Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

LNG từ Mỹ có giúp châu Âu ‘thoát’ Nga?

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các tuyến đường vận tải biển trên Đại Tây Dương trong năm nay sẽ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi những con tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ nối đuôi nhau cập cảng châu Âu. Tuy nhiên, đây liệu có thực sự là lời giải cho bài toán thoát cảnh phụ thuộc năng lượng Nga của châu Âu?

Mỹ có thể trở thành “kho vũ khí năng lượng” để giúp châu Âu phá vỡ sự phụ thuộc vào Nga.

15 tỉ mét khối khí đốt cho châu Âu trong năm 2022

Hôm 25-3, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Theo sáng kiến do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng do đại diện của Nhà Trắng và đại diện của Chủ tịch EC điều hành. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU nhằm chuẩn bị cho mùa đông tới và giai đoạn sau đó, đồng thời hỗ trợ EU đạt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Theo Tổng thống Joe Biden, Mỹ sẽ làm việc với các nhà cung cấp khác để gửi thêm 15 tỉ mét khối LNG tới EU trong năm 2022, tương đương khoảng 10-12% lượng xuất khẩu hàng năm của Mỹ. Ông Biden cũng cho biết, Mỹ đặt mục tiêu tăng nguồn cung cho châu Âu lên 50 tỉ mét khối mỗi năm vào năm 2030.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, và hướng tới một nhà cung cấp đáng tin cậy. Do đó, cam kết của Mỹ là một bước đi lớn giúp khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Việc tăng thêm 15 tỉ mét khối khí dĩ nhiên còn xa mới có thể thay thế được con số 155 tỉ mét khối khí đốt nhập khẩu từ Nga của châu Âu trong năm 2021. Tuy nhiên, đây có thể coi là một sự khởi đầu khả quan.

Theo Georg Zachmann, chuyên gia cao cấp tại tổ chức tư vấn độc lập Bruegel, thỏa thuận này được chào đón tại châu Âu với tư cách là một biểu tượng cho sự hỗ trợ của Mỹ nhiều hơn là giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn.

“15 tỉ mét khối không phải là không có ý nghĩa. Đó là một lượng đáng kể. Tuy nhiên, nó vẫn còn kém xa những gì mà châu Âu cần ở Mỹ, để có thể đảm bảo nguồn cung an toàn”, Georg Zachmann nhận định, nhưng đồng thời cũng cho biết thêm “Mỹ là một siêu cường về năng lượng, và châu Âu cần một liên minh như vậy, để giảm sự phụ thuộc vào Nga”.

Cú hích cho ngành năng lượng Mỹ

Thỏa thuận giữa Mỹ và EU ngay lập tức đã tác động tích cực lên ngành năng lượng Mỹ. Giá cổ phiếu các công ty LNG lớn của Mỹ đã tăng trung bình 9% trong phiên giao dịch ngày 25-3, trong đó cổ phiếu của EQT Corp tăng gần 12%, còn Southwestern Energy tăng gần 16%. Cheniere Energy, nhà xuất khẩu LNG hàng đầu cũng ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu 5,5%, trong khi Tellurian, công ty đang tìm kiếm nguồn vốn cho một dự án LNG đạt mức tăng 21%.

Từ chỗ phải đối mặt với áp lực từ lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong các vấn đề về môi trường, triển vọng của ngành năng lượng Mỹ giờ đây đã trở nên tích cực hơn rất nhiều. Daniel Yergin, Phó chủ tịch S&P Global đánh giá những gì đang diễn ra là “một bước ngoặt lớn”. Ông cho biết, “hiện đã có sự công nhận rằng, dầu khí đá phiến, đặc biệt là LNG, thực sự là một tài sản địa chính trị quan trọng”.

Sự thay đổi về mặt chính trị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa dòng khí LNG từ Mỹ sang châu Âu. Trên thực tế, trước cả khi tuyên bố của Tổng thống Joe Biden được đưa ra, các lô hàng LNG từ Mỹ sang châu Âu đã gia tăng mạnh, trong bối cảnh giá khí đốt tại thị trường này tăng đột biến. Các số liệu thống kê cho thấy, EU đã nhập khẩu hơn 12 tỉ mét khối LNG từ Mỹ trong 3 tháng đầu năm, tăng gấp 3 lần mức 4 tỉ mét khối của cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia năng lượng, với việc các cảng xuất khẩu LNG của Mỹ đang hoạt động rất tích cực trong năm nay, việc đạt được mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden là chuyện hoàn toàn khả thi. Các chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định “có thể tăng thêm 15 tỉ mét khối khí so với mức của năm 2021, đặc biệt là khi chúng ta đã chứng kiến dòng chảy vận chuyển mạnh mẽ như trong năm nay”.

Điều đáng chú ý là Mỹ đang có vị thế khá tốt để hỗ trợ châu Âu. Nước này chỉ mới bắt đầu xuất khẩu lô LNG đầu tiên từ các bang vùng hạ (tức 48 bang tại Bắc Mỹ trừ Alaska) hồi năm 2016. Và chỉ sau sáu năm, họ đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhờ cách mạng dầu khí đá phiến thúc đẩy sản lượng trong nước, đưa Mỹ thành cường quốc năng lượng toàn cầu. Hồi tháng 12 năm ngoái, xuất khẩu khí LNG của Mỹ đã vượt Qatar và Australia lần đầu tiên trong lịch sử. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nước này sẽ là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong năm 2022.

Những hạn chế trong cơ sở hạ tầng vận chuyển

Tuy nhiên, vấn đề cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí LNG mới là thách thức lớn nhất, mà cả Mỹ và châu Âu chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.

Khác với khí đốt từ Nga, LNG không được vận chuyển qua đường ống. Thay vào đó, nó được làm lạnh để hóa lỏng bằng một quy trình tốn kém tại các cảng biển của Mỹ, sau đó đưa vào các tàu vận chuyển chuyên dụng. Khi tàu cập cảng châu Âu, người ta phải đảo ngược quá trình để chuyển LNG thành dạng khí.

Việc xây dựng một cảng để phục vụ xuất nhập khẩu LNG như vậy có thể tốn hơn 1 tỉ đô la. Việc lập kế hoạch, xin giấy phép và hoàn thành xây dựng còn mất nhiều năm nữa. Hiện chỉ có 7 cảng xuất khẩu ở Mỹ và 28 cảng nhập khẩu quy mô lớn ở châu Âu được khu vực này dùng để tiếp nhận LNG của cả Qatar và Ai Cập. “Nhu cầu về khí đốt của châu Âu vượt xa những gì hệ thống hiện nay có thể cung cấp”, Nikos Tsafos - nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.

Những nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn đang được đẩy mạnh. Tại Mỹ, một số cảng xuất khẩu đang được xây dựng và có thể giúp tăng lượng xuất khẩu thêm khoảng một phần ba vào năm 2026. Khoảng 10 dự án đã được Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang phê duyệt nhưng chưa thể tiếp tục vì thiếu vốn. “Đó là điểm nghẽn”, chuyên gia Tsafos nói.

Một số quốc gia châu Âu, bao gồm cả Đức, mãi cho tới gần đây vẫn không quan tâm đến việc xây dựng thêm cảng LNG vì nhập khẩu khí đốt bằng đường ống từ Nga rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, tình thế thay đổi đã buộc Đức phải quay trở lại với kế hoạch xây dựng cảng nhập LNG ở bờ biển phía bắc. Hiện khoảng 10 cảng nhập khẩu LNG đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch ở Ý, Bỉ, Ba Lan, Đức, Cyprus và Hy Lạp. Tuy nhiên, hầu hết trong số này vẫn chưa có đủ nguồn tài chính cần thiết.

Theo các chuyên gia năng lượng, với tình hình hiện tại, việc xây dựng đủ các bến cảng ở cả hai bờ Đại Tây Dương để mở rộng đáng kể việc xuất khẩu LNG từ Mỹ sang châu Âu có thể mất từ 2-5 năm.

Bài toán tăng cường đầu tư

Tuy nhiên, trong dài hạn, một khi hạ tầng phát triển đủ, Mỹ có thể trở thành “kho vũ khí năng lượng” để giúp châu Âu phá vỡ sự phụ thuộc vào Nga.

Để làm được điều này, các chuyên gia năng lượng khuyến cáo, Mỹ có thể làm được nhiều điều để giúp đỡ EU như cung cấp bảo lãnh khoản vay cho các cảng xuất khẩu của Mỹ và nhập khẩu châu Âu để giảm chi phí, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Các chính phủ có thể yêu cầu các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Đầu tư châu Âu ưu tiên các thiết bị đầu cuối, đường ống dẫn và cơ sở xử lý khí đốt. Họ có thể nới lỏng các quy định cho các hãng khai thác khí đốt, hãng xây dựng đường ống và phát triển thiết bị đầu cuối để việc tạo dựng cơ sở hạ tầng dễ dàng và rẻ hơn.

Ông Charif Souki, Chủ tịch Tellurian, một nhà sản xuất khí đốt của Mỹ đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở xuất khẩu LNG ở bang Louisiana. Ông hy vọng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ hợp lý hóa việc cấp phép và đánh giá môi trường “để đảm bảo mọi thứ diễn ra nhanh chóng”.

Ông cũng nói thêm rằng chính phủ có thể khuyến khích các ngân hàng và nhà đầu tư rót vốn, vì một số tổ chức tài chính gần đây đã có thái độ né tránh các dự án dầu khí để đảm bảo thực hiện các mục tiêu về khí hậu. “Nếu tất cả các ngân hàng lớn ở Mỹ và các tổ chức lớn như BlackRock và Blackstone cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào khí đốt và không bị chỉ trích, chúng tôi sẽ phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 100 tỉ đô la mà chúng ta cần”, ông Souki khẳng định.

Thế nhưng, các nỗ lực tăng cường đầu tư được dự báo sẽ phải đối mặt với sức ép lớn từ các chuyên gia và nhà hoạt động môi trường.

Nguồn: CNN Business, New York Times, Euronews, Reuters, WSJ, Washington Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới