Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lỗ hổng tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Lưu Minh Sang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đại án liên quan đến Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có thể được xem là lớn nhất trong lịch sử ngân hàng Việt Nam nếu xét về số tiền gây thiệt hại. Nhìn lại cả hai vụ án có thể nhận thấy nhiều điểm trùng hợp và gợi lên những lỗ hổng đang tồn tại trong cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém.

Tình trạng sở hữu chéo đã biến SCB thành một công cụ tài chính huy động tiền gửi của dân chúng để sử dụng cho mục đích cá nhân từ năm 2016-2022. Ảnh: LÊ VŨ

Hoạt động cơ cấu lại ngân hàng yếu kém được tiến hành dựa trên nền tảng quy định của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ và chủ trương/phương án cơ cấu lại ngân hàng trong từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, việc cơ cấu lại một ngân hàng yếu kém có thể được thực hiện theo các phương án sau: (i) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu thực hiện các phương pháp tự phục hồi thông qua việc tăng vốn, xử lý nợ xấu… với sự đồng hành của một TCTD hỗ trợ và các biện pháp hỗ trợ khác; (ii) tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp và (iii) chuyển giao bắt buộc cho một TCTD hoặc pháp nhân khác.

Cả VNCB và SCB đều là hệ quả của việc thực hiện phương án số (ii) đối với các ngân hàng yếu kém trước đó.

VNCB gắn liền với quá trình tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) thông qua hoạt động nhận chuyển nhượng cổ phần của nhóm cổ đông Thiên Thanh (đại diện là ông Phạm Công Danh) từ nhóm cổ đông Phú Mỹ (đại diện là bà Hứa Thị Phấn) vào năm 2012. Tại thời điểm 2012, tình hình tài chính của TrustBank rất xấu với vốn chủ sở hữu bị âm 2.854,833 tỉ đồng, lỗ lũy kế là 6.061,738 tỉ đồng. Sự yếu kém của TrustBank đến từ hành vi rút ruột ngân hàng của bà Hứa Thị Phấn với tư cách là người kiểm soát ngân hàng thông qua tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp lên đến 84,92%.

Điều đáng nói là ông Phạm Công Danh hay Tập đoàn Thiên Thanh do ông này làm chủ tịch hoàn toàn không đủ năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị ngân hàng, tất nhiên càng không thể có năng lực cơ cấu lại ngân hàng yếu kém. Toàn bộ số tiền nhận chuyển nhượng cổ phần đều không phải là vốn tự có.

Để rồi chỉ trong vòng hai năm, dưới sự lèo lái của ông Phạm Công Danh, với hàng loạt hành vi sai phạm, hơn 18.000 tỉ đồng đã bị rút ruột khỏi VNCB và để lại cho VNCB sự kiệt quệ về tài chính dẫn đến hậu quả NHNN phải vào mua lại với giá 0 đồng.

Trong khi đó, sự hình thành của SCB được xem là khởi đầu về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và nền kinh tế giai đoạn 2011-2015. Vào ngày 1-1-2012, ba ngân hàng đã tự nguyện hợp nhất, chấm dứt tư cách pháp nhân để thành lập nên SCB như ngày nay.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như đây là ba ngân hàng hoạt động bình thường, tài chính lành mạnh, có lợi thế riêng biệt để có thể phát huy thế mạnh, hỗ trợ nhau phát triển. Ngược lại, ba ngân hàng này lại đồng pha ở rất nhiều khía cạnh:

(i) Lịch sử hình thành và trải qua thăng trầm khá giống nhau: đều trải qua những trục trặc về tài chính, tiền thân của hai trong ba đều đã từng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt;

(ii) Có hiện trạng tài chính trước khi hợp nhất giống nhau: khó khăn về thanh khoản, nợ xấu cao, nằm trong diện phải tái cơ cấu; và

(iii) Cả ba đều nằm trong ma trận sở hữu chéo dưới sự kiểm soát của một chủ - bà Trương Mỹ Lan.

Mặc dù vậy, dường như sự đồng pha và vấn đề sở hữu chéo nghiêm trọng này đã không được đặt ra hoặc không được coi trọng trong phương án tái cơ cấu ba ngân hàng này. Do đó, tình trạng sở hữu chéo vẫn tiếp tục được tiếp diễn. Theo kết luận của cơ quan điều tra, SCB đã bị biến thành một công cụ tài chính huy động tiền gửi của dân chúng để sử dụng cho mục đích cá nhân từ năm 2016-2022.

Cả hai vụ án trên đều cho thấy những hành vi sai phạm và thiệt hại đều diễn ra trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Thứ nhất, điều kiện của bên chuyển nhượng cổ phần hay các bên tham gia hợp nhất, sáp nhập để tái cơ cấu đã không được quy định rõ ràng trong các quy định pháp luật. Trước năm 2017, khung pháp lý về kiểm soát đặc biệt và tái cơ cấu ngân hàng khá sơ sài. Sau hàng loạt đại án xảy ra, Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 đã bổ sung hàng loạt quy định liên quan đến vấn đề này. Tuy vậy, những quy định vẫn chỉ dừng lại ở mặt nguyên tắc.

Điều này tạo nên sự chưa rõ ràng trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu. Đồng thời, đây cũng có thể là nguyên nhân tạo nên tình trạng sở hữu chéo hoặc kéo dài tình trạng sở hữu chéo dưới một hình thức tinh vi hơn.

Điển hình như trường hợp của VNCB, hệ quả của tái cơ cấu là sự thay đổi vị trí của một nhóm lợi ích này sang một nhóm lợi ích khác và đều có động cơ thao túng ngân hàng để trục lợi. Hay với SCB, hoạt động tái cơ cấu ba ngân hàng trở nên hình thức khi mà mọi thứ về bản chất đều không có sự thay đổi, từ cơ cấu sở hữu thực, quyền kiểm soát/chi phối, động cơ hoạt động,…

Ngay cả với phương án chuyển giao bắt buộc, bên cạnh chủ thể nhận chuyển giao là các TCTD, một pháp nhân bất kỳ có thể trở thành bên nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém nếu đáp ứng hai điều kiện: (i) hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất hai năm liền kề trước thời điểm đề nghị nhận chuyển giao theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập; (ii) có phương án chuyển giao bắt buộc khả thi, trong đó bao gồm nội dung chứng minh bên nhận chuyển giao có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn theo phương án.

Từ thực trạng quy định và thực tiễn đã diễn ra cho thấy, các quy định về phương án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém chưa tính toán đến việc đảm bảo tình trạng sở hữu phân tán hay tính đại chúng cần có của một ngân hàng thương mại. Với cách quy định hiện nay hay cách làm trong thời gian qua, vô hình trung đã tạo điều kiện cho tình trạng sở hữu chéo tồn tại và tiếp tục, thậm chí hợp pháp đối với trường hợp nhận chuyển giao bắt buộc.

Do đó, nếu buộc phải thu hẹp tính đại chúng vì lý do đặc thù của quá trình xử lý ngân hàng yếu kém thì đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc, nhà đầu tư mới nhận chuyển nhượng cổ phần hay nhận sáp nhập, hợp nhất nên là các TCTD có tính đại chúng hoặc một pháp nhân có điều kiện tối thiểu là công ty đại chúng.

Thứ hai, hoạt động đánh giá thực trạng ngân hàng yếu kém và xây dựng đề xuất, chủ trương tái cơ cấu dường như chưa tính đến hiệu quả lẫn hậu quả có thể phát sinh. Đơn cử như trường hợp của SCB, trước khi hợp nhất ba ngân hàng, tình trạng sở hữu chồng chéo và những hoạt động tài trợ vốn giữa ba ngân hàng này với bà Lan và những cá nhân, pháp nhân liên quan mặc dù không được công khai chính thức nhưng đã được cảnh báo bởi các chuyên gia trong những nghiên cứu độc lập được công bố. Do đó, không thể nói tình trạng sở hữu chéo phức tạp, khó phát hiện và không thể biết trong quá trình xây dựng và đề xuất chủ trương tái cơ cấu ba ngân hàng này.

Thứ ba, những sai phạm trong đại án của VNCB lẫn SCB đều xảy ra trong quá trình tái cơ cấu với sự thanh tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh quy định giám sát nghiêm ngặt dành cho các ngân hàng, VNCB và SCB đều chịu sự giám sát của Tổ giám sát và hoạt động giám sát tăng cường của NHNN gắn với phương án tái cơ cấu.

Chưa kể, trong giai đoạn 2015-2019, NHNN đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai ba đoàn thanh tra tiến hành hoạt động thanh tra đối với SCB trong khuôn khổ triển khai tái cơ cấu SCB (sau hợp nhất). Thế nhưng, những sai phạm nghiêm trọng vẫn được tiến hành trong một thời gian dài với sự thông đồng của nhiều cán bộ, công chức thực hiện vai trò thanh tra, giám sát.

Mặc dù từ bản án của ông Phạm Công Danh hay bà Hứa Thị Phấn, hội đồng xét xử đều đã cảnh báo về lỗ hổng trong thanh tra, giám sát quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, thế nhưng những sai phạm này tiếp tục được lặp lại.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lỗ hổng lớn nhất, nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ quyết định “hô biến” hàng loạt ngân hàng cổ phần nông thôn lên ngôi ngân hàng cổ phần đô thị. Tiến trình tăng trưởng không căn cứ năng lực, uy tín, tầm vóc, hiệu quả mà chỉ dựa vào việc mở rông quy mô màng lưới một cách tràn lan, dẫn đến không thể kiểm soát được. Nếu viện dẫn rằng ở Mỹ có hàng ngàn ngân hàng, trong khi ở ta chỉ có vài chục, quả là rất khập khiễng. Cần lưu ý, năng lực quản lý thể chế tài chính phải tương ứng với sức mạnh bắt nguồn từ quy mô hiệu quả nền kinh tế, để nhiều rủi ro nhỏ không cộng hưởng thành một rủi ro lớn không thể kháng cự được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới