Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo âu cùng Sách đỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo âu cùng Sách đỏ

Công Thắng

Lo âu cùng Sách đỏ
Một con voọc ngũ sắc quý hiếm bị bắt ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) được chi cục kiểm lâm tỉnh Quãng Nam tiếp cứu hòi tháng 9-2007.

(TBKTSG) – Sau cái chết của con tê giác Java một sừng cuối cùng ở Cát Tiên, dư luận không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: tiếp đến sẽ là loài nào đây? Hiện có bao nhiêu loài ở nước ta đang đứng bên bờ tuyệt chủng? Thử xem lại những cảnh báo khẩn thiết được đưa ra từ Sách đỏ Việt Nam.

Mười lăm năm sau lần xuất bản đầu tiên, phiên bản mới nhất của Sách đỏ Việt Nam – phần I. Động vật (gọi tắt là Sách đỏ), được xuất bản tháng 12-2007(*). Lần này, sách được tu chỉnh theo thứ hạng và tiêu chuẩn mới của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), theo đó phân 407 loài động vật bị đe dọa ở Việt Nam theo 8 hạng: tuyệt chủng (EX), tuyệt chủng ngoài thiên nhiên (EW), rất nguy cấp (CR), đang nguy cấp (EN), sẽ nguy cấp (VU), ít nguy cấp (LR), thiếu dẫn liệu (DD) và không đánh giá (NE). Tuy nói là phiên bản mới nhất nhưng từ đó đến nay cũng đã gần bốn năm. Trong bốn năm đó, tình hình có thể đã khác nhiều. Tuy nhiên, do chưa có một tài liệu khoa học nào toàn diện, đáng tin cậy hơn cho nên ta vẫn phải dựa vào phiên bản này.

Từ nguy cấp đến tuyệt chủng

Sách đỏ cho ta biết rằng, Việt Nam trước đây đã từng tồn tại những loài như heo vòi, cầy rái cá, bò xám, hươu sao, cá sấu hoa cà, tê giác hai sừng (và nay thêm tê giác một sừng)… mà sau đó tuyệt chủng (phân hạng EX) hay đã tuyệt chủng trong thiên nhiên (EW), tất cả 9 loài. Ra vậy, đọc báo thấy có vài địa phương phát triển nghề nuôi hươu sao, cá sấu hoa cà thực ra chỉ là “hươu sao nhà”, “cá sấu hoa cà… bán công nghiệp” còn tằng tổ của chúng vốn sống hoang dã thì nay đã tuyệt chủng.

Sách còn cho biết – và điều này cũng thật sự đáng sợ: cho đến thời điểm sách ra đời, đã có đến 48 loài đứng mấp mé bờ vực tuyệt chủng (CR). Thật bất ngờ, trong số này không chỉ có các loài “nặng cân”như: báo hoa mai, voi, trâu rừng, bò biển (gudong), trăn gấm, trăn đất, hoặc loài hổ Đông Dương bị xẻ thịt nấu cao… mà có cả những loài vốn được coi là “tầm thường”, tưởng chừng vẫn còn như: cá bống bớp, ốc xa cừ, ốc
tù và…!

Còn thuộc loại đang nguy cấp thì quá nhiều – 112 loài, từ các loài vượn đen, sói đỏ, gấu ngựa, gấu chó, sơn dương, sao la, bò tót, bò rừng, tê tê, trĩ đỏ, “con công hay múa”… cho đến loài vích, đồi mồi, một số loài cá ngựa, tôm hùm, rắn ráo thường. Một loài thú được gọi tên ngộ nghĩnh, hơi khó đọc, vốn thuộc họ khỉ là “voọc” hay “chà vá” (voọc ngũ sắc, voọc vá chân đen, voọc đen má trắng…) cũng đang bị săn bắt, sát hại ráo riết: chỉ từ đầu năm đến nay đã phát hiện mấy vụ giết hại tàn bạo loài này ở Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Nhưng nhiều nhất vẫn là các loài sắp nguy cấp – đến 190 loài – mà danh sách có cả nai, mang lớn, khỉ mặt đỏ, rái cá thường, tắc kè, nhông cát, cu li, cá hô, cua đinh (ba ba), cò nhạn, một số loài sóc bay, san hô… và kể cả con cà cuống “chết đến đít còn cay” nổi danh từ xửa từ xưa với món nước mắm cà cuống ăn với bánh ướt, bánh cuốn! Mấy loài cá “đặc sản” làm mồi ngon cho thực khách như: cá anh vũ, cá lăng, cá chìa vôi giờ đây cũng được đưa lên thớt – sắp nguy cấp! Và còn phải kể thêm con cua hoàng đế mà khoảng mươi, mười lăm năm trước còn thấy nhiều ở các chợ miền Trung.

Thì ra những gì mà ta biết qua những vụ sát hại thú hoang dã từng được báo chí đưa tin, gây xôn xao dư luận chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm. Và hàng ngày, hàng giờ, đâu đó trên rừng, dưới biển, nơi sông suối, đồng ruộng, và cả trong bếp ăn quán xá… các loài động vật hoang dã quý hiếm đang nối nhau gục ngã dưới họng súng săn, đang vùng vẫy trong bẫy rập, đang rên la trong các chuồng trại chật chội, hôi hám hoặc nằm trên giàn hỏa. Cái chết của con tê giác Java một sừng cuối cùng ở Cát Tiên gây chấn động mọi người bởi vì nó đặc biệt quý hiếm và rất “nổi tiếng”, nhưng còn bao nhiêu loài thú, loài chim, bò sát lưỡng cư, san hô… cũng quý hiếm nhưng ít “nổi tiếng” hơn sắp bị tuyệt chủng thì liệu có được nhiều người để mắt đến?

Đừng để Sách đỏ trở thành quý hiếm

Sách đỏ Việt Nam thôi thúc mọi người cùng hành động bảo tồn, nhưng trước khi hành động thì phải biết, phải hiểu. Bởi vậy, nó phải nằm trong một chiến lược truyền thông bảo tồn động vật hoang dã và do đó, cần được phổ biến rộng rãi đến công chúng để cùng chung tay giữ gìn. Nhưng với hình thức sách công cụ tra cứu, số lượng in không nhiều (1.700 cuốn) và cái giá bìa có thể làm cho nhiều độc giả bình thường phải chùn tay (230.000 đồng/cuốn) dường như nó chỉ dành chủ yếu cho các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu, quản lý. Kiểu này không khéo Sách đỏ cũng trở thành một thứ quý hiếm!

Thực ra, nội dung sách đỏ cần được phổ biến dưới những hình thức gần gũi (và hợp với túi tiền) quần chúng hơn: có thể ở dạng tóm lược ngắn gọn, giảm thiểu thuật ngữ khoa học, in khổ nhỏ, giá thấp. Cũng có thể tách nội dung ra từng phần: các loài sắp bị diệt chủng, hoặc các loại nguy cấp… để lần lượt in ra. Cơ quan đã tổ chức biên soạn Sách đỏ Việt Nam – Viện Khoa học và công nghệ – nên tiếp tục làm công việc này. Mặt khác, các vườn quốc gia và từng địa phương cũng nên lọc lấy danh sách những loài động vật hoang dã nào đó trong Sách đỏ ở khu vực hoặc địa phương mình để phổ biến cho người dân; chẳng hạn, với các tỉnh vùng ven biển là các loài cá, giáp xác, san hô quý hiếm; với các tỉnh miền núi là các loài thú, chim, móng guốc quý hiếm… Một cách phổ biến, giáo dục rộng rãi và có lẽ hiệu quả hơn cả là đưa nội dung Sách đỏ vào nhà trường, tùy trình độ mà có cách trình bày và dung lượng thích hợp. Nhưng dù phổ biến theo hình thức nào cũng cần kèm theo sự giải thích về tầm quan trọng của các loài hoang dã và các biện pháp bảo tồn.

Biên soạn (cập nhật) và phổ biến rộng rãi Sách đỏ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy vậy, để tăng tính hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh, công việc này rất cần sự tham gia hỗ trợ từ các phương tiện, nguồn lực khác trong xã hội. Với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác nông – lâm – thủy sản, đây là một lĩnh vực hoạt động xã hội rất đáng quan tâm và tích cực ủng hộ. Không cân bằng giữa bảo tồn và khai thác thì không thể nói đến phát triển ổn định, bền vững.

________

(*) Bộ Sách đỏ Việt Nam gồm 2 phần: phần I – Động vật và phần II – Thực vật (phần Thực vật được công bố lần đầu vào năm 1996).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới