Thứ năm, 24/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lo cho dân là ưu tiên hàng đầu

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thế giới đầy biến động buộc chúng ta phải nhìn lại và điều chỉnh mô hình tăng trưởng. Có thể rồi đây chúng ta sẽ phải giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, củng cố thị trường nội địa, chăm lo phát triển nông nghiệp và tạo giá trị gia tăng nhiều hơn cho sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp... Thế nhưng điều chỉnh chính sách lớn hơn cả bắt đầu từ việc chăm sóc cuộc sống của người dân với hai cột trụ: giáo dục và y tế.

Phát triển kinh tế nói cho cùng cũng là để có nguồn lực nâng cao mức sống của người dân, nhưng mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu, tận dụng lợi thế nhân công dồi dào có thể dẫn tới phân phối lợi ích không đồng đều. Sẽ có người hưởng lợi từ toàn cầu hóa nhiều hơn người khác. Trước đây chúng ta khắc phục điều này bằng con đường xóa đói giảm nghèo, dùng thành quả kinh tế để đẩy lùi cái nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nay tiến thêm một bước Việt Nam đã quyết định miễn học phí cho tất cả học sinh, từ trẻ em mầm non đến trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục công lập. Định hướng là sẽ tiến tới miễn viện phí cho toàn dân. Đây là quyết sách sáng suốt vì hai cột trụ giáo dục và y tế làm nên chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, phải sử dụng một tỷ lệ lớn thu nhập cho chi tiêu giáo dục và y tế.

Theo Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30-35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Nay nếu họ hưởng được một cuộc sống trong đó con em đi học không mất tiền, chữa bệnh miễn phí thì nguồn thu nhập có thể tập trung cho các nhu cầu thiết yếu khác, từ đó cải thiện được rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống.

Dĩ nhiên tiến tới miễn viện phí cho toàn dân có nghĩa mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế đến tất cả mọi người để chia sẻ gánh nặng chăm sóc sức khỏe đồng đều cho toàn dân để từ đó mới có một nền tảng y tế bền vững. Hệ thống bảo hiểm y tế toàn diện cũng nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo vệ sức khỏe cho người dân chứ không ỷ lại vào hệ thống y tế miễn phí đơn thuần.

Như vậy bước đi miễn học phí, tiến tới miễn viện phí hoàn toàn phù hợp với mong muốn cấu trúc lại cơ cấu nền kinh tế. Hai cột trụ xã hội này phát triển sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm ổn định, tạo ra một tầng lớp có thu nhập ổn định để từ đó phát triển thị trường tiêu dùng nội địa. Người dân tiết kiệm được chi phí lẽ ra phải trang trải cho giáo dục và y tế cũng có thể chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó củng cố mô hình cân đối giữa làm hàng xuất khẩu và làm hàng thay thế hàng nhập khẩu.

Thành quả phát triển kinh tế thường được đánh giá bằng tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu nhưng để đo lường mức độ phát triển, phải nhìn đến các thước đo khác như chất lượng cuộc sống, tấm lưới an sinh xã hội cho người nghèo, hạnh phúc của người dân khi con em được đi học... Học phí, viện phí là những thước đo quan trọng như thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới