hơn so với hình dung. Douyin yêu cầu bất kỳ người dùng nào muốn trở thành người bán hàng trên nền tảng phải có ít nhất 1.000 theo dõi. Để tìm kiếm khán giả, anh bắt đầu tổ chức các buổi livestream kéo dài hai tiếng đồng hồ trên Douyin mỗi ngày. Nhưng rất ít khán giả ghé vào kênh của Zhou. Các video của anh thất bại thảm hại, nhận được rất ít lượt ‘like'.
Tám tháng sau khi gia nhập nghề livestream, Zhou vẫn chưa quyết định có nên thừa nhận thất bại và từ bỏ công việc mới hay không. Nhưng anh cho biết anh đã vỡ mộng với ngành công nghiệp này và tất cả những câu chuyện thành công với ngành này chỉ sau một đêm.
Theo CNN